Đến dự hội thảo có ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, TS. Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, cùng các nhà khoa học, các Đồng đền, Thủ nhang, Thanh đồng...
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Hà Nội là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc bộ. Theo kết quả kiểm kê sơ bộ của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vào cuối năm 2016, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ trên địa bàn Hà Nội diễn ra hầu khắp quận, huyện, thị xã với khoảng hơn 1900 di tích là các phủ, đền, điện thờ tư gia. Có 02 câu lạc bộ tiêu biểu của những người thực hành di sản là câu lạc bộ hát văn xứ Đoài và câu lạc bộ Văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội. Nét đặc trưng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của Hà Nội so với các địa phương khác là có số lượng điện tư nhân lớn với khoảng 886 điện tư nhân và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt tại Hà Nội với những nét đặc trưng về lề lối, phong cách sang trọng lịch sự của các bóng đồng Hà Nội góp phần làm phong phú thêm giá trị của di sản và đang tiếp tục được lan tỏa thông qua xu hướng mở rộng không gian thực hành di sản tại các đền to phủ lớn thuộc mọi vùng miền trong nước và ngoài nước của các thanh đồng Hà thành.
Trong xã hội đương đại, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt chứa đựng nhân sinh quan độc đáo, tiến bộ, gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn qua việc tôn vinh những người có công với đất nước.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến và là thành phố có tốc độ đô thị hóa và hiện đại hóa mạnh mẽ, đã tạo ra môi trường mới cho Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt hồi sinh và khởi sắc. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của văn hóa Hà Nội nói chung và Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt tại thành phố Hà Nội nói riêng là công việc lâu dài, khó khăn.
TS. Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho biết, với 25 bài tham luận, hội thảo nhằm góp phần cụ thể hóa Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của người Việt. Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa cùng các Đồng đền, Thủ nhang, Thanh đồng sẽ trao đổi một số vấn đề: Làm rõ hơn về Tín ngưỡng thờ Mẫu, nhất là giá trị và mối quan hệ của tín ngưỡng này với các tín ngưỡng và tôn giáo khác ở nước ta; Khẳng định việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của các nghi lễ của Tín ngưỡng thờ Mẫu cổ truyền, đặc biệt là nghi lễ Hầu đồng; Tình hình thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay; Vấn đề đưa nghi lễ Hầu đồng lên sân khấu; Quản lý nhà nước và tham gia quản lý của cộng đồng đối với thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu...
Cũng tại hội thảo, đã diễn ra Lễ tặng sách của Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam với Thạc sĩ Trần Quang Dũng (Chủ biên) và các tác giả của cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ - Chốn thiêng nơi cõi thực”. Các tác giả của cuốn sách này đã dựa trên kết quả của quá trình điền dã, tìm hiểu và thậm chí có những người đã gắn bó cả đời với thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu. Cuốn sách từ chỗ là một biểu hiện rất đỗi chân thành cái Tâm của những người thực hiện đối với Tín ngưỡng, quan trọng hơn là từ cuốn sách, bạn đọc sẽ từng bước nhận diện, tôn vinh và có thể góp phần vào quá trình bảo vệ các giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu - một di sản văn hóa phi vật thể không chỉ của quốc gia, mà còn là của nhân loại. Sách được phát hành tại các nhà sách trên toàn quốc.
Theo Nguyên Hà - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch