Tin văn nghệ
Bảo tồn di tích văn hóa Chăm có niên đại khoảng 1.000 năm tuổi
14:59 | 16/11/2017

UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Quyết định phê duyệt Đề án “Khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ” thuộc phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

Bảo tồn di tích văn hóa Chăm có niên đại khoảng 1.000 năm tuổi
Theo các nhà nghiên cứu, các cổ vật, tượng đá... thu thập được tại di chỉ Phong Lệ có niên đại khoảng 1.000 năm tuổi. Ảnh: Dân Trí.
Mục đích của Đề án nhằm bảo tồn di tích văn hóa Chăm được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI có niên đại khoảng 1.000 năm tuổi phục vụ công tác nghiên cứu giáo dục và khảo sát, khai quật khảo cổ để đánh giá công nhận, xếp hạng di tích; góp phần tôn tạo và hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, gắn mục tiêu bảo tồn với khai thác, phát huy giá trị di tích, hình thành điểm tham quan du lịch. Qua đó, hoạch định để phát triển các tuyến du lịch liên kết với di tích, đưa vào không gian trưng bày bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn văn hóa địa phương vào quy hoạch chung để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích; hướng cộng đồng nhân dân sinh sống trong vùng quy hoạch cùng tham gia công tác bảo tồn di tích; từng bước đưa các giá trị kinh tế gắn với việc bảo tồn di tích thông qua hoạt động du lịch, phát triển làng nghề truyền thống, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân vùng di tích.
 
Quy mô quy hoạch tổng thể trên diện tích 19.740m2, bao gồm khu vực lõi di tích đã được khai quật và khu vực quy hoạch phục vụ khai quật khảo cổ, khu vực bảo vệ và khu vực dịch vụ du lịch, phát huy giá trị di tích.
 
Cụ thể, khu vực bảo tồn (diện tích 2.653 m2) gồm kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, Miếu Bà, 2 ngôi mộ cổ và hạng mục tường bao bảo vệ, làm mái che cho các khu vực nền móng dễ bị xâm hại bởi thời tiết.
 
Khu vực bảo vệ di tích (diện tích 1.626 m2), tiến hành quy hoạch các hạng mục hỗ trợ cho di tích gồm Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, Nhà trưng bày ngành nghề truyền thống. Đồng thời, bố trí lối vào và không gian sân vườn tạo không gian để trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể, quy hoạch không gian cây xanh tạo vùng đệm bảo vệ di tích.
 
Tại Khu vực phát huy giá trị di tích (diện tích 15.461 m2), tiến hành quy hoạch các hồ sen, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách đến tham quan thư giãn…
 
UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, khảo cổ để xác định, bổ sung các căn cứ khoa học làm sáng tỏ hơn giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích, làm cơ sở cho việc lập hồ sơ công nhận, xếp hạng di tích và thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định. UBND quận Cẩm Lệ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức niêm yết và công bố quy hoạch, đề án công khai theo quy định.
 
 
Theo Lan Anh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng