Ông K’Briu có 15 năm gắn bó với nghề đan gùi hoa tại thôn KaLa TânGu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh
Theo bà, một khi người trẻ không muốn nối nghiệp người già, sớm muộn gì nghề này cũng sẽ bị mai một và thất truyền.
Thật không khó, khi chúng tôi tìm đến gia đình nghệ nhân Ka Ệp ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng, để “mục sở thị” nghề đan gùi hoa. Phía sau căn nhà khá khang trang của gia đình là căn nhà tạm bợ nhuốm màu thời gian, chứa các nguyên vật liệu và các sản phẩm gùi hoa - nơi Ka Ệp tỉ mẩn chẻ nan, tuốt chỉ, đan gùi mỗi ngày. Đây là gia đình duy nhất còn lại của thôn Duệ sản xuất và cung ứng sản phẩm thủ công mỹ nghệ - gùi hoa.
Gần 10 mùa rẫy gắn bó với nghề và chỉ thực sự bắt tay vào đan gùi hoa để bán theo nhu cầu của khách hàng khoảng 5-6 năm trở lại đây, bên cạnh niềm vui “cung không đủ cầu” (giá một chiếc gùi hoa dao động 250.000 - 650.000 đồng), Ka Ệp cũng không khỏi chạnh lòng khi nói về thực trạng của nghề. “Ở làng này, bây giờ rất ít người lớn tuổi biết đan gùi hoa. Lớp trẻ xem ra chẳng mặn mà gì. Tụi nó hay tới nhà mình chơi và khen cô đan gùi hoa rất đẹp. Nhưng khi mình bảo cố gắng học để giữ cái nghề truyền thống của đồng bào mình và kiếm thêm thu nhập, tụi nó có chịu học đâu! Vì vậy, nghề đan gùi hoa ở đây đang có nguy cơ bị thất truyền”- nghệ nhân Ka Ệp tâm sự. Nói về nguồn nguyên liệu để đan gùi hoa, theo ông K’Rang - chồng nghệ nhân Ka Ệp, quả không dễ dàng chút nào. K’Rang chia sẻ giọng buồn buồn: “Trước đây nguyên liệu làm gùi hoa rất nhiều, nhưng bây giờ đi tìm rất xa và hiếm. Nghề truyền thống của ông cha thì mình muốn giữ, nhưng người dân trong làng bây giờ họ có thích đan gùi đâu. Mình cứ bám cái nghề này để kiếm sống hàng ngày”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đan chiếc gùi hoa, nhất thiết phải dùng 2 loại nan xương và nan thường. Gùi được đan theo quy trình từ đáy lên miệng, cuối cùng mới đến khâu làm đế và quai gùi. Có 2 kiểu đan gùi hoa cơ bản mà đồng bào K’Ho ở Di Linh vẫn thường đan, là kiểu đan tạo hoa văn hình chữ V và kiểu đan tạo hoa văn hình thoi. Còn màu sắc sử dụng để trang trí hoa văn chủ yếu trên gùi là màu đỏ và màu đen được lấy từ vỏ cây rừng hoặc chỉ màu. Thường, bà con tận dụng chính mảng màu tự nhiên từ nguyên liệu tre nứa, lồ ô để làm nổi bật đường nét hoa văn của chiếc gùi hoa, tạo nên những sản phẩm đặc trưng riêng.
Cùng chung cảnh ngộ như thôn Duệ, thôn KaLa TânGu, xã Bảo Thuận chỉ có 4-5 số hộ biết đan gùi hoa. Do việc đan gùi hoa đòi hỏi những kỹ thuật khá tinh xảo, mất nhiều thời gian và cách đan, cách tạo hoa văn cũng rất khác so với đan gùi thường nên chỉ có những người lớn tuổi mới đủ kiên nhẫn để tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống hàm chứa yếu tố văn hóa và giàu bản sắc đến như vậy. Ông K’Briu nói: “Lúc 15 tuổi mình đã biết đan gùi rồi. Đan một chiếc gùi thường chỉ một tuần là xong, nhưng riêng đối với gùi hoa phải mất cả tháng trời. Khó nhất là khâu tạo hoa văn cho chiếc gùi”.
Già làng K’Bres cũng không khỏi băn khoăn về thực trạng nghề đan gùi hoa hiện nay tại địa phương. Ông mong muốn: “Những nghệ nhân trong thôn cần thành lập tổ đan gùi hoa và tích cực truyền nghề cho lớp trẻ. Các cấp, ngành có thẩm quyền nên quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để bà con có điều kiện tổ chức lại sản xuất. Có như vậy, nghề đan gùi hoa tại địa phương mới không bị mai một và thất truyền”.
Về câu chuyện này, bà Lâm Thị Phước Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Trong thời gian tới, cùng với định hướng phát triển ngành “Du lịch không khói” tại địa phương, UBND huyện Di Linh sẽ tập trung chỉ đạo ngành văn hóa, một mặt tiếp tục rà soát, động viên nghệ nhân người K’Ho tăng cường phát huy nghề truyền thống của đồng bào mình bằng cách làm ra nhiều sản phẩm gùi hoa cung ứng cho thị trường. Mặt khác, mở các lớp dạy nghề đan gùi hoa cho thế hệ trẻ, hình thành các nhóm sản xuất sản phẩm truyền thống ở từng vùng, trong đó có gùi hoa.
Theo Lê Trọng - SGGP Online