Trưng bày “Voi ở Tây Nguyên” vừa chính thức khai mạc vào ngày 25/11 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội).
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày "Voi ở Tây Nguyên".
Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến với công chúng (1997 – 2017).
40 hiện vật, 38 bức ảnh và phim video cùng hệ thống các bài viết được sắp xếp trong trưng bày theo 06 chủ đề: Tập tính của voi; Bắt và thuần dưỡng voi rừng; Chăm sóc voi; Voi trong đời sống kinh tế; Voi trong đời sống xã hội; Voi trong đời sống văn hóa.
Một trong những hình ảnh được giới thiệu tới công chúng trong trưng bày.
Trưng bày phản ánh vai trò của voi trong đời sống, văn hóa, xã hội cũng như những tri thức dân gian về việc bắt và thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên. Những câu chuyện được chia sẻ qua các giọng nói của người dân ở Tây Nguyên cho thấy voi là một phần trong đời sống văn hóa Tây Nguyên, sự thay đổi vai trò của voi từ làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, kéo gỗ sang việc chủ yếu phục vụ khách du lịch đóng góp kinh tế cho địa phương.
Cùng với trưng bày Voi ở Tây Nguyên, Bảo tàng tổ chức một số hoạt động giáo dục dành cho công chúng, như: hoạt động khám phá trưng bày, các buổi thuyết trình liên quan đến nội dung trưng bày, trình diễn của người Mnông…
Khách tham quan trưng bày "Voi ở Tây Nguyên".
Ông Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Thông qua trưng bày, chúng tôi mong muốn công chúng có cơ hội tìm hiểu về những tập quán, nghi lễ liên quan đến việc bắt, thuần dưỡng, chăm sóc cũng như giá trị của voi trong đời sống văn hóa xã hội của một số dân tộc ở Tây Nguyên, đồng thời góp tiếng nói nhằm nâng cao ý thức cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã nói chung và voi nói riêng’’./.
Theo Anh Vũ - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch