Tin văn nghệ
Cuộc đời nàng Thúy Kiều qua nét vẽ của 15 họa sĩ đương đại
14:26 | 04/12/2017

Mới đây, tại nhà sách Cá Chép, 115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm và chương trình đấu giá tranh minh họa Truyện Kiều và truyện thơ Lục Vân Tiên. Tại đây, họa sĩ Thành Chương và nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã có những chia sẻ xung quanh việc thực hiện minh họa cho cuốn “Truyện Kiều” (NXB Văn học liên kết cùng Công ty cổ phần văn hóa Đông A ấn hành).

Cuộc đời nàng Thúy Kiều qua nét vẽ của 15 họa sĩ đương đại
Buổi tọa đàm nhận được sự quan tâm của độc giả yêu sách và những người yêu mỹ thuật
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: “Truyện Kiều nói riêng và các truyện nói chung có nhiều cách minh họa. Một là người ta bám vào chặt vào câu chuyện, về phong tục tập quán, về nhân vật; hai là vẽ theo cảm nhận người ta đọc; ba là vẽ theo đúng thời kỳ câu chuyện diễn ra và người ta cũng có thể vẽ theo con mắt của con người bây giờ”. Nhà nghiên cứu khẳng định: “Minh họa không phải là thứ áp đặt chặt chẽ, truyện thế này thì phải minh họa thế này. Lối đó là một lối cổ. Lối của họa sĩ hiện đại là đọc và cảm nhận, họ vẽ theo cảm nhận của họ về truyện Kiều”.
 

ảnh 2
Thúy Kiều khi hầu rượu cho Thúc Sinh và Hoạn Thư qua nét bút của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Họa sĩ Thành Chương hy vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng, giúp Truyện Kiều sống mãi, phát huy giá trị trong thời kỳ mới. "Với bộ tranh minh họa lần này, những họa sĩ của thời mở cửa mong muốn góp một cách nhìn mới gần gũi với thế hệ trẻ hơn, để qua Truyện Kiều ấn bản mới này thấy được chân dung tương đối của người họa sĩ, và qua con mắt của họa sĩ sẽ thấy một cách thể hiện khác về Truyện Kiều, với mục tiêu gần gũi hơn với đại chúng, với tư duy, thị giác của giới trẻ hiện nay” – Họa sĩ Thành Chương nói.
 
Hai bộ tranh được triển lãm và đấu giá gồm: bộ tranh minh họa “Truyện Kiều” với 15 bức tranh do 15 họa sĩ đương đại thực hiện và truyện thơ “Lục Vân Tiên” với 19 bức tranh họa sĩ Nguyễn Công Hoan minh họa. Những bộ tranh này vừa được in trong 2 ấn bản đặc biệt của “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên” năm 2017, (NXB Văn học liên kết cùng Công ty cổ phần văn hóa Đông A ấn hành), Phó Giáo sư Nguyễn Thạch Giang - nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn chương Hán - Nôm cổ và Truyện Kiều khảo đính và chú giải. Sách được in màu khổ lớn.
 
Kết quả của cuộc đấu giá (bao gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá online trên fanpage Đông A Gallery, đấu giá điện thoại) sẽ được công bố vào lúc 9h, ngày 13-12-2017. Đặc biệt, người thắng đấu giá với mức giá cao nhất cho một bức tranh bất kỳ trong 15 tác phẩm của "Truyện Kiều" và người thắng đấu giá bộ tranh "Lục Vân Tiên" sẽ nhận được 1 cặp vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh đi Singapore và vé tham dự Art Stage Singapore vào tháng 1-2018.
 
Một số tranh trong tác phẩm "Truyện Kiều" trưng bày tại triển lãm:
 
ảnh 3
Tranh minh họa "Chị em Thúy Kiều" của họa sĩ Đặng Tiến
 
ảnh 4
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa vẽ cảnh Mã Giám Sinh đưa Kiều về Lâm Truy
 
ảnh 5
Họa sĩ Đinh Quân vẽ Kiều và Thúc Sinh khi "Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng/ Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng"
 
ảnh 6
Kiều ở Quan Âm các trong tranh của họa sĩ Hà Trí Hiếu
 
ảnh 7
"Kiều báo ân báo oán" - họa sĩ Phạm Quang Vinh
 
ảnh 8
Cảnh "Đoàn viên" cuối truyện do họa sĩ Thành Chương thể hiện
 
 
 
Theo Nguyễn Ngọc Trâm - An ninh Thủ đô
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng