Nhân dịp này, UBND huyện Kinh Môn (UBND huyện Kinh Môn), Hải Dương phối hợp với Tổng Cục Du lịch tổ chức Đoàn khảo sát tuyên truyền, quảng bá Di tích Quốc gia Đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương.
Tại buổi gặp gỡ Đoàn khảo sát, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết, huyện Kinh Môn rất vinh dự được đóng nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Đến nay mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất.
Nhân dịp này, huyện sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng như các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao dân tộc, liên hoan diễn xướng hầu Thánh, giao lưu văn nghệ, trưng bày các sản vật, cổ vật, các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội
Đoàn khảo sát đã đi thăm Di tích và danh thắng An Phụ; Chùa, động Kính Chủ; Chùa và hệ thống hang động ở Nhẫm Dương… cho thấy công tác chuẩn bị cơ cở vật chất phục vụ buổi lễ đến nay cơ bản đã hoàn tất. Huyện Kinh Môn đã lên xong phương án bố trí, sắp xếp nơi ăn nghỉ, phương tiện đi lại phục vụ đại biểu về dự lễ; chuẩn bị đầy đủ máy phát điện dự phòng, bảo đảm an toàn nguồn điện cho việc thắp sáng, tổ chức sự kiện và các chương trình nghệ thuật…
Đặc biệt Đoàn khảo sát tới điểm di tích và danh thắng An Phụ, nơi có Đền Cao An Phụ (tức đền thờ Trần Liễu) và Chùa Tường Vân (tức chùa Cao), nằm trên đỉnh núi An Phụ cao 246m so với mực nước biển, dài khoảng 17km, kéo từ Tây sang Đông như một bức tường thành kỳ vỹ. Nơi đây thật là cảnh đẹp đào nguyên.
Giếng Ngọc tại chùa, đền Cao trên núi cao 246m, quanh năm ăm ắp nước.
Đền Cao nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu là anh ruột của vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên triều Trần. Ông cũng là thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII tọa lạc ở đỉnh núi cao phía Nam của đỉnh núi An phụ chìm lắng u tịch với những cây to trầm mặc hơn 700 năm tuổi.
Chùa Tường Vân cổ kính, được xây dựng từ thời Hoàng Định (1600-1619) và liên tiếp được trùng tu cho đến nay. Chùa nằm giữa đỉnh núi non xanh nước biếc. Bên dưới trước chùa còn một giếng thiêng, quanh năm ăm ắp nước, trong vắt.
Bên dưới Đền và chùa, trên một đỉnh núi có Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, chân dung quắc thước, nhưng nhân hậu, thể hiện tinh thần tự tin, chí nhân, chí trung, chí hiếu. Tượng hướng nhìn về biển Đông, như nhắc nhở các thế hệ con dân nước Việt luôn cảnh giác trong giữ gìn giang sơn gấm vóc này.
Ông Phạm Hữu Quân, Trưởng Ban Quản lý Di tích Kinh Môn cho biết, Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là di tích lịch sử rất có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, tọa lạc ở nơi danh thắng đẹp. Hàng năm, di tích có tới hơn 60 vạn lượt khách tham quan du lịch, trong đó có cả các du khách đến từ Campuchia, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc...
Chia sẻ về tiềm năng du lịch di tích này, ông Ngô Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lữ hành Quốc tế Vietmoon Travel - Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư Thương mại và Du lịch Thắng lợi nói: “Quần thể Di tích này rất có tiềm năng nếu được đầu tư hơn nữa sẽ trở thành một địa điểm thu hút mạnh khách du lịch, đặc biệt là danh thắng chùa, đền Cao An Phụ. Phát triển du lịch ở Kinh Môn, không chỉ thu hút khách đến đây thăm quan, mà còn giúp các ngành nghề thủ công phát triển. Vừa qua, tôi vừa đưa một đoàn khách 6 người Nhật tới du lịch, khi về họ đã mua một số món đồ thủ công ước tính khoảng hơn 60 triệu đồng Việt Nam”.
Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là quần thể di tích Việt Nam có giá trị ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng. Di tích Quốc gia Đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là 1 trong 85 di sản quốc gia đặc biệt được xếp hạng và là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của tỉnh Hải Dương sau di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Theo Báo Quốc tế