Đó cũng chính là khởi nguồn của dự án “Họa sắc Việt” do nhà thiết kế đồ họa Trịnh Thu Trang sáng lập đầu năm 2017. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam với mục đích số hóa tranh Hàng Trống để cung cấp những nguyên liệu truyền thống có tiềm năng ứng dụng cao trong các thiết kế đương đại.
“Đầu tiên phải giữ lại đã…”
Đó là năm 2013, vì làm việc trong lĩnh vực marketing, thiết kế đồ họa, Thu Trang có duyên đến thăm nhà nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên trên phố Cửa Đông, Hà Nội. Cô không thể quên được lần đầu tiên nhìn thấy tranh Hàng Trống ngoài đời thật. Khi chiêm ngưỡng những bức tranh thờ, tranh Tết, có bức hai chiều lên đến 1m50, Thu Trang thấy choáng ngợp: “Điều làm tôi ngạc nhiên là tạo hình của các cụ ngày xưa rất táo bạo. Trong tranh Hàng Trống, các cụ sử dụng tất cả các màu tương phản rất mạnh, xanh, vàng, đỏ kết hợp với nhau tạo nên tính thẩm mỹ, màu sắc hấp dẫn”.
Hàng tháng, Thu Trang đi làm, đi dạy để tiết kiệm tiền mua tranh, túc tắc mấy chục ngày sẽ dành mua được 1, 2 bức. Lý do cô mua tranh liên tục như vậy vì tranh Hàng Trống là một kho tàng đồ sộ, có tiềm năng về thẩm mỹ, ý nghĩa nhưng hiện tại đang có nguy cơ mai một và thất truyền khi chỉ còn duy nhất một nghệ nhân cao tuổi còn làm nghề. Việc tiếp cận tư liệu về tranh quá khó khăn, năm 2013, cô chưa mua được cuốn sách nào viết riêng về dòng này, một số cuốn sách mà tranh Hàng Trống được nhắc đã xuất bản từ cách đây rất lâu, cô không tìm mua nổi. Thu Trang nghĩ: “Đầu tiên phải giữ lại đã, sau làm gì phải có nguyên liệu”.
Từng hai lần tổ chức triển lãm nhỏ về tranh Hàng Trống tại Hà Nội nhưng Thu Trang vẫn chưa thỏa lòng. Năm 2015, cô nảy ý tưởng làm sách “Họa sắc Việt” bằng cách thử kết hợp ngành đồ họa đang là thế mạnh, cộng với những chất liệu truyền thống mình có. Thu Trang hy vọng: “Họa sắc Việt” sẽ là cuốn sách giải quyết những khó khăn của đồ họa trong việc tìm kiếm các chất liệu dân gian về họa tiết, màu sắc để ứng dụng lên bao bì, các sản phẩm...”.
Bức Ngũ hổ
Không để dữ liệu màu sắc dân gian Việt thiệt thòi
Tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... việc số hóa các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được làm từ nhiều năm. Trong khi các quốc gia khác coi việc mã hóa, vecter hóa màu sắc truyền thống như một chiến lược quốc gia về thẩm mỹ, thực hiện đồng bộ trên nhiều ban, ngành khác nhau, trong trường học, trong thiết kế, ngay cả những người không học thiết kế cũng biết về tông màu truyền thống thì... Việt Nam chưa có.
Hoàn tất việc khảo sát, nghiên cứu về màu, phân tích cách phân bố màu về mỹ thuật trên tranh Hàng Trống, thấy khối lượng công việc lớn quá, một mình Thu Trang không làm kịp, cô bắt đầu tìm cộng sự. 11 thành viên dự án “Họa sắc Việt” tuổi từ 1984 đến 1994 đều rất trẻ và hăng hái. Và một điều may mắn, dự án “Họa sắc Việt” đã nhận được sự cố vấn từ nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê. Cả hai cố vấn đều mong muốn: “Giới trẻ Việt Nam hướng đến việc duy trì và phát triển nét đặc trưng của văn hóa và nghệ thuật nước nhà”. Dự kiến, tháng 3-2018, nội dung cuốn sách “Họa sắc Việt” sẽ được hoàn thành. Cuốn sách hiện đang được thực hiện dưới hình thức gây quỹ cộng đồng, các thành viên trong dự án vượt qua sự sốt ruột, lo lắng bằng thái độ làm việc chăm chỉ.
Những người thực hiện dự án mong công sức sáng tạo sẽ được tôn trọng. “Vấn đề bản quyền không được tôn trọng không hẳn chỉ là câu chuyện pháp luật, là câu chuyện mọi người với nhau, tôi muốn một cộng đồng minh bạch, trách nhiệm thì mới phát triển được”, Thu Trang khẳng định.
Theo An ninh Thủ đô