Tin văn nghệ
Hoạ sĩ “đại thụ” của nền mỹ thuật Việt Nam qua đời ở tuổi 95
14:26 | 24/01/2018
Hoạ sĩ Phan Kế An, một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam, họa sĩ hiếm hoi còn lại của thế hệ các họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương vừa qua đời lúc 10h13 ngày 21/1, hưởng thọ 95 tuổi.
 
Hoạ sĩ “đại thụ” của nền mỹ thuật Việt Nam qua đời ở tuổi 95
Chân dung họa sĩ Phan Kế Anh dưới góc máy của nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt. Ảnh: Quang Việt.
Thông tin từ Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, họa sĩ Phan Kế Anh sinh ngày 20/3/1923 tại Hà Tĩnh. Quê quán ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội. Ông là con trai của Khâm sai đại thần Phan Kế Toại từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
 
Ông học khóa 18 tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux- Arts de l’Indochine), nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội. Họa sĩ Phan Kế An là một trong những hội viên đầu tiên của ngành hội họa - Hội Mỹ thuật Việt Nam ngay từ năm 1957…
 
Ông từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I và đã được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Vì Sự nghiệp báo Nhân dân, Huy chương Vì Sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; Huy chương Vì Sự nghiệp Văn học nghệ thuật.
 
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Phan Kế An tham gia hoạt động ở chiến khu Việt Bắc cùng với các họa sĩ đàn anh lúc bấy giờ là Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Lê Phá, Kim Đồng, Phan Thông, Nguyễn Tư Nghiêm, Tôn Đức Lượng, Nguyễn Văn Thiện..
 
Họa sĩ Phan Kế An thành công ở thể loại tranh sơn mài, tranh sơn dầu, mà nổi tiếng nhất là bức “Nhớ một chiều Tây Bắc” được vẽ vào mùa đông năm 1950, thời gian ông đi kháng chiến với tư cách là đặc phái viên của báo Sự Thật, bức tranh đã gợi cho họa sĩ - nhà thơ Đoàn Việt Bắc sáng tác thơ và nhạc sĩ Vũ Thanh phổ nhạc cho ca khúc “Nhớ một chiều Tây Bắc”.
 
Nhưng đặc biệt nhất, ông là họa sĩ đầu tiên được vẽ ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc và có khoảng 20 tác phẩm về Người.
 
Trong thời gian này ông đã sáng tác hơn 20 bức tranh về Bác, sau này được in lên báo Sự thật. Hầu hết văn nghệ sĩ tên tuổi thời đó như Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Trần Lê Văn, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Anh Thơ... đều được ông ký họa.
 
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt kể: “Bố tôi (họa sĩ Quang Phòng) có lần kể, khoảng giữa năm 1947, khi bố tôi vừa về đến Bắc Kạn thì hai người bố tôi gặp đầu tiên chính là họa sĩ Tô Ngọc Vân và Phan Kế An. Trên khắp các nẻo đường kháng chiến ở Việt Bắc, có rất nhiều người nhớ đến Phan Kế An bởi ông vừa là họa sĩ (họa sĩ ngày ấy không nhiều), vừa là con trai của cụ Phan Kế Toại.
 

Tác phẩm Nhớ một chiều Tây Bắc do họa sĩ Phan Kế An vẽ bằng chất liệu sơn mài năm 1955. Ảnh đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Quang Việt.

Tác phẩm "Nhớ một chiều Tây Bắc" do họa sĩ Phan Kế An vẽ bằng chất liệu sơn mài năm 1955. Ảnh đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Quang Việt.
 
Bố tôi có một bà cô tên là bà giáo Thư, chỉ gặp ông Phan Kế An đúng một lần (khi ông cùng bố tôi ghé vào nghỉ nhờ ở Bắc Giang), mà mấy chục năm sau, bà cứ hỏi thăm “anh họa sĩ Phan Kế An” suốt.
 
Ông Phan Kế An khá thạo nghề y, Tây y. Ở Việt Bắc, nghe nói ông cũng đã chữa được bệnh cho một số người. Có lần, có một gia đình có người bị bệnh nhờ người ta đi gọi thầy thuốc nhưng lại dặn kỹ “Nhớ gọi ai thì gọi chứ không gọi ông Phan Kế An”. Vậy mà được tin, ông Phan Kế An vẫn vui vẻ đến chữa và chữa khỏi. Gia đình người bệnh vừa biết ơn vừa ân hận vì đã trót lỡ lời với ông Phan Kế An…
 
Cách đây 5-7 năm, một lần, gặp tôi, ông Phan Kế An khoe: “Tao vừa được sang thế giới bên kia, khoảng… 5 phút!” thì ra ông vừa bị một “cú” gì đó về sức khỏe liên quan đến tim, may mà ông và gia đình ông biết cách sơ cứu đúng phương pháp và ông đã “sống lại” trong bệnh viện”.
 
Lễ viếng họa sĩ Phan Kế An được tổ chức vào hồi 7h30 đến 8h45 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại Gò Áng Độ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
 
 
Theo Hà Tùng Long - Dân trí
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng