Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Lê Chung
Văn hóa là ngành công nghiệp tạo ra giá trị kinh tế
Nếu như trước đây, phần đông mọi người đều có suy nghĩ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chỉ đơn thuần là việc vui chơi giải trí và không tạo ra giá trị cho xã hội thì hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật … đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào GDP quốc gia và toàn cầu. Văn hóa trở thành ngành công nghiệp tạo ra giá trị kinh tế.
Ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển năng động trên toàn cầu với ước tính tổng giá trị về kinh tế đạt hơn 2.250 tỷ USD, tạo ra việc làm cho hơn 30 triệu người tại nhiều quốc gia, trong đó lao động trẻ (từ 15 - 29 tuổi) chiếm tỷ lệ cao nhất. (Theo Báo cáo toàn cầu công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa).
Tại Việt Nam, Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt, và nếu thành công, việc khai thác hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa, sẽ góp phần đáng kể phát triển đất nước, định vị Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp này đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội về giao lưu và trao đổi tri thức.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng nên nghiên cứu ảnh hưởng của CMCN 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở hai góc độ. Góc độ thứ nhất là văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn với gìn giữ, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam, đạo đức xã hội. Ở góc độ thứ hai, văn hóa nghệ thuật là ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp vào GDP quốc gia. Để từ đó, đưa ra những phương hướng, những giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước, để đề xuất lộ trình ứng dụng Công nghệ tiên tiến vào việc xây dựng các sản phẩm chủ lực, dịch vụ, các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo "Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật". Ảnh: Lê Chung
Nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức
TS Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ.. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đặt ra những thách thức đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể, trong đó có ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không trực tiếp nghiên cứu và sản xuất các công nghệ mới là thành tựu của cuộc CMCN lần thứ 4 nhưng cần thiết áp dụng mọi thành tựu của CMCN 4.0 vào đơn vị một cách sâu rộng.
Trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, các thành tựu của CMCN 4.0 đã có những tác động tích cực cũng như đặt ra những thách thức buộc ngành văn hóa nói chung và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng phải từng bước tiếp cận và thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu – TS Từ Mạnh Lương cho hay.
Tác động lớn nhất đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đó là công nghệ số đã làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa tạo ra những thay đổi mang tính tương tác đa chiều trong từng khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thụ hưởng. Sự tương tác và nền tảng số đã cho phép nghệ sĩ sáng tạo dễ dàng nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của công chúng để điều chỉnh và tạo ra những tác phẩm của mình.
Đối với Việt Nam, một đất nước có bề dày văn hóa với những giá trị di sản đặc sắc, đa dạng của 54 dân tộc, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi thế giới đã trở thành một “làng toàn cầu”, tiêu thụ những món ăn chung được sản xuất hàng loạt thì nhu cầu về sự “riêng biệt”, tìm đến cái khác biệt trở thành một xu hướng. Việt Nam có thể tận dụng yếu tố “bản sắc” để tạo dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu quốc gia – Ths Nguyễn Phương Hòa – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL nhận định.
Giàu bản sắc như vậy nhưng trước xu thế phát triển của CMCN 4.0, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều bất lợi. Có một thực tế là những người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại ít am hiểu về công nghệ, bên cạnh đó, công tác số hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng đặc biệt trong các lĩnh vực như bảo tàng, thư viện, nhà hát... Trong khi tình trạng vi phạm bản quyền về sở hữu trí tuệ trên môi trường số còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là chưa hình thành được thói quen sử dụng hàng hóa, sản phẩm văn hóa có bản quyền.
Như vậy, để tận dụng các lợi thế, đón đầu các cơ hội và giảm thiểu bất lợi trước các thách thức của CMCN 4.0, ngành văn hóa nghệ thuật thực sự cần sự đổi mới đặc biệt ở nguồn lực con người, cần một giải pháp đầu tư có trọng điểm trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển một số lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… song hành với việc từng bước nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa./.
Theo Gia Linh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch