Như trong “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” phiên bản Singapore có sử dụng nhiều làn điệu múa truyền thống, đặc biệt lớp bắt cá, họ làm rất thực, còn đối với phiên bản Việt đã được thể hiện theo tính ước lệ. Dải lụa xanh như làn nước tạo ra hoạt cảnh bắt cá kiếm vừa thú vị về âm nhạc, vừa thích thú về mắt nhìn và mang lại cảm xúc về một cuộc chiến gay gắt giữa con người và đại dương.
Dù là vở diễn theo kịch bản ngoại, nhưng “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” vẫn sử dụng ngôn ngữ văn học của Việt Nam, kết hợp với các động tác đặc trưng của nghệ thuật Tuồng, sự thể hiện của diễn viên để truyền tải nội dung vở diễn đến khán giả, để dù là người Singapore hay Việt Nam đều có thể cảm nhận.
Hình ảnh trong vở diễn. Ảnh: Gia Linh
Mở thêm cơ hội đổi mới và hợp tác nghệ thuật
Phiên bản Việt của sử thi Bukit Merah với tên gọi “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” kịch bản của TS Chua Soo Pong (Singapore), chuyển thể kịch bản tuồng bởi Sỹ Chức, đạo diễn bởi NSƯT Đặng Bá Tài, âm nhạc dàn dựng bởi NSƯT Lê Trần Vinh cũng là sản phẩm mở ra cơ hội hợp tác nghệ thuật giữa các nghệ sĩ Singapore và Việt Nam. Trước đó, đạo diễn, TS Chua Soo Pong cũng đã phối hợp cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng vở “Dưới bóng đa huyền thoại” và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Với vở “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” đã được dàn dựng qua nhiều loại hình sân khấu, nhưng đạo diễn, TS Chua Soo Pong lại ấn tượng với phiên bản do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện, đặc biệt là ý tưởng dùng quạt để làm cây, hay áp dụng những điệu múa của Tuồng để diễn tả các động tác, và sử dụng ngôn ngữ một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam – nghệ thuật Tuồng để thể hiện một câu chuyện sử thi của Singapore.
TS Chua Soo Pong. Ảnh: Gia Linh
“Đây là một câu chuyện dân gian rất lâu đời của Singapore đã được biểu diễn ở rất nhiều nơi. Sự hợp tác này đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore. Tôi mong nghệ sĩ Việt Nam và Singapore sẽ có nhiều cơ hội để cùng hợp tác, cùng nhau tiến bộ.” – TS Chua Soo Pong chia sẻ.
Một câu chuyện từ các nền văn hóa khác nhau trong cùng một thể loại sân khấu truyền thống nhằm thúc đẩy các nghệ sĩ và khán giả theo dõi các thể loại nghệ thuật quen thuộc với góc nhìn mới và tiếp thu các ý tưởng mới.
Dự kiến, sau hai buổi diễn ra mắt khán giả, đầu tháng 10, “Huyền thoại ngọn đồi đỏ” sẽ tham gia biểu diễn tại Singapore và kế hoạch xa hơn là tham gia các Festival quốc tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc… Từ đó, giới thiệu nghệ thuật Tuồng Việt Nam đến gần hơn với khán giả quốc tế./.
Theo Gia Linh - Tổ quốc