Tin văn nghệ
Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình hình mới
14:58 | 31/08/2018

Ngày 30/8, tại Đà Nẵng đã diễn ra tọa đàm “Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình hình mới”.Tại đây, nhiều ý kiến giá trị, thiết thực của nhà chuyên môn đã được đưa ra.

Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình hình mới
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Hoàng
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 (đợt 2), do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chủ trì buổi tọa đàm.
 
Tọa đàm là dịp để trao đổi, đánh giá về thực trạng; những thuận lợi, khó khăn của nghệ thuật ca múa nhạc hiện nay từ đó đưa ra những giải pháp, định hướng cho sự phát triển của các đơn vị, các nghệ sĩ hoạt động biểu diễn ca múa nhạc trong thời gian tới.
 
Chia sẻ tại tọa đàm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng Trần Quang Hào (ca sĩ Quang Hào) cho biết, Liên hoan Ca Múa Nhạc hiện có tuổi đời 50 năm rồi, nhưng hình thức thì vẫn giống nhau. Với cách nhìn của một người trẻ, ca sĩ Quang Hào muốn làm sao đó Liên hoan này được nhiều người trẻ quan tâm và hiệu quả hơn.
 
Ca sĩ Quang Hào chia sẻ, bản thân là một nghệ sĩ cũng đã tham gia Liên hoan và đã đoạt Huy chương vàng nhưng ít người biết đến. Khi Quang Hào treo Huy chương vàng tại nhà thì mọi người tới thấy mới biết được. Trong lúc đó Quang Hào đạt giải Nhì Sao Mai thì nhiều người biết đến.
 

Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình hình mới - ảnh 2
Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng Trần Quang Hào phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Đức Hoàng

Giám đốc Nhà hát Trưng Vương cho rằng Liên hoan Ca Múa Nhạc cần bớt độ khó đi. Nhiều chương trình rất khó nhưng "độ hay", tính hấp dẫn, độc đáo cần chú trọng hơn nữa.
 
“Tôi đã từng đội mũ sụp xuống đi bán những vé để hiểu được, lấy được thông tin từ khán giả họ thích những chương trình như thế nào? Họ có nhu cầu thưởng thức gì? Và người ta nói là bây giờ hát phải có ban nhạc, không được mở đĩa, hát những bài này bài kia thì chúng tôi mới mua vé. Chúng tôi không thiếu tiền, miễn là anh mang đúng chương trình đó về thì chúng tôi sẽ mua vé ngay.
 
Tôi thấy người dân và nhu cầu thưởng thức của họ rất cao. Tuy nhiên, tính thiết thực và làm sao đó để nó gần gũi với đời sống là yếu tố rất quan trọng.  
 
Trong Liên hoan lần này, tính truyền thống trong nghệ thuật rất tốt. Tuy nhiên cần xem lại là giữa nghệ nhân và nghệ sĩ chuyên nghiệp có nên thi với nhau hay không?”, ca sĩ Quang Hào cho biết và mong Bộ tạo điều kiện cho những người quản lý nghệ thuật có thời gian tập huấn, tham quan nước ngoài.
 

Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình hình mới - ảnh 3
Một tiết mục của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018. 

Trong lúc đó, NSND Ứng Duy Thịnh cũng nhìn nhận, mô hình hội diễn và Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tồn tại cho tới bây giờ hơn 50 năm nhưng mô hình đó hầu như không thay đổi. Nội dung định hướng cho các tác phẩm sáng tác cũng hầu như không có gì thay đổi.
 
“Vậy định hướng nội dung nó chỉ đạo và chi phối các tác giả sáng tác. Những điều này cũng làm ít nhiều thay đổi. Câu hỏi đặt ra là đã đến lúc chúng ta thay đổi tên gọi, thay đổi phương thức, mô hình hay thay đổi bằng một cái gì khác?. Lịch sử thay đổi về nội dung nhưng nội dung định hướng trong sáng tác không thay đổi. Nên chăng chúng ta suy nghĩ đến mô hình, phương thức tổ chức các cuộc thi này. Bởi vì mục đích các hội diễn hay liên hoan nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả nghệ thuật của từng nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật. Vậy phương thức đó đã đánh giá một cách khách quan chưa?”, NSND Duy Thịnh nhấn mạnh.
 
Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình hình mới - ảnh 4
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Đức Hoàng
 
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh, tọa đàm này cần thiết mở ra để giải quyết các vấn đề làm sao để Ca múa nhạc có sức hút với công chúng, đồng thời sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật của các địa phương (sáp nhập, giải thể...) cho phù hợp, không làm mất đi giá trị riêng của từng loại hình nghệ thuật và đảm bảo công bằng cho các nghệ sĩ của các đơn vị.
 
Trong tình hình hiện nay, làm đơn vị nghệ thuật của nhà nước ngày càng khó khăn. Một mặt phát triển, tiếp nhận tinh hoa nghệ thuật quốc tế để làm phong phú hơn cho bản sắc của mình, tiếp cận được các sáng tạo mới nhất của thế giới để phục vụ công chúng. Nhưng một mặt khác chúng ta phải bảo tồn bản sắc văn hóa. Nghệ thuật không thể tách rời bản sắc được.
 
Thứ trưởng Vương Duy Biên chia sẻ, càng khó khăn càng phải phấn đấu. Cần bàn những cái đúng sức mình hiện tại. Chúng ta phải biết được trước tình trạng khó khăn để xác định, “sống chung với hoàn cảnh khó khăn”. Sáp nhập, tự chủ rồi dần dần xu hướng chung là xã hội làm nghệ thuật.
 
 
Theo Tổ quốc
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng