Tin văn nghệ
Lưu giữ di sản văn chương
14:24 | 10/10/2018
Bên cạnh những tác phẩm mang hơi thở thời đại, đời sống văn chương trong nước gần đây còn xuất hiện những tác phẩm từng được xuất bản từ trước. Dù ra mắt cách đây hàng chục năm, nhưng nhiều tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị và với không ít bạn đọc ngày nay, đó vẫn là những tác phẩm mới. 
 
Lưu giữ di sản văn chương
Một số tác phẩm trong “Tủ sách Khuê Văn” do thương hiệu sách Sống thực hiện
Hồi sinh những danh tác xưa
 
Dù mới gia nhập thị trường sách gần đây, nhưng Sống - thương hiệu sách tác giả Việt Nam, lại tỏ ra khá táo bạo khi ra mắt “Tủ sách Khuê Văn”, tái bản những tác phẩm văn học trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Hiện tại, một số danh tác trong tủ sách này đã được giới thiệu đến bạn đọc như: Tuyển tập Hoàng Ngọc Phách, Tắt đèn…
 
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Giám đốc điều hành của Sống, cho biết: “Trong lịch sử, chưa bao giờ nền văn học Việt Nam ghi nhận một thời kỳ phát triển mạnh mẽ và đầy rực rỡ như giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Các trào lưu văn học hiện thực, lãng mạn, thơ mới phát triển nở rộ, đánh dấu giai đoạn văn học được sử dụng để phản ánh hiện thực đời sống, truyền tải những giá trị nhân văn, tư tưởng đương thời mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự”.
 
“Tủ sách Khuê Văn” được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu sẽ xuất bản những tác phẩm quen thuộc, bao gồm những áng văn trác tuyệt như: Đoạn tuyệt, Nửa chừng xuân, Tắt đèn, Số đỏ, Thi nhân Việt Nam… cùng một số tuyển tập của các nhà văn Hoàng Ngọc Phách; giai đoạn 2 sẽ xuất bản những tác phẩm cũ, có giá trị nhưng ít được bạn đọc biết đến.
 
Trong xu hướng tìm về những giá trị của văn hóa Nam bộ xưa, rất nhiều công trình và tác phẩm được tái ngộ với bạn đọc. Một trong số đó là tập truyện ngắn Ký thác của nhà văn Bình Nguyên Lộc vừa được Saigon Books và Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn ra mắt gần đây.
 
Trước đó, tập truyện đã được NXB Bến Nghé (Sài Gòn) ấn hành vào năm 1960. Mới đây, NXB Tổng hợp TPHCM cũng vừa giới thiệu tiểu thuyết Mây ngàn của Vita (1910 - 1956), một nhà giáo và nhà văn miền Nam nổi tiếng một thời.
 
Tác phẩm được xuất bản lần đầu năm 1936 tại Sài Gòn và tuyệt bản đã lâu. Thêm một tác phẩm cũng vừa được đơn vị này ra mắt là Nụ cười gừng, được học giả Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường viết và hoàn thành đầu những năm 90 thế kỷ XX.
 
Khác với các tác phẩm kể trên, khi tác giả qua đời năm 2010, bản thảo Nụ cười gừng vẫn chưa được xuất bản. Sau hơn 20 năm ngủ yên tại thư viện gia đình, nay tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên như một sự ghi nhận cho tâm huyết của cố tác giả.
 
Trước đó, Công ty cổ phần sách Tao Đàn cũng khiến bạn đọc không khỏi bất ngờ khi ra mắt tủ sách “Văn học tiền chiến”, giới thiệu những tác phẩm xưa như Cô Tư Hồng (Đào Trinh Nhất), Lan Hữu (Nhượng Tống). Đặc biệt là tiểu thuyết Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội của Nguyễn Bính và Thuốc mê của Thâm Tâm.
 
Bởi vốn dĩ, nhiều độc giả biết đến Nguyễn Bính và Thâm Tâm là 2 nhà thơ nổi tiếng giai đoạn 1930 - 1945 mà không nghĩ rằng 2 nhà thơ này còn viết tiểu thuyết.
 
Sau đó, đơn vị này tiếp tục gửi tới bạn đọc nhiều tác phẩm thuộc dòng sách trên như: Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử, Đồng tiền hai mặt của Nguyễn Khắc Mẫn…
 
Trước đó, Công ty Sách Nhã Nam được ghi nhận là đơn vị hồi sinh dòng sách xưa một cách có bài bản với bộ sách Việt Nam danh tác, với những tác phẩm giữ vị trí quan trọng, trở thành mẫu mực của văn học Việt Nam như: Số đỏ, Vang bóng một thời, Món ngon Hà Nội, Việc làng, Gió lạnh đầu mùa, Hà Nội băm sáu phố phường.
 
Đây cũng là những cuốn sách mở đầu cho bộ sách Việt Nam danh tác mà Nhã Nam tiếp tục khai thác sau này.
 
Thách thức và cơ hội
 
Việc hồi sinh những danh tác xưa một mặt giúp thị trường sách trở nên sôi động và đa dạng hơn; mặt khác, đây cũng là cách để lưu giữ di sản văn chương nước nhà, nhất là những tác phẩm có giá trị, không bị đứt đoạn bởi thời gian.
 
Tuy nhiên, nếu so với các thể loại khác, thậm chí là trong cùng thể loại, dễ dàng nhận thấy dòng sách xưa không phải là thể loại thu hút phần đông độc giả. Bởi vậy, đầu ra cho dòng sách này luôn là bài toán không dễ đối với các đơn vị làm sách.
 
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, nhìn nhận: “Thách thức là có, NXB cũng lo việc tổ chức bản thảo mà sách in ra bán không được, bạn đọc không biết đến. Tuy nhiên, tên tuổi các tác giả đã gắn với những tác phẩm cụ thể, NXB nhận ra vẫn có bạn đọc lớn tuổi hỏi tìm, vẫn có những nhà nghiên cứu trẻ tuổi miệt mài tìm kiếm. Đó là một sự động viên giúp chúng tôi mạnh dạn vì bạn đọc, vì niềm say mê”.
 
Còn chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga lại cho rằng, vấn đề không phải nằm ở việc kén độc giả mà là độc giả càng ngày càng kén chọn. Độc giả Việt ngày càng có nhu cầu tìm hiểu tri thức, sự sáng tạo cũng như việc bảo tồn văn hóa, giữ gìn cái đẹp, nên họ kén sản phẩm. Chúng tôi quyết tâm thay đổi về hình thức sản phẩm, làm đẹp, làm mới sản phẩm cũ để đáp ứng nhu cầu đó.
 
 
Để những danh tác đã được khẳng định giá trị có thể tiệm cận với đông đảo bạn đọc ngày hôm nay, bên cạnh nỗ lực từ các đơn vị làm sách, theo bà Thanh Thủy, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý xuất bản bằng việc xây dựng chính sách cụ thể trợ giá cho dòng sách này.
 
Như vậy, vừa khuyến khích một bộ phận bạn đọc trẻ, vừa động viên các NXB mạnh dạn làm sách hay, sách sạch.
 
“Thành ủy TPHCM đã có quy định hỗ trợ xuất bản những tác phẩm có giá trị giáo dục truyền thống cách mạng. Về phía chính quyền, Sở Thông tin và Truyền thông nên tham mưu cho UBND TPHCM ban hành quyết định hỗ trợ xuất bản những tác phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa cổ truyền, trong đó có sách văn học”, bà Thanh Thủy nêu ý kiến.

 

Theo Hồ Sơn - SGGP Online

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng