Sự kiện Không gian nghệ thuật đương đại độc đáo tại Nhà Quốc hội được bình chọn là sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2018.
Dấu ấn đậm nét
Theo đó, ở lĩnh vực văn hóa có 5/10 sự kiện đã được bình chọn là hoạt động tiêu biểu trong năm. Đó là, lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng năm 2018 (DIFF 2018) được tổ chức quy mô lớn, từ ngày 30/4 đến 30/6/2018 tại thành phố Đà Nẵng. Với chủ đề “Huyền thoại những cây cầu” gồm 5 đêm thi với chủ đề riêng là Tình yêu, Thời gian, Hạnh phúc, Khát vọng và Hữu nghị với sự góp mặt của 8 đội thi đến từ các quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong 2 tháng diễn ra Lễ hội, lượng khách du lịch tới Đà Nẵng đạt 1.581.558 lượt, tăng 25,54% so với cùng kỳ năm 2017.
Còn với sự kiện Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu lại mang ý nghĩa đặc biệt. Bởi không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế, Công viên còn có nhiều di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học cùng hàng trăm di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể... Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng còn là một miền đất hiếm có, nơi lưu giữ lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất qua các dấu tích còn lại ở đây. Sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê trên thế giới hiện nay chỉ có tổng cộng 127 công viên địa chất toàn cầu ở 35 quốc gia.
Bên cạnh đó, với không gian nghệ thuật đương đại tại Nhà Quốc hội lại là câu chuyện xuất phát từ ý tưởng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Từ ý tưởng của người đứng đầu Quốc hội, 15 nghệ sĩ đương đại tên tuổi của Việt Nam cùng trên 100 trợ lý kỹ thuật, thợ lành nghề của Hà Nội và các tỉnh Thái Bình, Thừa Thiên - Huế đã hoàn thành công trình nghệ thuật độc đáo, có giá trị, sức ảnh hưởng lâu dài và giàu ý nghĩa trong không gian Nhà Quốc hội. Các tác phẩm trưng bày đa dạng về chất liệu, với độ dài hơn 500 mét và kết nối với khu trưng bày di tích Hoàng thành Thăng Long trong hầm nhà Quốc hội. Đây là không gian thể hiện cách nhìn về di sản qua các thực hành của nghệ thuật đương đại, là sự kết nối lý tưởng với hai không gian Bảo tàng cổ vật Thăng Long và Tiền Thăng Long dưới hầm tòa Nhà Quốc hội.
Một trong những sự tiêu biểu năm 2018 là việc ghi nhận những bước tiến vượt bậc của người đẹp Việt Nam trên đấu trường sắc đẹp quốc tế. Chuyên trang sắc đẹp uy tín quốc tế Global Beauties mới đây đã công bố danh sách 10 quốc gia có thành tích nổi trội trong năm 2018. Theo đó, Việt Nam lần đầu tiên được xếp hạng ở vị trí thứ 8 trên bản đồ sắc đẹp thế giới. Vị trí này có được nhờ thành tích của các người đẹp Việt Nam đã nỗ lực hết mình khi tham gia tranh tài tại 5 cuộc thi nhan sắc lớn thế giới năm 2018.
Cùng với đó, sự kiện lần đầu tiên xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ghi nhận sự tôn vinh thiết thực, xứng đáng đối với các nghệ nhân - những “báu vật nhân văn sống”…
Bên cạnh các sự kiện văn hóa, ở lĩnh vực thể thao cũng ghi nhận những chiến tích của bóng đá Việt Nam. Theo đó có 2/3 sự kiện đã vinh danh những thành tích vang dội này. Đó là việc đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành Cúp vô địch tại giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) sau 10 năm chờ đợi và lần đầu tiên Bóng đá Việt Nam giành ngôi Á quân tại Giải vô địch Bóng đá U23 Châu Á. Bên cạnh đó, sự kiện Asian Games 18 - Kỳ Asian Games thành công nhất của Thể thao Việt Nam cũng đã được vinh danh. Ngoài ra, ở lĩnh vực du lịch sự kiện đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu là một dấu ấn quan trọng của ngành du lịch Việt Nam; lần đầu tiên Việt Nam nhận giải thưởng điểm đến du lịch hàng đầu châu Á năm 2018 cũng đã được bình chọn là sự kiện VHTTDL của năm.
Những điều nuối tiếc
Tuy nhiên, với 10 sự kiện tiêu biểu được bình chọn dường như vẫn còn đó những điều tiếc nuối. Bởi ở nhiều lĩnh vực bên cạnh những thành tích là vô số những “lùm xùm”, tai tiếng. Đơn cử, như ở lĩnh vực điện ảnh mặc dù trước đó sự kiện Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V năm 2018 cũng đã lọt được vào vòng bầu chọn cuối cùng. Thế nhưng thành công của Liên hoan phim vẫn chưa thực sự thuyết phục. Trong khi đó, dấu ấn thực sự của điện ảnh Việt Nam trong năm 2018 lại là những bộ phim tư nhân, độc lập dường như lại không được đề cập đến. Ở đó, nhiều bộ phim không chỉ đạt được doanh thu cao khi công chiếu mà còn giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Thậm chí, với Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội có được thành công cũng một phần là do các bộ phim tư nhân mang lại. Trong khi đó với phim nhà nước nhiều năm qua vẫn chỉ “dậm chân tại chỗ”.
Hay như ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bên cạnh thành tích của các người đẹp tại đấu trường quốc tế thì ở trong nước lại là tai tiếng, kiện cáo đến từ các cuộc thi. Bên cạnh đó, nhiều liên hoan nghệ thuật dù mang quy mô toàn quốc những chưa thực sự tạo được những điểm nhấn và vẫn theo một “mô tít” cũ là “thi xong xuôi, tất cả lại về”. Ngoài ra, ở lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm 2 sự kiện Triển lãm tranh biếm họa chủ đề: “Phòng, chống tham nhũng”; Triển lãm “Ảnh nude nghệ thuật” mặc dù gây được tiếng vang, thu hút được sự quan tâm của xã hội nhưng không được lọt vào vòng bình chọn cuối cùng…
Ở lĩnh vực du lịch, với việc chỉ có 2/4 sự kiện được bầu chọn cũng phần nào phản ánh được thực trạng của du lịch Việt Nam hiện nay. Bởi ngoài những ghi nhận về sự tăng trường thì sức bật “thực sự” của ngành du lịch vẫn chưa thực sự có nhiều khởi sắc. Câu chuyện tai nạn, chặt chém, “một đi không trở lại”… với khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam vẫn luôn là những chủ đề nóng trong năm. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn kinh phí cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng và giải trí cao.
Theo Minh Quân - Đại Đoàn Kết