Ở Lâm Đồng, có một đội chiêng nữ ra đời cách đây chưa lâu đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách nhìn, đồng thời tạo nên một diện mạo mới tiếp nối dòng chảy văn hóa cồng chiêng Nam Tây Nguyên - đó là “Đội chiêng nữ thị trấn Đinh Văn”, huyện Lâm Hà - đội cồng chiêng nữ bên dòng Đạ Đờng huyền thoại đang ngày đêm tấu khúc sông quê.
Đội chiêng nữ đầu tiên bên dòng sông Đạ Đờng đã và đang thực hiện sứ mệnh làm nòng cốt trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có không gian - Di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện Lâm Hà. Đem câu chuyện của đội chiêng nữ trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài, chúng tôi mới “ngộ” ra một điều rằng, “sản phẩm tinh thần” này được “thai nghén” từ khi có Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của huyện: “Cách đây khoảng 3 năm, huyện Lâm Hà chúng tôi đã có chủ trương bằng nghị quyết, đó là tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn. Chúng tôi tập trung vào các xã vùng đồng bào dân tộc, các cụm dân cư có các nhóm dân tộc đặc thù để xây dựng các mô hình đặc trưng cho dân tộc đó. Hiện nay, đội chiêng nữ ở thị trấn Đinh Văn đã phát huy tác dụng rất tốt, là nòng cốt trong phong trào văn hóa văn nghệ, góp phần đáng kể trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung tại địa phương”, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định.
Ra đời ở buôn Bồ Liêng, nay là Tổ dân phố Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, Đội chiêng nữ thị trấn Đinh Văn hiện có 12 thành viên tuổi đời còn khá trẻ. Người lớn tuổi nhất trong đội năm nay cũng chỉ trên dưới 40 tuổi và người nhỏ tuổi nhất mới 20 tuổi! Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2015, đến nay các thành viên trong Đội chiêng nữ thị trấn Đinh Văn đã tấu tương đối nhuần nhuyễn được 3 bài chiêng cơ bản, gồm: Gungme (Đón khách), Chingting (Mừng chiến thắng) và Rơhrach (Đuổi chim). Đây là niềm vui xen lẫn tự hào của toàn đội, nhất là những khi “mang chiêng đi đánh xứ người” hay được chọn tham gia biểu diễn cồng chiêng tại “sân chơi lớn” của tỉnh như Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ X vừa được tổ chức tại huyện Đức Trọng. Theo nghệ nhân K’Bes - cán bộ phụ trách mảng văn hóa - văn nghệ dân gian tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lâm Hà thì để có thể đánh thành thạo một bài chiêng quả là điều không đơn giản một chút nào, mà phải trải qua một quá trình khổ luyện. Điều quan trọng nhất trong đánh chiêng là kỹ thuật giao âm, bên này “đối” bên kia phải “đáp” lời sao cho đúng nên rất khó có thể thực hiện một sớm một chiều được.
Già làng - nghệ nhân Duôm Dai Bát cùng cháu con bên chiếc chiêng cổ
Theo Lê Trọng - SGGP Online