Tin văn nghệ
Tản mạn sáng tác văn xuôi về đề tài lịch sử
08:21 | 23/10/2019
Với những nhà văn chuyên viết về đề tài, nhân vật lịch sử, có lẽ khi hỏi: “Sáng tác văn xuôi về đề tài lịch sử khó hay dễ?” lại khiến họ giật mình. Họ chỉ mải mê tìm tòi, sáng tác, chứ ít khi quan tâm đến cái khó. Và càng khó, có khi họ lại càng ham thích. Thế nên, chúng ta mới có những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn hay về đề tài này để trầm trồ thán phục.
 
Tản mạn sáng tác văn xuôi về đề tài lịch sử
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, người có nhiều tác phẩm thành công về đề tài lịch sử
Mốc thời gian nào được coi là lịch sử?
 
Trước khi bàn tới “Sáng tác văn xuôi về đề tài lịch sử khó hay dễ?” chúng ta hãy tự hỏi: Mốc thời gian về trước như thế nào so với hiện tại thì được coi là lịch sử? Xét theo cách tính lịch dương hay âm thì cũng đều coi ngày hôm qua là lịch sử; xét theo giai đoạn lịch sử, hay một thể chế, thì nó vẫn là đang ở thì đương đại. Nhưng kể cả cách tính đương đại theo thể chế thì cũng chưa ổn. Ví như nhà Lê tồn tại 361 năm (1428-1789) thì người cuối triều đại hậu Lê viết về nhân vật thời Lê sơ vẫn được coi là viết về đương đại hay sao?
 
Trong “Luật Di sản văn hóa” có khái niệm “cổ vật”. Cổ vật được xác định là “hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên”.
 
Vậy có nên coi sáng tác văn học về đề tài nhân vật lịch sử có trước hiện tại 100 năm mới là sáng tác về đề tài lịch sử?
 
100 năm với bao biến thiên dâu bể, cảnh vật, bối cảnh chính trị xã hội cũng có nhiều thay đổi, cho dù nó vẫn do một triều đại cai trị. Rất hiếm người vừa lọt lòng ở thời kỳ đó đến thời điểm hiện tại khi nhà văn sáng tác còn sống. Vậy tất nhiên nó phải được coi là sáng tác về đề tài lịch sử rồi. Thế nhưng, có thể dịch mốc thời gian ngắn hơn được không? Có thể là 50 năm? Với tiểu thuyết lịch sử, nếu nới rộng khoảng thời gian tính như vậy thì các sáng tác sẽ rất nhiều. Tuy nhiên, với điện ảnh thì mốc thời gian như thế đã được coi là lịch sử rồi. Bởi lẽ, đến nay, khi nói về mảng đề tài thì người ta nói: đề tài lịch sử, chiến tranh. Đó là những đề tài khi làm phim yêu cầu được đầu tư lớn. Bởi vì, bối cảnh, trang phục, đạo cụ phải sưu tập, phục chế…
 
Tiến trình sáng tác văn học thành văn về đề tài, nhân vật lịch sử của chúng ta được tính từ thế kỷ X, tương đương thời kỳ nhà Lý dựng nghiệp (1009-1225). Có thể trước đó chúng ta đã có những tác phẩm thành văn nhưng do đến nay không còn giữ được nên không xét.
 
Dễ hay khó?
 
Một điều thú vị là tuy văn học về đề tài lịch nước ta xuất hiện sớm từ thế kỷ X nhưng nở rộ lại ở nửa đầu thế kỷ XX. Chỉ xin liệt kê riêng 6 tác giả viết văn xuôi với những tác phẩm như sau: Đào Trinh Nhất (1900-1951) viết “Phan Đình Phùng”, “Ngục trung thư”, “Cô Tư Hồng”, “Bùi Thị Xuân”. Nguyễn Triệu Luật (1903-1946) viết: “Hòm đựng người”, “Bà Chúa Chè”, “Loạn kiêu binh”, “Ngược đường Trường Thi”, “Chúa Trịnh Khải”, “Rắn báo oán”, “Thiếp chàng đôi ngả”, “Bốn con yêu và hai ông đồ”, “Chúa cuối mẻ”. Phan Trần Chúc (1907-1946) viết “Vua Hàm Nghi”, “Hồi chuông Thiên Mụ”, “Cần Vương”, “Dưới lũy Trường Dục”, “Truyện ký danh nhân Việt Nam qua các triều đại”, “Giọt máu sau cùng”, “Thưởng trì cung”, “Bánh xe khứ quốc”. Trần Thanh Mại (1911-1965) viết “Tuy Lý Vương”, “Ngô Vương Quyền”. Ngô Văn Triện (1901-1947) viết “Hùng Vương diễn nghĩa”, “Mai Thúc Loan”, “Cao Bá Quát”, “Nguyễn Trãi”, “Trần Thủ Độ”, “Chu Mạnh Trinh”, “Bùi Huy Bích”, “Phạm Đình Trọng”, “Vũ Phạm Khải”. Nguyễn Huy Tưởng viết “An Tư công chúa”, “Đêm hội Long Trì”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Nguyễn Tuân (1910-1987) viết “Vang bóng một thời”. Chu Thiên viết “Lê Thái Tổ”, “Bóng nước hồ Gươm”…
 
Tại sao thời điểm trước Cách mạng tháng 8/1945 xuất hiện nhiều tác giả sáng tác về đề tài lịch sử? Có ý kiến cho rằng: Đó là khi đất nước bị giặc ngoại xâm. Nhiều nhà văn muốn khơi gợi lòng yêu nước, truyền thống dân tộc và nhân đó “mượn xưa, nói nay”. Đến thời hiện đại, số lượng nhà văn chuyên viết về đề tài lịch sử rất ít. Nếu tính tỷ lệ hàng ngàn tiểu thuyết được xuất bản thì số lượng viết về đề tài lịch sử chiếm tỷ lệ rất ít. Có lẽ chỉ 1/10? Có những tác giả chỉ dám viết ở 1-2 tác phẩm, đơn cử: Nguyễn Quang Thân viết “Hội thề”. Nhưng cũng có những tác giả ở độ tuổi ngoài 60 lại viết nhiều và sung sức. Sơn Tùng viết “Trần Phú”, “Con người và con đường”, “Nguyễn Hữu Tiến người vẽ cờ Tổ quốc”. Hoàng Quốc Hải với hai bộ tiểu thuyết dài hơn 3.000 trang về hai triều đại Lý – Trần. Nguyễn Xuân Khánh cho xuất bản liền 3 tác phẩm “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”. Siêu Hải viết “Mảnh trăng Tô Lịch”, “Bóng chiều Thăng Long”, “Nắng kinh thành”… Minh Giang viết “Cuộc thăng trầm”, “Bạch Vân cư sĩ”, “Mây núi Hồng”.
 
Theo người viết bài này: Viết truyện ngắn, tiểu thuyết về đề tài, nhân vật lịch sử đương nhiên là khó rồi. Sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết đương đại có cái lợi thế là nhà văn đang sinh sống cùng thời. Những hiểu biết về xã hội, kinh tế, tập tục văn hóa, hay đơn giản chỉ là riêng cách xưng hô, trang phục thường ngày, dịp lễ là đã biết. Trong khi đó, nhà văn viết về lịch sử phải tìm tòi, ham đọc, ham nghiên cứu. Viết “sạch nước cản” là phải “viết đúng”. Đúng sự kiện, đúng diễn biến, đúng trang phục, đúng tập tục… Sau mới là “viết thăng hoa” khiến người đọc thấy đọc truyện ngắn, tiểu thuyết đó còn hay và “thật hơn cả sách lịch sử”. Tức là gợi cho người đọc thấy hiển hiện trước mắt bối cảnh, không khí, con người của thời đại lịch sử lúc đó.
 
Có lẽ khỏi bàn đến tác dụng của các sáng tác văn xuôi về đề tài, nhân vật lịch sử đối với đời sống xã hội. Trên thế giới, nhiều tiểu thuyết lịch sử hay đã được chuyển thể thành phim. Chỉ muốn nói rằng: Trong bối cảnh hiện nay, sáng tác văn học đã là một cực nhọc. Sáng tác về đề tài lịch sử còn cực nhọc bội phần. Lượng sách in và bán được vài ngàn cuốn đã coi là rất thành công. Và tất nhiên, nhà văn ham mê loại đề tài này khổ thì… tự chịu.
 
 
Theo Từ Khôi - Đại Đoàn Kết
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng