Tin văn nghệ
Tiếng gọi nơi hoang dã - Từ sách đến phim
14:52 | 02/03/2020
Là tác phẩm nhiều người đọc nhất của nhà văn Jack London, “Tiếng gọi nơi hoang dã” kể về cuộc đời  của chú chó Buck dũng cảm và đã không ít lần được chuyển thể thành phim điện ảnh hay hoạt hình. 
 
Tiếng gọi nơi hoang dã - Từ sách đến phim
Với phiên bản chiếu rạp mới nhất ra mắt khán giả từ cuối tháng 2-2020, bộ phim tiếp tục mang đến cho người xem nhiều cảm xúc với nét sống động của  Buck.
 
Hành trình phiêu lưu
 
“Tiếng gọi nơi hoang dã” (The Call of the Wild) ra đời năm 1903. Sau gần 110 năm, công chúng thời nay có dịp thưởng thức câu chuyện từ trang sách của văn hào Jack London lên màn ảnh rộng với phiên bản mới nhất thể hiện tính ưu việt của nghệ thuật phim ảnh và những kỹ thuật tân kỳ. Với trình độ công nghệ đồ họa như CGI ngày nay, hình ảnh chú chó Buck hiện ra đẹp đẽ và linh hoạt nhất. Nhờ vậy, hành trình cuộc đời Buck với tình cảm trong tim và sự mạnh mẽ bề ngoài được miêu tả hiệu quả qua bộ phim của đạo diễn Chris Sanders.
 
Vốn là một chú chó được cưng chiều trong gia đình nhà Thẩm phán Miller ở miền Nam nước Mỹ, Buck bị bắt cóc và bán đến vùng đất lạnh giá phía Bắc xa xôi. Hành trình phiêu lưu bất đắc dĩ đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời “ấm êm” của Buck khi chú trải qua không ít ngược đãi từ nhiều người chủ mới. Duyên may khi gặp người chủ Perrault cùng người cộng sự Francoise đã giúp Buck có cuộc sống tốt hơn, ý nghĩa hơn khi gia nhập đoàn xe đưa thư qua các miền đất hẻo lánh phủ tuyết trắng xóa. Chú chó tạo được niềm tin với chủ, đáp ứng được sự kỳ vọng và thấu hiểu ý nghĩa cao đẹp của công việc đưa thư qua câu thoại của Perrault: “Thấy không Buck, chúng ta không chở thư. Chúng ta chở niềm vui, tình yêu, niềm hy vọng và cả mạng sống nữa…”
 
Tiếng gọi nguồn cội
 
Trải qua những thăng trầm, thậm chí suýt chết, Buck gặp may lần nữa khi được John Thornton (Harrison Ford đóng) cứu sống và cưu mang. John muốn xa lánh với thế giới bởi những tổn thương trong quá khứ. Nhưng từ khi có Buck bên cạnh, ông lại có được cảm hứng cho một hành trình mới. “Mày nghĩ thế nào về một hành trình vượt ra khỏi mọi bản đồ? Chúng ta sẽ đi, mày và tao, đến nơi chưa từng có dấu chân người. Chúng ta sẽ xem thế giới ngoài kia có gì” - John nói với Buck và cả hai lên đường. Họ đi qua những dãy núi cao, những thác ghềnh, những cánh rừng xanh hùng vĩ bằng trái tim đam mê khám phá chân trời mới, trở về với cội nguồn tự nhiên hoang dã của tạo hóa và mẹ thiên nhiên.
 
Khi John tạm biệt cõi trần, Buck đã theo tiếng gọi bản năng để chạy theo bầy sói hoang trong khu rừng. Chú kết bạn và đi theo đồng loại, trở về với “mái nhà” thật sự của mình. Chuyến phiêu lưu đến tận chân trời đầy trắc trở lẫn ngọt bùi của Buck hóa ra là chuyến tìm về nguồn cội. Chú khám phá nhiều điều mới mẻ về thế giới, trải qua bao thử thách do con người lẫn thiên nhiên mang lại, để định mệnh dẫn dắt đến điều sâu thẳm và quý giá nhất của mọi sinh linh trên hành tinh này: tìm ra nơi chốn thích hợp nhất với mình và trân trọng nó.
 
Chú chó Bấc trong sách giáo khoa lớp 9…
 
ảnh 2
 
Bộ phim “Tiếng gọi nơi hoang dã” chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển cùng tên của đại văn hào Jack London (1876 - 1916) vốn được bao thế hệ học sinh trong nước biết đến qua trích đoạn được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 9. 
 
Chú chó Buck (với tên gọi Việt hóa là “Bấc”) là chú chó bị bắt cóc đưa lên vùng Bắc cực để kéo xe trượt tuyết và bị bán qua tay nhiều ông chủ độc ác. Chỉ riêng Giôn Thooc-tơn (John Thornton) là người có lòng nhân từ đã cảm hóa được Bấc. Về sau, khi Thooc-tơn qua đời, Bấc dứt bỏ việc sống bên cạnh con người, đi theo “tiếng gọi nơi hoang dã”. “Tình yêu thương, một tình yêu thương thật sự và nồng nàn lần đầu tiên được phát sinh bên trong nó…” - đoạn trích giúp học sinh hiểu được sự tinh tế của nhà văn khi viết về những con chó, thể hiện trí tưởng tượng tuyệt vời của tác giả khi đi sâu vào “tâm hồn” của chú chó Bấc. Tình cảm yêu thương giữa người và vật nuôi, giữa vật nuôi và người lan truyền đến người đọc. Đoạn văn cũng cho thấy Jack London hiểu thấu nội tâm chú chó nên miêu tả nó cực kì sinh động qua những suy nghĩ, cử chỉ, hành động.

 

Theo Trung Nghĩa - An ninh Thủ đô

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng