Tin văn nghệ
“12 quy luật cuộc đời”
09:39 | 11/03/2020

“12 Rules for Life” (12 quy luật cuộc đời) của Jordan Peterson được bán tới 3 triệu bản ở Bắc Mỹ quả là một con số ấn tượng trong thời buổi không mấy ai còn đọc sách...

“12 quy luật cuộc đời”

“Một cuộc đời không suy xét thì không đáng sống!” - Socrates. Nên dù có trốn chạy những thất bại, những niềm đau chôn dấu, những khắc khoải, ân hận, những dự định bất thành thì cuối cùng mình vẫn phải trực diện với nó và chấp nhận để tiến lên phía trước trong hành trình tu tâm, dưỡng tính mỗi ngày. “Đứng thẳng hiên ngang” vì vậy là quy tắc đầu tiên mà tác giả cuốn sách nhấn mạnh. Một thái độ dũng cảm, nhận lãnh trách nhiệm làm người vừa khó khăn nhưng cũng thật vinh quang. Khi suy xét về đời sống thì tôi luôn nhớ về câu nói nổi tiếng của Phong Thanh Dương trong Tiếu Ngạo Giang Hồ: “Bậc đại trượng phu muốn làm thế nào thì cứ thế mà làm, tựa hồ nước chảy mây trôi, muốn đi về phương nào thì đi. Hết thảy quy củ võ lâm, giáo điều môn phái vứt hết cả đi!”.

Đời sống vốn không nên bị ràng buộc bởi những luật lệ, giáo điều của người đời. Chẳng có cái gì gọi là “luật” đời sống bắt ta phải theo nếu ta có khí chất hiên ngang ấy. Chính vì thế, tôi không đồng ý lắm với tựa dịch “12 Quy luật cuộc đời”. “Rule” là các quy tắc, điều mà chúng ta lựa chọn thực hiện thay vì những quy luật mà chúng tồn tại khách quan ngoài ý muốn chủ quan của mỗi người, được tuân theo mà không có lựa chọn.
 
Bậc trượng phu không nên vướng vào quy tắc của thế nhân nhưng có được phép phóng túng? Và nên “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” không? Đó là sự lựa chọn của mỗi cá thể.
 
Tuy nhiên, nếu không có các quy tắc mình đặt ra cho bản thân, không có sự quản thúc và để bản thân mình nương theo những dục vọng điên cuồng, những phán đoán lầm lạc thì sớm muộn chúng ta cũng tha hóa và hiện thực những phẩm chất thấp. Điều đó phản lại mục tiêu vĩ đại, thiết kế của Thượng đế.
 
Jordan Peterson là một nhà tư tưởng xuất chúng đương thời, một học giả uyên bác nhưng là một quý ông lịch thiệp. Tốt nghiệp ở Đại học Alberta, rồi làm tiến sĩ ở Đại học McGill, ông dành 13 năm để viết cuốn sách chuyên môn về tâm lý học chuyên ngành của ông với tựa đề “ Maps of Meaning: The Architecture of Belief”, xuất bản năm 1999. Thế nhưng, cuốn này không gây được tiếng vang và nó may ra chỉ được đọc trong giới học thuật.
 
Vào năm 2013, Peterson đã quay những bài giảng của mình ở Đại học Toronto (Personality and Its Transformations”, “Maps of Meaning: The Architecture of Belief) rồi đăng lên Youtube, lập tức thu hút hàng chục triệu lượt xem. Các chủ đề của ông đan xen giữa tôn giáo, mà chủ yếu là Thiên chúa giáo, kết hợp với tâm lý học và lịch sử trở thành những đề tài khá thú vị cho công chúng.
 
Cuốn sách “12 quy luật cuộc sống” (12 rules for life) lập tức trở thành best-seller của thể loại self-help (Sách tự lực - loại sách giúp người đọc tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân của mình). Ý tưởng chủ đạo của tác phẩm là “đau khổ được xây dựng trong cấu trúc của hiện hữu” (suffering is built into the structure of being). Nói theo nhà Phật thì “đời là bể khổ”. Nhưng mặc cho “đời nhẹ khôn kham” thì nói chung chúng ta có thể chịu đựng được (bearable). 
 
Cuộc sống không phải là tìm kiếm hạnh phúc (happiness), lợi lộc mà là tìm kiếm ý nghĩa (meaning) của cuộc đời (Quy tắc 7). Đời vốn vô nghĩa (Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu). Tự chúng ta phải gán ý nghĩa cho nó qua những hành động của mình. Nghĩa là cần phải hướng thiện, hoàn thiện bản thân mình mặc cho những thứ đen tối (dark side) còn bên trong mỗi người.
 
Trong cách dạy thế hệ sau, đó là trách nhiệm của đám người đi trước và cũng là một ý nghĩa của cuộc đời thì chúng ta cần phải nêu gương trước chúng, hướng dẫn chúng nhưng lại phải để bọn trẻ tự do, độc lập trong hành động của mình. Những góp ý của chúng ta chỉ may ra cung cấp các phương án, còn bản thân chúng phải lựa chọn.
 
Trong cuộc đối thoại với Dr. Oz trên Youtube, Jordan Peterson  phản đối sự thương hại hay các thái độ thương cảm với giới trẻ. Ông từng mắng một thanh niên trên Twitter là đồ vô dụng và nói: “Cậu nghĩ cậu là ai mà đòi phải được tôn trọng, phải được cảm thấy rằng bản thân mình ổn, khi cậu mới hai chục tuổi đời và chưa làm được cái quái gì cả?”.
 
Tuy nhiên, ông tôn trọng quyền tự quyết của chúng. Thái độ đúng mực theo ông là: “Đây là quy tắc viết ra để dành cho những người thuộc cánh hữu ở mọi nơi: không làm phiền bọn trẻ khi chúng đang trượt ván”.
 
Vẫn còn nhiều quy tắc thú vị khác mà bạn nên đọc thêm trong bản dịch tiếng Việt của Bùi Cẩm Tú, NXB Thế giới và SaigonBook ấn hành.
 
 
Theo Đào Trung Thành - Đại biểu Nhân dân
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng