Tin văn nghệ
Kiệt tác 'Ngàn cánh hạc' trong diện mạo mới
10:30 | 23/03/2020

Cùng với Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc là một trong vài tác phẩm giúp mang lại Nobel văn chương cho Kawabata Yasunari năm 1968 - đây là nhà văn thứ ba của châu Á được trao giải thưởng danh giá này. Bản dịch Ngàn cánh hạc của An Nhiên vừa được phát hành bổ sung một phần mà tác giả mới chỉ in trên tạp chí, chưa bao giờ xuất bản thành sách.

Kiệt tác 'Ngàn cánh hạc' trong diện mạo mới
Kiệt tác “Ngàn cánh hạc” trong diện mạo mới
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận định: “Bản dịch mới của An Nhiên đã đưa vào 5 chương chưa từng xuất hiện trước đây trong những bản tiếng Việt, cũng như nhiều ngôn ngữ khác. Do đó phải xem đây là một duyên may mà An Nhiên tạo ra cho độc giả Việt Nam được nhìn thấu cảnh giới đẹp não nùng của Kawabata, nơi đẹp và yêu, đẹp và buồn quyện nhau khôn dứt”.
 
Phần 2 bị đối xử “như một chiếc bóng”
 
Trong tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ khác, các bản dịch trước đây đều chỉ có phần đầu là Ngàn cánh hạc, còn bản dịch lần này gồm đầy đủ 2 phần là Ngàn cánh hạc và Cánh chim trên sóng.
 
Phần tiếp theo này từng đăng trên tạp chí Shosetsu Shincho từ năm 1953 đến năm 1954, gồm 5 chương nhỏ là Cánh chim trên sóng, Chuyến đi biệt ly, Gia đình mới, Đôi mắt mùa Xuân, Tâm sự người vợ.
 
Đặc biệt, bản thân Đôi mắt mùa Xuân và Tâm sự người vợ cũng không được công bố trong bản in thành sách tại Nhật, với lý do được cho là chưa phải một chương hoàn thiện. Gần đây, các nghiên cứu mới đang xem xét lại quan niệm ấy, nên An Nhiên xin chụp lại bản trên tạp chí Shosetsu Shincho năm 1954, số tháng 3 và số tháng 7, qua hệ thống kết nối của thư viện trường đại học nơi chị đang công tác.
 
An Nhiên chia sẻ: “Trong bản dịch lần này, có phần giải đề của biên tập viên gạo cội Gunji Katsuyoshi, người chuyên hiệu đính, biên tập Kawabata Yasunari toàn tập. Ông giải thích rất rõ bối cảnh ra đời, đăng tải trên tạp chí của các chương, các phần trong Ngàn cánh hạc. Cũng nhờ đọc phần giải đề này, tôi mới biết có sự tồn tại của hai phần nhỏ Đôi mắt mùa Xuân và Tâm sự người vợ để dịch thêm như phần phụ lục, ngoài yêu cầu của đơn vị phát hành IPM”.
 
Trong dẫn giải của Gunji, ông có viết “ngoài bản toàn tập phát hành cả 2 phần (Kawabata Yasunari tuyển tập, NXB Shinchosha, 1956) thì Cánh chim trên sóng bị đối xử như một chiếc bóng”. Cũng có thể vì quan niệm các tiểu thuyết của Kawabata Yasunari như Xứ tuyết, Tiếng rền của núi và cả Ngàn cánh hạc “không được cấu tưởng ngay từ đầu như một trường thiên tiểu thuyết, các tác phẩm đều được viết từng chương một và liên kết, chồng chất lên nhau. Kết thúc không gì khác là chương cuối cùng tác giả đã viết” - như nhà phê bình văn học Yamamoto Kenkichi bình luận. Từ đó, việc các bản dịch khác, kể các ngôn ngữ khác có sự khác biệt về độ dài cũng là điều hiển nhiên, do quan niệm về chỉnh thể tác phẩm khác nhau.
 
Dịch tác phẩm “như nó là”
 
Vì sao chọn dịch lại cuốn này? An Nhiên cho biết: “Đây chỉ là duyên công việc đưa đẩy. Trước Ngàn cánh hạc, tôi có dịch một vài tác phẩm văn học nổi tiếng của Nhật như Đường lên ngân hà của nhà văn đồng thoại Miyazawa Kenji, Một mùa thơ dại của nữ văn sĩ Higuchi Ichiyo… nên được một sinh viên cũ quý mến giới thiệu với nhà phát hành IPM - đơn vị mua bản quyền Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc”.
 
Chú thích ảnh
"Xứ tuyết" là một trong vài tác phẩm giúp mang lại Nobel văn chương cho Kawabata Yasunari năm 1968
 
An Nhiên nói thêm: “Thách thức lúc nhận dịch tác phẩm này là chính tác phẩm, tác giả. Kawabata Yasunari đã quá nổi tiếng, Ngàn cánh hạc đã được đông đảo bạn đọc các thế hệ thưởng thức. Bản thân tôi cũng đã từng đọc bản dịch của các dịch giả gạo cội như Trùng Dương, Giang Hà Vị thời còn là học sinh, sinh viên. Mong muốn được đọc tác phẩm văn học Nhật bằng tiếng Nhật từng xuất hiện khi đọc Thủy nguyệt trong sách giáo khoa văn lớp 12, nhưng cho đến lúc nhận dịch Ngàn cánh hạc, tôi cũng chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình dám dịch tác phẩm của Kawabata”.
 
“Một khó khăn nữa là tôi nhận ra mình đang thật sự đọc tác phẩm bằng tiếng Nhật tả chân, chứ không phải là bản dịch tiếng Việt mượt mà lâu nay. Tôi có chút dao động khi nhận ra bản dịch của mình không giống với các bản dịch trước. Nhưng khi hoàn thành bản dịch với 2 phần nhỏ tra cứu, dịch thêm, tôi tin rằng mình đã làm đúng khi chuyển ngữ tác phẩm “như nó là”.
 
Kawabata Yasunari là nhà văn thu hút rất nhiều các nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, nên việc xuất hiện thêm bản dịch Ngàn cánh hạc này của An Nhiên là một đóng góp khá quan trọng.
 
An Nhiên (Nguyễn Đỗ An Nhiên) hiện là giáo viên thỉnh giảng tại Đại học Meio, Okinawa, Nhật Bản. Chị còn là dịch giả của Shogun cuối cùng (tác giả Shiba Ryotaro), Khái lược văn minh luận (Fukuzawa Yukichi), Những người Nhật vị tha (Isoda Michifumi), Tôi bị bố bắt cóc (Mitsuyo Kakuta), Tiệm sách cơn mưa (Rieko Hinata)… Chị từng được trao giải thưởng Sách hay 2016, hạng mục sách quản trị, với dịch phẩm Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế của Inamori Kazuo.
 
“Ngàn cánh hạc” là bao nhiêu con hạc?
 
Hạc trắng là biểu tượng cho tâm ý và tâm linh Nhật Bản, nhất là ở khía cạnh cầu sự bình an, sức khỏe. Như vậy tiểu thuyết Ngàn cánh hạc là viết về hàng ngàn con hạc? Không phải như vậy. Chiếc khăn màu hồng thêu ngàn cánh hạc của Yukiko xuất hiện hàng chục lần, là dấu mốc của các cuộc gặp gỡ giữa Kikuji và Yukiko, nhưng nó không phải là tuyến chính câu chuyện.
 
Một tuyến truyện quan trọng hơn là truyền thống trà đạo, trà trị và những trà thất vi tế. Vậy tiểu thuyết này viết về trà đạo? Cũng không phải như vậy. Dù câu chuyện bắt đầu bằng việc Kikuji Matani về dự đám tang cha mình tại một lễ trà đạo uy nghiêm do Chikako tổ chức, nơi anh gặp cô gái sương khói Yukiko. Trung tâm câu chuyện là một đại lễ trà đạo cổ xưa, với tất cả sự thiêng liêng, thanh tao.
 
Vậy tiểu thuyết này viết về điều gì là chính? Nó không chọn viết điều nào là chính, ngay cả sự ám ảnh về tình yêu và dục tính tưởng chừng xuyên suốt, mà tất cả được nhìn qua lăng kính phù thế và vô thường, có đó mà không phải là đó. Đây có lẽ một thủ pháp gián cách đặc thù và rất cao thủ của Kawabata, làm cho văn phong của ông quyến rũ đến ma mị, tinh tế đến lạnh lùng, khó lặp lại trong văn đàn thế giới.

Theo Văn Bảy - Thể thao & Văn hóa

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng