Tin văn nghệ
Thiêng liêng Giỗ Tổ
09:22 | 02/04/2020

Giỗ Tổ là nói gọn, chứ thực ra là Giỗ Quốc Tổ. Đây là ngày người dân cả nước kính cẩn thờ cúng Hùng Vương. Hùng Vương được thờ cúng không chỉ là một con người cụ thể mà là tưởng nhớ và tri ân tới một thời kỳ sơ khai hình thành nên Tổ quốc. Trải qua hàng ngàn năm hình thành, đến ngày hôm nay thì ngày Giỗ Tổ được định vị và đưa vào quy định của pháp luật…

Thiêng liêng Giỗ Tổ
Một hoạt động trong ngày Giỗ Tổ ở đền Hùng.
Hình thành khái niệm Tổ quốc
 
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
 
Câu ca này nhiều người nghĩ có lẽ hình thành từ mấy trăm năm trước, nhưng có lẽ nó được hình thành vào năm Khải Định thứ 2 (1917), sau khi Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc trình Bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Căn cứ này được xác nhận qua tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng ghi: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.
 
Tuy ngày Giỗ Tổ được định vị muộn như vậy, nhưng tâm thức về thờ cúng Hùng Vương, đã có hàng ngàn năm. Khái niệm Tổ quốc là điều thiêng liêng nhất. Sách Thiên Nam ngũ lục ghi lại câu chuyện dân gian truyền tụng về lời thề bên sông Hát của Trưng Trắc và Trưng Nhị trước khi dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, tấn công về Luy Lâu, đánh đuổi quân Hán đô hộ: “Một xin rửa sạch nước thù; Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng; Ba kẻo oan ức lòng chồng; Bốn xin vỏn vẹn sở công lênh này”.
 
Học giả Phan Ngọc trong cuốn Bản sắc văn hóa Việt Nam có viết về vấn đề Tổ quốc rất sâu sắc. Theo nghiên cứu của ông, cách hiểu và quan niệm Tổ quốc của người Việt Nam rất khác với các nước, ngay cả với nước Trung Hoa bên cạnh. Ở Trung Quốc không có khái niệm “Trung với nước” như Việt Nam mà là “Trung quân, ái quốc”. Trung quân nghĩa rộng là trung thành với nhà vua, nghĩa hẹp là trung thành với người nuôi mình. Cho nên, trong lịch sử mới có người Hàn Tín nói: “mặc áo người ta thì chết cho người ta”. Và có Ngũ Tử Tư mà người Trung Quốc coi là trung thần điển hình lại là người đem quân nước Ngô về đánh lại nước Sở của mình. Trong Tam quốc diễn nghĩa, người ta đánh giết nhau không phải vì đất nước Trung Hoa mà chỉ để họ Lưu, họ Tào hay họ Tôn cai trị thiên hạ…
 
Tổ quốc thì mãi trường tồn chứ không thay đổi theo triều đại. Ví dụ tên nước là Đại Việt tồn tại hơn 700 năm tuy triều đại có thay đổi như Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Điều này khác với Trung Quốc là Tổ quốc gọi theo tên triều đại: Hán, Đường, Tống, Nguyên…
 
Việc hình thành Tổ quốc ở nước ta từ rất sớm. Nguồn gốc hình thành theo nhiều nhà nghiên cứu là việc lấn biển, trị thủy, mở mang vùng đồng bằng sông Hồng. Nền nông nghiệp lúa nước cần tới hệ thống đê điều chằng chịt. Nếu không có sự đoàn kết của tất cả các làng thì không thể xây dựng được hệ thống đê điều này. Mặt khác, sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, tinh thần dân tộc được hình thành và phát triển. Chỉ có sự đoàn kết rộng lớn thì mới chống lại được giặc ngoại xâm phương Bắc. Mà sự khơi dậy tinh thần dân tộc, tinh thần Tổ quốc có lẽ bắt đầu được đánh dấu bởi mốc son là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40, tức là cách ngày nay gần 2000 năm.
 
Đến thời Ngô Quyền, việc khôi phục Quốc thống nhen nhóm lại. Tiếc rằng chưa xong thì Ngô Quyền bị sát hại. Đất nước bị chia rẽ cát cứ. Đinh Bộ Lĩnh là người đã thống nhất được đất nước và tổ chức bộ máy trung ương tập quyền. Trong đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư, có bức đại tự đề ba chữ “Chính thống thủy” ngụ ý là người khai mở lại nền chính thống của đất nước.
 
Kể từ thời Đinh, trở về sau các triều đại phong kiến đều theo mô hình trung ương tập quyền. Tổ quốc trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Khái niệm “Trung với nước” cũng hình thành từ đó chứ không phải trung với vua, hay trung với một triều đại. Ví như Nguyễn Trãi là người đỗ đạt, làm quan triều Hồ, nhưng khi nước mất, thì ông được cha là Nguyễn Phi Khanh khuyên không nên theo vua tôi nhà Hồ sang Trung Quốc mà trở về cứu nước.
 
Tổ quốc và Giỗ Tổ
 
Để có được một câu như “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mà bây giờ chúng ta thấy là đơn giản thì khái niệm về chủ quyền dân tộc này đã phải mất hàng ngàn năm để hình thành. Thời Hai Bà Trưng không có khái niệm này. Qua hàng ngàn năm Bắc thuộc cũng vậy. Đến thời Lê Đại Hành thì bài thơ “Nam Quốc sơn hà” mới xuất hiện. Nhưng nổi bật nhất là trong cuộc kháng chiến chống Tống do Lý Thường Kiệt chỉ đạo. Tổ quốc lúc đó đơn giản là chủ quyền về cương vực. Hoàng đế Việt Nam ngang hàng Hoàng đế Trung Hoa. Đến “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi viết năm 1427 thì khái niệm Tổ quốc mới định rõ một cách cụ thể và toàn vẹn. Học giả Phan Ngọc đánh giá: “Bình Ngô đại cáo” là một văn kiện có giá trị thế giới cho đến nay vẫn hiện đại. Nguyễn Trãi trước UNESCO 600 năm đã lấy văn hóa làm nền tảng của chủ quyền dân tộc, trong câu: “Nhớ nước Đại Việt ta từ trước; Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, trước Stalin 465 năm đã thấy dân tộc là một thể thống nhất gồm 4 yếu tố là địa lý (núi sông bờ cõi đã chia), phong tục (phong tục Bắc, Nam cũng khác), lịch sử (Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập), chính quyền thống nhất (Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên làm đế một phương). Siêu việt hơn nữa, Nguyễn Trãi đã nêu lên thực chất của chế độ cai trị mà Việt Nam phải theo là con đường “Đem đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy chí nhân thay cường bạo”. Sức mạnh của đất nước là những người “manh lệ bốn phương” và trách nhiệm của một chính quyền thực sự dân tộc là “duy tân từ đấy”.
 
Cuốn sách cổ nhất của nước ta có đề cập tới thời đại Hùng Vương là cuốn “Lĩnh Nam chích quái”. Trong truyện “Hồng Bàng thị” có đề cập tới Kinh Dương Vương là ông nội của vua Hùng Vương đầu tiên. Cùng với sách, các nhà nho thời đó còn sáng tác ra câu chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Trăm trứng nở ra trăm người con trai. 50 người theo cha xuống biển. 50 người theo mẹ lên rừng. Người con trai cả lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương.
 
Chưa thấy sách viết thời Lý, Trần về lệ thờ cúng Hùng Vương hay tổ chức Giỗ Tổ. Nhưng đến thời Lê thì đã ghi rõ. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời Vua Lê Thánh Tông và đời Vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép lại tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
 
Đến thời đại ngày nay, ngay khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Ngày 6/11/2001, Chính phủ có Nghị định số 82/2001/NĐ-CP quy định về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Đặc biệt đến ngày 2/4/2007, Quốc Hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương…
 
Ngày 6/12/2012, UNESCO đã ghi nhận bản sắc văn hóa Việt Nam đối với việc Giỗ Tổ khi công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Thiêng liêng Giỗ Tổ - 1
 
Cuốn sách cổ nhất của nước ta có đề cập tới thời đại Hùng Vương là cuốn “Lĩnh Nam chích quái”. Trong truyện “Hồng Bàng thị” có đề cập tới Kinh Dương Vương là ông nội của Vua Hùng Vương đầu tiên. Cùng với sách, các nhà nho thời đó còn sáng tác ra câu chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Trăm trứng nở ra trăm người con trai. 50 người theo cha xuống biển. 50 người theo mẹ lên rừng. Người con trai cả lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương. Việc hình thành Tổ quốc ở nước ta từ rất sớm. Nguồn gốc hình thành theo nhiều nhà nghiên cứu là việc lấn biển, trị thủy, mở mang vùng đồng bằng sông Hồng. Nền nông nghiệp lúa nước cần tới hệ thống đê điều chằng chịt. Nếu không có sự đoàn kết của tất cả các làng thì không thể xây dựng được hệ thống đê điều này.

Theo Từ Khôi - Đại Đoàn Kết

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng