Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Bức tranh giấy của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bị vứt bỏ và được cố nhà thơ Dương Kiều Minh nhặt lại cất giữ cẩn thận
Con đường hội họa của Nguyễn Quang Thiều
Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, là nhà thơ, nhà văn, dịch giả, bắt đầu vẽ ở tuổi 48 (2005).
Triển lãm chung lần đầu tiên với các nhà văn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2005 với tên gọi “ Nhà văn vẽ’’. Sau đó ngừng vẽ cho tới năm 2012 vẽ lại.
Tham dự triển lãm nhiều lần với nhóm họa sĩ G39.
Triển lãm “Người thổi sáo” là triển lãm cá nhân đầu tiên, diễn ra từ ngày 7 – 15/1 tại Trung tâm Art Space (Trường đại học Mỹ Thuật, số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội).
Triển lãm gồm hơn 53 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Bức tranh khổ lớn nhất là 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất là 50cm x 70cm. Hầu hết số tranh trong triển lãm này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây còn lại là những bức khác được mượn lại của những người đã sở hữu chúng.
Vẽ để được sống nhiều hơn
Bước vào hội họa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quan niệm vẽ không để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp mà đơn giản chỉ cho bản thân được sống thêm trong một thế giới riêng khác, sống đắm mê trong sáng tạo và sau cùng, làm dài rộng thêm cho cuộc đời để được sống nhiều nhất.
Chỉ coi mình là “người đi ngang qua cánh đồng hội họa” nên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có cách thức sáng tạo hội họa cũng chẳng giống ai. Ông thường vẽ không có phác thảo. Ông đứng trước toan và quết nhát màu đầu tiên lên toan và cứ thế cuốn theo màu sắc ấy.
Tự nhận là một người lúng túng, vụng về khi đặt chân vào thế giới hội họa, thế nhưng, Nguyễn Quang Thiều lại may mắn được một người bạn thân thiết, họa sĩ Lê Thiết Cương, dặn rằng: “Hãy vẽ đi, đừng hỏi ai điều gì cả. Hãy vẽ tất cả những gì mà ông muốn vẽ, hãy vẽ tất cả những gì mà ông cảm giác. Ông đừng lệ thuộc. Ông đừng đi học vào độ tuổi này nữa”.
Không chỉ có họa sĩ Lê Thiết Cương, nhiều người bạn họa sĩ khác của ông bằng cách này hay cách khác đều muốn ông vẽ, buộc vẽ, phải vẽ. Họa sĩ Đào Hải Phong cho bút, cho màu, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ thì cho toan, rất nhiều toan… đều như những thông điệp thúc giục nhà thơ: “Hãy vẽ đi!”.
Nguyễn Quang Thiều cứ vẽ và không dám xưng danh là họa sĩ bởi lẽ với ông đó là một điều xa xôi. Quan trọng nhất với tác giả Người thổi sáo vẽ vẫn là niềm đắm mê bất tận. “Tôi làm tất cả mọi thứ: vẽ tranh, làm thơ, dịch sách, viết tiểu thuyết, viết truyện thiếu nhi, viết kịch, làm báo, nấu ăn, trông cháu, làm đèn cù,… làm tất cả nhưng không phải để tôi trở thành tất cả. Tôi làm tất cả vì tôi muốn được sống một cách nhiều nhất. Tôi luôn nghĩ một ngày mình cần 48 tiếng đồng hồ để làm tất cả những điều mình muốn. Mặc dù công việc bận mù mịt nhưng không có điều gì có thể dừng tôi lại trong sáng tạo, chìm đắm trong thế giới của ngôn ngữ, của màu sắc bởi vì như thế tôi mới được sống tốt nhất”.
Không coi hội họa là sự nghiệp, cũng chẳng phải là một cuộc dạo chơi, với Nguyễn Quang Thiều hội họa là một phương tiện để người nghệ sĩ như ông được sống nhiều hơn. “Khi làm một bài thơ tôi nhìn thấy thế gian trong một góc, tôi vẽ tiếp một bức tranh tôi nhìn thấy thế gian thêm một góc khác, tôi sáng tác âm nhạc tôi nhìn tiếp thêm một góc nữa, tôi chơi đàn bầu tôi nhìn thấy tiếp tục một góc nữa,… tất cả như cách tôi muốn nhìn thế gian này đầy đủ hơn. Đó là sự sáng tạo nghệ thuật đến tận cùng”.
Cho đến những ngày cuối cùng chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên Người thổi sáo, Nguyễn Quang Thiều vẫn chìm đắm trong một cõi riêng để hoàn thiện những bức tranh sau cùng, “một ông già 63 tuổi, mỗi đêm trước khi ngủ, vẫn phải “lẻn” vào phòng vẽ để ngó lại xem những bức tranh của mình, hút một điếu thuốc và muốn thức để vẽ tiếp tục. Tôi lúc nào cũng phải thăm nhưng bức tranh của mình như thăm một người thân mặc dù nó đang dang dở, nó đang nguệch ngoạc. Tôi nhớ chúng mặc dù chưa vẽ thêm. Đó là sự hạnh phúc”.
“Rất nhiều thứ của tôi đã già cỗi nhưng khi đứng trước một trang giấy hay toan vẽ, tôi như một chàng trai 18 tuổi, cho đến bây giờ tôi vẫn đắm mê. Tôi cứ thế vẽ, vẽ xong, tự thấy bức tranh xấu, tôi lại vẽ tiếp, hết ngày này qua ngày khác, tranh thủ vẽ”.
|
Theo Công Bắc - Thể thao & Văn hóa