Tin văn nghệ
Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020: Tôn vinh những tác phẩm phi hư cấu
14:43 | 22/02/2021
Sáng 19-2, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức lễ trao Giải thưởng văn học năm 2020 và kết nạp hội viên mới. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến khó lường nên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM đã không tổ chức buổi họp mặt để tổng kết hoạt động năm qua với toàn thể hội viên mà chỉ tổ chức trong phạm vi hẹp với số lượng người tham dự hạn chế. 
 
Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020: Tôn vinh những tác phẩm phi hư cấu
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đánh giá tổng quát về các tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020
Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, lễ trao giải thưởng và kết nạp hội viên mới là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động của Hội Nhà văn TPHCM.
 
“Bởi vì thẻ căn cước của nhà văn chính là tác phẩm. Và chuỗi hoạt động của Hội Nhà văn TPHCM cũng nhằm mục đích tìm kiếm được những tác phẩm, tác giả sáng tác đạt được những giá trị văn chương; đồng thời tôn vinh, giới thiệu, quảng bá, lan tỏa để kịp thời kích thích sáng tạo của mỗi người”, nhà văn Bích Ngân cho biết.

Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020: Tôn vinh những tác phẩm phi hư cấu  ảnh 1
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, lễ trao giải thưởng và kết nạp hội viên được diễn ra trong phạm vi hẹp

Năm nay, giải thưởng được trao cho cả 3 chuyên ngành: thơ, văn xuôi và lý luận phê bình.
 
Theo đó, giải thưởng chính thức được trao cho 3 tác phẩm: hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… (NXB Văn hoá - Văn nghệ) của tác giả Xuân Phượng, tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Cao Xuân Sơn và truyện ký Đất "K" (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Bùi Quang Lâm.
 
Trong đó, đặc biệt nhất là hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… của nữ đạo diễn Xuân Phượng. Đây là tác phẩm văn chương đầu tay của bà được xuất bản ở Việt Nam; trước đó, tác phẩm cũng đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng ở hạng mục văn xuôi. 
 
“Tác phẩm thuộc thể loại phi hư cấu, tuy nhiên đọc tác phẩm của đạo diễn Xuân Phượng, chúng ta thấy đây là lát cắt không chỉ của số phận mà là số phận của cả một dân tộc. Bà đã tìm được một cách thể hiện, đọc thấy được giá trị văn chương óng ánh trên từng trang viết. Giải thưởng này hết sức đặc biệt đối với Hội Nhà văn và đối với các thệ hế sau”, nhà văn Bích Ngân nhận định.
 
Bấm chân qua tuổi dại khờ của nhà thơ Cao Xuân Sơn là tập thơ duy nhất được trao giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm 2020.
 
Theo nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, vượt lên tất cả, giá trị cốt lõi của tập được vinh danh giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020 là sự lắng đọng, chiêm nghiệm, triết lý bật lên một cách hồn nhiên từ trải nghiệm sống của tác giả.
 
Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020: Tôn vinh những tác phẩm phi hư cấu  ảnh 3
Các tác giả nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020. Từ trái qua: đạo diễn Xuân Phượng, họa sĩ Bùi Quang Lâm và nhà thơ Cao Xuân Sơn
 
Cũng đặc biệt không kém là tác phẩm Đất “K” của tác giả Bùi Quang Lâm. Bởi vì đây là tác phẩm văn chương đầu tay của một họa sĩ, cũng là một người lính may mắn được trở về từ chiến trường K.
 
Nhà văn Bích Ngân chia sẻ, tác phẩm này đã tạo nên sự xúc động rất lớn đối với cá nhân bà. Cùng với Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn…, Đất “K” đã góp thêm vào đời sống những tác phẩm viết về chiến trường K đầy chân thực và xúc động.
 
“Mặc dù là thế hệ không phải tham gia chiến tranh nhưng đọc Đất “K”, chúng ta có thể cảm nhận được cái hơi thở gian nan, khó nhọc của những người lính nơi chiến trường. Bùi Quang Lâm, bằng ký ức, trải nghiệm của mình đã làm cho người đọc rất xúc động. Đó không phải là số phận của riêng tác giả mà là số phận của nhiều người lính, của một phần dân tộc”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
 
Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020: Tôn vinh những tác phẩm phi hư cấu  ảnh 4
Nữ đạo diễn Xuân Phượng bày tỏ sự xúc động khi được vinh danh tại Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020
 
Đã bước sang tuổi 92 nhưng nữ đạo diễn Xuân Phượng vẫn tỏ ra mạnh khỏe và tinh anh. Sau Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… tiếp tục được vinh danh tại Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM khiến bà không khỏi xúc động.
 
Bà bày tỏ: “Tôi là người tuổi đã già, lại không phải là nhà văn. Ra mắt hồi ký chỉ với mong muốn để lại cho đời một cái gì đó mà nhận được giải thưởng như vậy, khiến tôi vừa cảm động và rất cảm ơn tất cả các bạn, đã hết lòng thông cảm với nỗi niềm, với cuộc sống, với tất cả thăng trầm của cả một đời người”.
 
Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020: Tôn vinh những tác phẩm phi hư cấu  ảnh 5
Các tác phẩm được trao giải thưởng và tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm 2020
 
Ngoài 3 giải thưởng chính thức, Hội Nhà văn TPHCM còn trao tặng thưởng cho các tác phẩm: hồi ký Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối (NXB Tổng hợp) của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, tập truyện ngắn Đoản khúc chiều phù dung (NXB Trẻ) của nhà văn trẻ Vũ Văn Song Toàn và tập lý luận phê bình Đi tìm mỹ cảm văn chương (NXB Hội Nhà văn) của nhà phê bình Trần Hoài Anh.
 
Như vậy, trong tổng số 6 giải thưởng lẫn tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm 2020, có tới 3 tác phẩm thuộc thể loại ký. Điều đặc biệt là trong 3 tác giả được trao giải thưởng, 2 tác giả Xuân Phượng và Bùi Quang Lâm đều chưa phải là hội viên của Hội Nhà văn TPHCM.
 
Đánh giá về chất lượng của các tác phẩm nhận giải thưởng và tặng thưởng lần này, nhà văn Trầm Hương cho rằng giải thưởng văn học năm 2020 của Hội Nhà văn TPHCM thiếu những tiểu thuyết, những tác phẩm văn xuôi có sức nặng như mũi kim cương khai phá tầng quặng lịch sử quý báu của thành phố; thiếu vắng những tác phẩm đồng hành, có tầm vóc trong công cuộc xây dựng, phát triển một thành phố văn minh, hiện đại nghĩa tình là một đáng điều tiếc.
 
Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2020: Tôn vinh những tác phẩm phi hư cấu  ảnh 6
Dịp này, Hội Nhà văn TPHCM kết nạp thêm 21 tác giả thuộc 2 chuyên ngành văn xuôi và thơ
 
Vẫn còn thiếu những tác phẩm văn học xứng với tầm vóc của thành phố lớn, đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa phía Nam! Khoảng trống ấy là trách nhiệm của những người cầm bút lẫn sự đầu tư chiều sâu cho những bước đi dài.
 
“Nhưng dù sao, năm 2020 thành phố đã gặt hái được thành quả một mùa vàng với những tác phẩm thật đáng trân quý. Văn chương luôn là điều bất ngờ. Chúng ta có quyền hy vọng vào những điều bất ngờ ở mùa sau, như niềm lạc quan của nhà thơ Cao Xuân Sơn: “Và cứ thế bài ca hy vọng/ Mẹ cưu mang, bất chấp vạn dối lừa”, nhà văn Trầm Hương bày tỏ.
 
Dịp này, Hội Nhà văn TPHCM còn kết nạp 21 hội viên cho 21 tác giả thuộc các chuyên ngành thơ và văn xuôi. 
 
 
Theo Hồ Sơn - SGGP Online
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng