Cổng làng Đường Lâm (Hà Nội).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, diễn ra vào cuối tháng 9/2020, nhiều kiến trúc sư nêu vấn đề: Bao giờ kiến trúc Việt thoát khỏi cảnh “lẩu thập cẩm”? Tại Đại hội, những bất cập trong suốt quá trình hình thành, phát triển của kiến trúc Việt Nam đã được các đại biểu đưa ra bàn thảo, với mong muốn có được một diện mạo kiến trúc mang đậm bản sắc Việt Nam.
Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) cũng từng có triển lãm “Kiến trúc làng Việt truyền thống”, giới thiệu 6 ngôi làng Việt cổ, bắt đầu từ làng Thổ Hà ven sông Cầu (Bắc Giang), làng Cự Đà ven sông Nhuệ (Hà Nội) đến làng Nôm (tỉnh Hưng Yên), làng Hành Thiện (tỉnh Nam Định), làng Phước Tích và làng An Chuyện (tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Những người xem triển lãm đều nhận thấy làng Việt cổ đẹp quá. Nhưng từ đó cũng lại nổi lên nỗi lo âu liệu có giữ được làng không khi mà các kiến trúc hiện đại ngày một lấn lướt và cũng ít người còn có tâm giữ làng cổ.
Theo KTS Hoàng Đạo Cương, trong số 3.500 di tích quốc gia thì chỉ có 4 ngôi làng cổ được công nhận. Số còn lại chông chênh nửa cổ, nửa kim do vướng cơ chế và những nguyên tắc bảo tồn trong Luật Di sản. Chung mối lo ngại, giới kiến trúc sư Việt Nam cho rằng công tác quy hoạch nông thôn và tốc độ đô thị hóa, thành phố hóa khu vực ven đô... đã không quan tâm đến bảo tồn, nội dung này chưa được luật hóa, nên nhiều làng Việt cổ đang đứng trước nguy cơ nếu không bị xóa sổ thì cũng trở thành “nồi lẩu thập cẩm”...
Nhưng, ở góc nhìn khác, cũng không ít ý kiến lật lại vấn đề: Trong cuộc sống hiện đại hôm nay liệu những giá trị kiến trúc cổ có thể (và có nên) tồn tại hay không. Rõ nhất là ý muốn của chủ nhân những ngôi nhà ấy, rộng hơn một chút là người làng cổ, lãnh đạo địa phương nơi có làng cổ liệu có muôn giữ nó hay không. Giá đất ngày một cao, quỹ đất ngày một khan hiếm nếu không muốn nói là cạn kiệt trong khi người ngày một đông lên. Liệu những ngôi nhà cổ theo lối nhà ngang “3 gian 2 chái” chiếm nhiều diện tích đất có đáp ứng được cuộc sống của con người hôm nay.
Một kiến trúc sư “nói nhỏ” rằng, người trong làng cổ vẫn biết làng mình đẹp thật đấy nhưng nếu không được xây cao lên thì không lấy đâu chỗ ở. Hơn nữa, lớp trẻ bây giờ từ làng nhìn ra phố, thấy nhà bê-tông cửa kính bóng bẩy thì rất thích, cứ “xúi” ông bà cha mẹ đập nhà cũ để xây nhà mới cho bằng chị bằng anh.
“Nói chung là bảo tồn hay không đều do con người mà ra cả. Khi họ không muốn bảo tồn thì trước sau gì cũng bỏ cái cũ để chạy theo cái mới. Ở đây cần một cách nhìn, một chính sách từ nhà quản lý với chiều sâu của ý tưởng thì mới có thể thành công” - vị kiến trúc sư nọ nói.
Nhưng, trước sau gì vẫn phải quay lại với câu hỏi: Vậy thì bản sắc của kiến trúc Việt là gì? Thôn làng ngày trước có thật sự là kiến trúc thuần Việt? Những kiến trúc du nhập từ Trung Hoa, Ấn Độ, châu Âu, châu Mỹ đã “Việt hóa” liệu có phải là bản sắc kiến trúc Việt?
Có trả lời được những câu hỏi ấy thì mới có thể hướng tới một gương mặt kiến trúc Việt, thành thị cũng như nông thôn.
Thật đáng buồn khi chúng ta vẫn dằn vặt bởi những câu hỏi ấy thì phố vẫn đang tiến về làng với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Rất nhiều kiến trúc làng đã mất hẳn dấu vết nếu so với mươi năm trước. Kể cả những ngôi làng được cho là “làng Việt cổ” thì nay khái niệm ấy cũng đã nhạt nhòa vì những công trình kiến trúc mới xuất hiện ngày một nhiều, tạo nên sự “xôi đỗ” trong không gian chung.
Chúng ta hiện rất thiếu khái niệm chuẩn mực về kiến trúc của một ngôi làng và cũng chính vì thế mà hầu hết các ngôi làng đều đã biến dạng. Người ta đã chọn lối kiến trúc mới thay cho những giá trị cũ, dù giá trị đó đã đạt đến độ cổ điển đi chăng nữa.
Không phải không có lý khi nhiều người trong giới kiến trúc, xây dựng cho rằng cũng không nên quá ôm đồm phải bảo tồn tất cả những ngôi làng, vì điều đó là không thể được, bởi nó không phản ánh những giá trị đương đại. Mà quan trọng hơn là nên tập trung vào chọn quy hoạch, giữ gìn một số ngôi làng. Nhưng muốn thế thì Nhà nước phải đầu tư, phải làm sao để người dân làng cổ có thu nhập từ chính làng của mình.
Tới đây, phát sinh câu chuyện du lịch. Những ngôi làng Việt cổ dần được khách tham quan chú ý. Nguồn thu từ các dịch vụ du lịch ít nhiều đã đến với “người làng”. Nhưng cũng ít ỏi lắm. Khách đến rồi khách lại đi. Mua sắm tại làng ít vì sản phẩm du lịch không nhiều, đa phần lại là hàng hóa giá thấp. Chính điều đó đã tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn về việc bảo tồn hay là “lên đường hòa nhập với thế giới hiện đại”.
Trong một nhận xét về kiến trúc đô thị, KTS Hoàng Thúc Hào từng thốt lên: Đôi khi tôi thấy Hà Nội giông giống Bangkok, lại giông giống Kuala Lumpur, rồi lại giông giống Quảng Châu. Càng ngày càng có nhiều nhà chia lô lổn nhổn, những chung cư hình hộp rập khuôn liên tiếp trồi lên, “ngoạm” đi những khoảng xanh, những không gian sinh hoạt cộng đồng đã đi vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ...
Đó là nhận xét về kiến trúc đô thị hôm nay. Từ đó, nhìn ngược lại làng, nơi đại đa số chúng ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành để rồi từ đó vỗ cánh bay đi; thì cũng lại ngổn ngang tâm trạng…
Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến những đổi thay to lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi mỗi KTS và Hội Kiến trúc sư Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới, nâng cao năng lực hành nghề, chủ động thích ứng với thử thách và cơ hội mới. Theo đó, cần phát triển và cổ súy cho Kiến trúc xanh, Kiến trúc vì cộng đồng, Kiến trúc thông minh. Còn KTS Lawrie Wilson (Australia) nói rằng, nếu không làm bài bản và không có hệ thống, chúng ta sẽ để lại cho con cháu của mình những công trình kiến trúc tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta đang có.
|
Theo Tôn Thất Duy - Đại đoàn kết