Hình ảnh đẹp tại triển lãm trực tuyến Kỳ quan Việt Nam.
Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trên nhiều phương diện. Đơn cử như hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ cùng nhiều di sản được UNESCO công nhận là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam…
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nhiều năm trước đây văn hóa Việt Nam chưa được công chúng quốc tế biết đến nhiều vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa thực sự tạo ra một cuộc bứt phá ngoạn mục, chưa tạo được dấu ấn đậm nét với công chúng quốc tế.
Trong khi đó, sản phẩm văn hóa nước ngoài đang ngày càng tràn lan, có sức ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ trong tiêu dùng của người dân Việt Nam. Thậm chí, có những thời điểm Việt Nam không có tên trong danh sách các nước xuất khẩu nhiều nhất sản phẩm văn hóa ra thế giới. Rõ ràng, tình trạng nhập khẩu sản phẩm văn hóa nước ngoài vào Việt Nam đang vượt trội so với xuất khẩu văn hóa.
Thế nhưng bằng sự nỗ lực, thậm chí “vượt khó đi lên” văn hóa Việt Nam đã và đang được cải thiện, thậm chí có sức lan tỏa rộng khắp . Đơn cử, mới đây, Bộ VHTTDL đã công bố quyết định tái bộ nhiệm ông Lý Xương Căn làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc nhiệm kỳ 2021-2024. Việc tái bổ nhiệm này đã “dẹp bỏ” mọi đồn đoán về danh xưng đại sứ du lịch vốn đã nảy sinh những tránh cãi trước đó.
Theo đánh giá của các thành viên Hội đồng xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam đánh giá, trong suốt nhiệm kỳ 2017-2020, với tư cách là Đại sứ Du lịch ông Lý Xương Căn đã luôn nỗ lực, hoạt động tích cực, thường xuyên để góp phần duy trì và thu hút ngày càng nhiều khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam.
Đặc biệt từ năm 2019 đến nay, ông Lý Xương Căn đã thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng đại diện xúc tiến Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc; hỗ trợ Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức chương trình lễ hội Văn hoá Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc; hợp tác và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa VPĐD Xúc tiến Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc và quận Yongsan (Seoul - Hàn Quốc) thông qua các hoạt động khai mạc sự kiện văn hóa cộng đồng, hợp tác hỗ trợ dự án “con đường Việt Nam”, tham gia “Lễ hội toàn cầu làng Itaewon năm 2019”...
Không chỉ loại bỏ được những “ồn ào” về danh xưng đại sứ du lịch, thời gian cách lan tỏa văn hóa Việt đã và đang được thể hiện vô cùng đa dạng. Như việc thế giới đang “lao đao” bởi dịch Covid-19 thì hình ảnh Việt Nam lại đang được thể hiện như một điểm sáng văn hóa.
Minh chứng rõ nhất là mới đây những hình ảnh tuyệt đẹp trong dự án triển lãm trực tuyến “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) đã chính thức xuất hiện trên Thư viện Văn hóa và Nghệ thuật của Google làm nhiều người dân Việt không khỏi tự hào. Đây là dự án do Tổng cục Du lịch phối hợp Tập đoàn Google (Mỹ) thực hiện trong gần hai năm, mang đến 1.369 bức ảnh nghệ thuật chất lượng cao và nhiều tính năng tương tác hấp dẫn người dùng. Với 35 triển lãm thành phần, “Kỳ quan Việt Nam” không chỉ giới thiệu vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ, mà cả những di sản văn hóa đặc sắc như kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn, lễ hội, làng nghề… nổi bật của Việt Nam.
Không những vậy với việc chia thành nhiều chủ đề nhỏ, mỗi bức ảnh trong “Kỳ quan Việt Nam” là một câu chuyện (với ngôn ngữ Việt và Anh) đã giúp người nước ngoài và cả nhiều người Việt có thêm hiểu biết về đất nước Việt Nam. Hay trước đó, bằng ngôn ngữ điện ảnh đã ghi dấu ấn đến công chúng trong và ngoài nước bởi những cảnh quan mang thương hiệu “Made in Việt Nam”.
Có thể thấy, với những nỗ lực không ngừng nghỉ Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ văn hóa thể giới. Nhưng để Việt Nam có thể mở rộng quy mô dịch vụ văn hóa, nhất là trong những năm gần đây khi thu nhập của người dân được nâng lên, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao và đa dạng cần một sự chung tay đồng bộ. Ở đó, từ các cấp quản lý chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, có cơ chế đãi ngộ, huy động các tài năng trong nước và thế giới tham gia vào việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa Việt Nam. Bởi chính việc sản xuất ra những sản phẩm văn hóa phản ánh được những vấn đề mà xã hội, cộng đồng đang quan tâm.
Cần phát huy tính năng động, nhạy bén của các chủ thể tham gia trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa, trong đó chú trọng hơn nữa vai trò của các nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài, các nghệ sĩ, trí thức người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam. Đội ngũ này vừa có vốn văn hóa và kinh nghiệm quốc tế dày dặn, vừa thấm nhuần văn hóa Việt Nam, có thể góp phần truyền tải văn hóa Việt Nam bằng ngôn ngữ quốc tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa, vẫn bảo vệ được những vùng “dễ bị tổn thương” khi không còn nguồn lực giúp đỡ từ phía Nhà nước.
|
Theo Minh Quân - Đại đoàn kết