Tin văn nghệ
Ngâm Kiều toàn truyện: một sự bảo tồn tiếng Việt
14:46 | 07/04/2021
Gần đây, Truyện Kiều trở lại bằng nhiều hình thức như phim điện ảnh, phim truyền hình, múa bale… nhưng giá trị cốt lõi nhất của Truyện Kiều vẫn luôn được khẳng định ở mặt ngôn ngữ văn chương. Với mong muốn góp phần giữ lại được giá trị của Truyện Kiều trong đời sống tâm hồn Việt, nhà lí luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã thực hiện dự án Ngâm Kiều toàn truyện. Dự án ra mắt công chúng vào chiều 2/4/2021 tại Hà Nội.
 
Ngâm Kiều toàn truyện: một sự bảo tồn tiếng Việt
Các khách mời tham dự buổi ra mắt dự án, nhà lí luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long ngoài cùng bên phải
Ngâm Kiều toàn truyện tôn vinh một lối ngâm độc đáo được sinh ra gắn liền với kiệt tác văn học Việt Nam, đó là ngâm Kiều gắn liền với Truyện Kiều. Lối ngâm này còn được gọi là lẩy Kiều. Thông qua dự án, có thể thấy bên cạnh đóng góp cho văn học, Truyện Kiều có vị trí hết sức thú vị bởi qua đó cha ông ta đã sáng tạo riêng một lối hát dành cho những câu Kiều.
 
Đây là lần đầu tiên, toàn bộ Truyện Kiều được ngâm theo đúng lối ngâm Kiều và được thu âm giới thiệu miễn phí đến công chúng. Nhà lí luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Suốt thuở ấu thơ, tôi ngồi trong lòng bà, được vỗ về, nuôi nấng, được nghe bà ngâm Kiều, lẩy Kiều. Ở đất nước ta, có biết bao người bà, người mẹ như thế. Tôi trưởng thành, đi học nhạc, càng nhận thức sâu hơn giá trị văn hóa qua tác phẩm Truyện Kiều và đặc biệt khi tác phẩm đó được tái sinh bằng sự cảm nhận, sáng tạo của người Việt. Tháng 3/2020, khi tôi và các đồng nghiệp có phần rảnh rỗi hơn do dịch bệnh, không đi diễn và hoạt động nghề nghiệp được, tôi bàn với mọi người về dự án ngâm toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Hầu hết các nghệ sĩ đều đã thuần thục ngâm thơ, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nhưng đều bất ngờ trước ý tưởng này và không nghĩ sẽ thực hiện được”.
 

Không gian buổi ra mắt dự án Ngâm Kiều toàn truyện
 
Truyện Kiều là một kiệt tác được thế giới tôn vinh và bao thế hệ người Việt tự hào. Cách Truyện Kiều đi vào đời sống rất phong phú, trong đó có lối tiếp cận bình dân, gần gũi là ngâm Kiều. Các bà, các mẹ ngâm Kiều như cách sẻ chia, giãi bày tâm tư. Ngâm Kiều để tự răn mình, khuyên nhủ con cháu những bài học ở đời… Với hình thức ngâm, quý nhất là đã làm sống lại Truyện Kiều bằng chính thể thơ thuần Việt và nội dung chính xác nhất. Bản sắc dân tộc thể hiện ở lối thơ trước, nhạc sau, giai điệu phụ thuộc vào thơ và tâm trạng con người. Đó là không gian của ngâm nga, phảng phất, ngấm dần… Sự độc đáo của dự án này còn ở chỗ, mỗi nghệ sĩ ngâm sẽ gửi gắm vào đó tâm hồn mình, góp phần mang đến những sắc thái riêng.
 
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bày tỏ về dự án Ngâm Kiều toàn truyện: Truyện Kiều là tiếng Việt, là vốn cổ của Việt Nam. Nguyễn Quang Long và các nghệ sĩ đã tìm về với vốn cổ để giữ gìn, tôn vinh. Truyện Kiều không chỉ là tác phẩm có giá trị văn học mà còn mang giá trị văn hoá. Nguyễn Du và những người dân Việt đã chưng cất nên tiếng Việt qua tác phẩm này. Phải hiểu sâu sắc giá trị của Truyện Kiều với tiếng Việt chúng ta mới thấy dự án này thực sự có ý nghĩa, có giá trị như thế nào.
 

NSND Thanh Hoài (giữa) ngâm một trích đoạn trong Truyện Kiều
 
Ngày nay, ngâm Kiều vẫn còn tồn tại ở trong các thể loại kịch hát truyền thống và ca hát dân gian như chèo, hát văn, ca trù, hát xẩm… tuy nhiên chỉ một phần nhỏ trong tác phẩm được thể hiện. Dự án Ngâm Kiều toàn truyện được nhà lí luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ với các nghệ sĩ và được nhiều sự ủng hộ uy tín như NSND Thanh Hoài, NSND Thuý Ngần, NSƯT Quốc Khanh, … Sau khi được âm nhạc chắp cánh, toàn bộ 3254 câu thơ trong Truyện Kiều có tổng thời lượng là 561 phút, tương đương khoảng 10 tiếng âm thanh. Để khán giả dễ dàng tiếp cận, nhóm dự án chia thành 12 chương theo nội dung của tác phẩm, mỗi chương có độ dài khoảng trên 30 phút cho tới 100 phút. Các chương này sẽ được lần lượt giới thiệu vào 20 giờ các ngày thứ Ba, Năm, Bảy từ ngày 1/4 đến ngày 24/4/2021 trên kênh Youtube Dân ca & Nhạc cổ truyền do nhà lí luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sáng lập, giới thiệu và tôn vinh nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam.
 
Nghệ sĩ Văn Phương chia sẻ, điều quan trọng là sự tiếp nhận Truyện Kiều và dự án Ngâm Kiều toàn truyện. Những người nghệ sĩ đủ tâm huyết, tài năng và mong muốn được cống hiến. Điều khó khăn và trăn trở nhất không phải là chuyện kinh phí, mà là mọi người tương tác và tiếp nhận dự án như thế nào?
 
Được biết, để thực hiện được dự án này, nhà lí luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận được sự ủng hộ một phần kinh phí từ Quỹ Thiện Tâm, còn lại là hoàn toàn do anh chủ động thu xếp.
 
 
Theo Nguyễn Sơn - Văn nghệ Quân đội
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng