Văn học Pháp hẳn là một trong số những nền văn học gắn bó thân thiết với một bộ phận đông đảo độc giả Việt Nam, những người quan tâm đặc biệt không chỉ đến văn học cổ điển mà cả văn học đương đại của đất nước này.
Nước Pháp đầu thế kỷ XXI vẫn mang đến cho thế giới vô số tác giả tài năng, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn học Pháp và thế giới. Trong số đó, nhiều tác giả mà mỗi lần họ ra sách lại là một sự kiện, một sự trông đợi: Michel Houellebecq và Frédéric Beigbeder với hàng trăm nghìn bản in không chỉ ở Pháp mà cả ở Đức và Anh; Marc Levy với khoảng 30 triệu bản in đã bán hết; Guillaume Musso - tác giả được chuyển ngữ qua khoảng 38 thứ tiếng trên toàn thế giới; Michel Bussi riêng trong năm 2018 đã bán hết gần một triệu bản in; chưa kể những cái tên đình đám khác như Patrick Modiano, Le Clézio, Pierre Lemaitre tác giả của “Hẹn gặp lại trên kia”, “Alex”, “Hy sinh”; Franck Thilliez với “Hội chứng E”, hay Raphaelle Giordano với “Ta bắt đầu cuộc đời mới khi nhận ra mình chỉ sống một lần”…
Văn học cổ điển Pháp đã ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Còn văn học đương đại với các tác giả mới nhất, cùng nhiều vấn đề hiện đại không chỉ thuộc riêng nước Pháp mà có thể chia sẻ ở nhiều nền văn hóa dưới góc nhìn Pháp, được độc giả trẻ Việt Nam đón nhận thế nào? Điều này sẽ được đưa ra thảo luận tại tọa đàm “Một số tác giả được đọc nhiều nhất tại Pháp đầu thế kỷ XXI và sự đón nhận của các độc giả trẻ Việt Nam”, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, vào 18h ngày 14.4. Tọa đàm có sự tham dự của TS. Phạm Xuân Thạch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Nam Đỗ, người sáng lập CLB Hội thích truyện trinh thám...
Theo Th. Nguyên - Đại biểu Nhân dân Online