Nhìn lại những tác phẩm và tác giả viết về chiến tranh cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu cho rằng, phần lớn nhà văn đều xuất thân từ người lính, chí ít cũng là người trong cuộc. Những trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa đã giúp họ cả bề rộng và chiều sâu vốn sống, chất liệu làm nên tác phẩm về chiến tranh của họ tươi rói, sống động, hiện thực, góp phần khuyên son vào bản anh hùng ca cách mạng. Tuy nhiên, theo chị, tác phẩm của họ để lại nhiều nhưng vẫn chưa đủ.
“Đề tài chiến tranh vẫn còn tầng tầng, lớp lớp quặng quý mà chúng ta chưa khai thác hết. Hình thù chiến tranh có muôn hình vạn trạng, không chỉ có cảnh máu chảy xương phơi, bom rơi đạn nổ, mà bây giờ chiến tranh nối liền với hòa bình, quá khứ nối liền với hiện tại, chỉ sợ mình không đủ tài gánh vác. Điều này cho phép chúng ta đặt nhiều hy vọng ở các thế hệ nhà văn trẻ”, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu lý giải.
Tạo nền tảng cho thế hệ tương lai
Ở một chiều hướng khác, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TPHCM, nhấn mạnh đến công việc và vai trò tạo nền tảng cho thế hệ tương lai.
Theo anh, khi nói đến đề tài chiến tranh cách mạng cũng đồng nghĩa chúng ta nói đến vấn đề viết về lịch sử. Bao giờ lịch sử cũng được tồn tại dưới hai dạng thức: thực sử và huyền sử. Huyền sử là những tác phẩm sáng tạo như Chiến tranh và hòa bình, được viết khi cuộc chiến tranh kết thúc nửa thế kỷ. Thế nhưng, để có huyền sử thì phải bắt đầu từ thực sử.
Từ đó, để có những tác phẩm về chiến tranh cách mạng trong thời gian tới, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, có hai việc cần phải làm ngay, đó là viết về những nhân chứng sống, những người đi qua cuộc chiến, về những mất mát của họ. Công việc này thời gian qua, nhà văn Trầm Hương đã và đang làm rất tốt.
“Tôi cho đây là nguồn thực sử quan trọng mà bây giờ nếu chúng ta không có tài năng bằng thế hệ cha anh mình thì vẫn cứ đi theo con đường đó. Đây là con đường mà chúng ta chuẩn bị nền tảng thực sử để có huyền sử, là những tác phẩm được sáng tạo khi chiến tranh kết thúc”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói thêm.
Công việc thứ hai được nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhắc đến, đó chính là viết về chính những nhà văn đi trước. Anh lấy trường hợp tác phẩm Ở R - Chuyện kể sau 50 năm của nhà văn Lê Văn Thảo, trong đó có nhiều tư liệu hay và quý. Hay như cuốn sách Họ đã sống và viết từ chiến trường do nhà văn Xuân Thiều tổ chức bản thảo, NXB Tác phẩm mới in năm 1981. Đây là một đóng góp rất lớn khi đã tập hợp nhiều tác giả từ miền Bắc vào miền Nam sống và chiến đấu ở Tây Ninh như Nguyễn Văn Bổng, Từ Sơn, Nam Hà, Nguyễn Trọng Oánh…
“Lúc đó, mỗi tác giả viết khoảng 20 trang về những ngày đã sống ở R. Bây giờ, chúng ta cũng có thể tiếp tục đề tài này bằng cách viết về những nhà văn đã từng sống ở R. Theo tôi, nếu chúng ta có được 2 nguồn thực sử, gồm: những người đã chiến đấu, chịu đựng chiến tranh và những nhà văn từng sống ở chiến khu thì có thể bắt đầu hy vọng về tác phẩm huyền sử như là Chiến tranh và hòa bình của Việt Nam”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ.
Theo Hồ Sơn - SGGP Online