Tin văn nghệ
“Giao chạm" xẩm và nghệ thuật đương đại
09:01 | 25/05/2021
Kết nối với chuyên gia, nghệ sĩ, người thực hành ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, để lắng nghe chia sẻ của họ về xẩm; tổ chức triển lãm tranh, nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc thể nghiệm khai thác chất liệu từ xẩm... Các hoạt động của “Mắt xẩm” giúp công chúng trải nghiệm đa giác quan, nhìn về xẩm bằng con mắt hiện đại.
 
“Giao chạm" xẩm và nghệ thuật đương đại
Triển lãm đa giác quan “Mắt Xẩm” sẽ được tổ chức khi dịch bệnh được đẩy lùi
Đa giác quan cảm nhận xẩm
 
Đến với xẩm một cách tình cờ, lần theo sự tò mò, họa sĩ Yến Đỗ có mặt thường xuyên trong các buổi học hát của CLB Xẩm 48h, theo câu hát tìm về căn nhà của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Yên Mô, Ninh Bình, lắng nghe và quan sát những gương mặt hát xẩm. Cô chia sẻ: “Xẩm đưa người ta trở về quá khứ, kết nối với hiện tại, và suy nghĩ về tương lai. Đầu tiên là tính hình tượng trong câu hát, luôn vẽ ra một câu chuyện hoàn chỉnh trước mắt người nghe. Ngoài gợi hình, xẩm còn gợi màu qua những sắc thái vui buồn lẫn lộn có thể hòa cùng màu sắc”. Từ những cảm nhận ấy, cô đã tạo nên các tác phẩm đầy màu sắc nhưng cũng không kém phần trầm lắng với không gian huyền tích. Từ đó, thể hiện xẩm qua con mắt hội họa.
 
Trong khi đó, kiến trúc sư Minh Đức, người tham gia hoạt động nghiên cứu các công trình kiến trúc truyền thống, thiết kế không gian sáng tạo của “Mắt xẩm”, nhằm góp phần lưu giữ, phát triển và quảng bá không gian truyền thống gắn liền với các loại hình nghệ thuật.
 
Nghệ sĩ Tú Nguyễn lại sáng tạo tác phẩm âm nhạc thể nghiệm đặc biệt trên chất liệu xẩm. Với anh, thanh âm trong xẩm và khí cụ phương Tây có những đời sống riêng. Xẩm là chất liệu, là tứ nhạc để anh sáng tạo tác phẩm...
 
Đó là một số tác phẩm được giới thiệu trong chuỗi sự kiện “Mắt Xẩm”. Theo Đinh Thảo - sáng lập viên Dự án Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương (đơn vị tổ chức Mắt xẩm): “Dự án Chèo 48h đã có những hoạt động về xẩm từ năm 2016 đến nay, như học hát xẩm; tìm hiểu kiến thức, thi hát xẩm; giao lưu đàn hát xẩm… với sự tham gia của nhiều công chúng. Qua những hoạt động đó, chúng tôi được chia sẻ những cách cảm nhận, cách nhìn riêng về xẩm. Kết hợp với quá trình trăn trở đi tìm cơ hội mới cho xẩm, chúng tôi đặt ra vấn đề: Liệu có sự 'giao chạm' nào giữa xẩm với yếu tố đa phương tiện trong sáng tạo nghệ thuật đương đại, nhất là khi yếu tố "nhìn" trong tiếp nhận ngày càng được chú trọng. Một bộ môn nghệ thuật xướng tích dân gian vốn gắn với người khiếm thị như xẩm liệu có cơ hội được 'nhìn'?”
 
Đó cũng là cơ duyên để dự án cho ra đời “Mắt xẩm”. Như một cách chơi chữ và khám phá triệt để những lớp nghĩa trong từ "mắt", "Mắt xẩm" không chỉ là xẩm dưới góc độ tiếp cận từ thị giác mà còn là những góc nhìn, quan điểm đa dạng về nghệ thuật này.
 
“Mắt xẩm” là chuỗi sự kiện được tổ chức dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh thông qua dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam 2018 - 2021. Đây là dự án do Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh tài trợ và do Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (VICAS) thực hiện. Từ ngày 16 - 22.5, chương trình tổ chức giới thiệu dự án trực tuyến và ra mắt tác phẩm âm nhạc thể nghiệm với chất liệu xẩm của nhạc sĩ Tú Nguyễn, cùng chuỗi tọa đàm về xẩm trên fanpage "Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương". Giai đoạn 2, triển lãm đa giác quan “Mắt xẩm” sẽ được tổ chức sau khi dịch bệnh được khống chế.

 

Góc nhìn xẩm của người trẻ

 
“Câu chuyện bắt đầu khi chúng tôi tìm lại những tư liệu xưa cũ về loại hình nghệ thuật này. Có rất nhiều ý kiến cho rằng xẩm là một hình thức biểu diễn của người khiếm thị dùng để kiếm sống - chính bởi vậy, nó được xem như một 'công cụ'. Tuy nhiên, xẩm với chúng tôi nhiều hơn như vậy! Trải qua bao thập kỷ, bằng mối liên kết nào đó giữa truyền thống và hiện đại, chúng tôi đã được tiếp cận gần hơn với xẩm” - Đinh Thảo chia sẻ.
 
Tìm hiểu đủ kỹ, đủ sâu về xẩm, những người trẻ thấy rằng, xẩm có nét đẹp nghệ thuật trong âm nhạc của riêng nó, độc đáo và khác biệt với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác. Bên cạnh đó, về nội dung, các bài hát cho thấy góc nhìn chân thực và sâu sắc về cuộc đời, từ câu chuyện về tính nhân văn, đạo đức cho tới những vấn đề thời sự nóng hổi, xẩm đều có thể thể hiện được... Những góc nhìn ấy cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
 
Ra đời hơn 700 năm trước, xẩm là loại hình âm nhạc đặc sắc với lối diễn xướng dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt và là món ăn tinh thần của những người lao động. Trải qua nhiều bước thăng trầm, xẩm đã đi qua nhiều lăng kính của nhiều thế hệ và không ngoại lệ, những người trẻ - chủ nhân tiếp nối di sản ngày hôm nay cũng có những lăng kính riêng.
 
Với sức gợi từ những ý niệm, các nghệ sĩ đóng góp cho “Mắt Xẩm” những góc nhìn, những chấm phá độc đáo, khơi gợi được hứng thú tìm hiểu về di sản cho công chúng; đồng thời tạo ra những tác phẩm mới mang tinh thần kết nối Đông - Tây kim - cổ. Từ đó, dự án đưa tới những góc nhìn về xẩm của con người đương đại, để mọi người cùng có cái nhìn bao quát và sắc nét hơn về loại hình nghệ thuật này.
 
 
Theo Ngọc Phương - Đại biểu Nhân dân
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng