Văn hóa, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù nên cần được ứng xử bằng các biện pháp, chính sách phù hợp. Vì vậy thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật cần đề xuất các cơ chế, chính sách thích hợp để thu hút, kêu gọi nhiều nguồn lực xã hội hơn nữa, phục vụ cho sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Những năm gần đây, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Các nghệ sĩ biểu diễn đoạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Thể thao Việt Nam giành được thành tích cao trên đấu trường khu vực Ðông - Nam Á. Một số bộ môn thể thao mũi nhọn đã tự tin tiến vào đấu trường thế giới. Nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng đa dạng của nhân dân từng bước được thỏa mãn. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đã được thế giới công nhận và bước đầu phát huy giá trị tự thân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thế nhưng, bên cạnh đó cũng xuất hiện những hiện tượng báo động sự xuống cấp văn hóa, đạo đức xã hội, nhất là trong ứng xử giữa con người và con người, con người và di sản, con người và môi trường… Vì vậy, nhận thức đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển toàn diện của đất nước và nâng cao giá trị con người, để từ đó huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa là rất cần thiết.
Có một thực tế, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, ngoại trừ một số bộ môn, loại hình nghệ thuật thuộc ngành công nghiệp giải trí như điện ảnh, sân khấu, ca nhạc…, khi hoạt động theo cơ chế tự chủ có thể "sống được", những ngành nghệ thuật khác bao gồm văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian…, vẫn cần thiết sự hỗ trợ của Nhà nước trong hầu hết các hoạt động. Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước chỉ có hạn, nên nếu trông chờ, ỷ lại sự "bao cấp" này sẽ rất khó có nguồn lực mạnh để từng ngành văn hóa, nghệ thuật bứt phá vươn lên. Thời đại 4.0, trong hầu hết các lĩnh vực, mọi thứ diễn biến nhanh tới mức, từng chủ thể được ví như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến, ắt sẽ bị đẩy lùi. Vì vậy, huy động mọi nguồn lực từ xã hội phục vụ cho phát triển toàn diện văn hóa là chủ trương, hướng đi đúng đắn như kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2-6 vừa qua.
Thực tế cho thấy các mạnh thường quân ở nước ta hiện nay không thiếu. Họ sẵn sàng chi tiền tỷ tặng các liên đoàn thể thao, các vận động viên lập thành tích xuất sắc; tài trợ mời các dàn nhạc cổ điển hàng đầu thế giới sang Việt Nam biểu diễn; các chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa chính trị và văn hóa lớn; mở miễn phí các trung tâm nghệ thuật đương đại… Thế nhưng, nguồn lực xã hội to lớn này vẫn chưa được huy động hết mà nguyên nhân đầu tiên là nó chưa được coi trọng. Sự tài trợ hầu hết diễn ra tự phát, tùy theo quan hệ và cảm xúc của nhà tài trợ chứ không căn cứ trên tính cần thiết, sự phát triển bền vững, căn cơ và sức lan tỏa văn hóa, nghệ thuật trong xã hội. Cách huy động nguồn lực xã hội cũng thiếu sự phong phú, đa dạng, chưa bám sát quy luật thị trường. Một trong những vấn đề khi huy động là chúng ta chưa biết cách thuyết phục nhà tài trợ về tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực ở từng lĩnh vực đặc thù. Bên cạnh đó, chúng ta còn chưa sử dụng hết các nguồn lực sẵn có như các thiết chế văn hóa cơ sở ở nhiều địa phương trên cả nước. Nếu có cách làm, cơ chế phù hợp, đẩy mạnh hợp tác công - tư thì việc sử dụng sẽ mang lại hiệu quả, tránh được thất thoát, lãng phí.
Văn hóa, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù nên cần được ứng xử bằng các biện pháp, chính sách phù hợp. Vì vậy thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật cần có các chương trình hành động cụ thể, đẩy mạnh truyền thông, đề xuất các cơ chế, chính sách thích hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, để thu hút, kêu gọi nhiều nguồn lực xã hội hơn nữa, phục vụ cho sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Theo La Phù - Báo Nhân dân Online