Tin văn nghệ
Phong cách báo chí Hồ Chí Minh
14:52 | 21/06/2021
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp cho ra đời 9 tờ báo: “Người Cùng Khổ” (1922); “Quốc tế Nông dân” (1924); “Thanh Niên” (1925); “Công Nông” (1925); “Lính Kách Mệnh” (1927); “Việt Nam Tiền Phong” (1927); “Thân Ái” (1928); “Đỏ” (1929); “Việt Nam Độc Lập” (1941); “Cứu Quốc” (1942). Riêng tờ “Người Cùng Khổ”, Người vừa là chủ nhiệm đồng thời là chủ bút, hoạ sĩ biếm họa, thợ rửa ảnh, thủ quỹ, phát hành, bán báo...
 
Phong cách báo chí Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam. Không những vậy, Người còn là một nhà báo vĩ đại, với những tác phẩm báo chí xuất sắc, mẫu mực cho những người làm báo noi theo. Cho đến nay những lời dạy của Người về báo chí vẫn là tài sản quý báu đối với nền báo chí cách mạng nước nhà.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí. Người coi báo chí là vũ khí sắc bén vì vậy Người đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, để vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng.
 
Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên - khởi nguồn cho dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam.
 
Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người đã trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện cách mạng cho thanh niên Việt Nam, và đặc biệt là ra tờ báo Thanh Niên. Báo Thanh Niên ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, ban đầu dự định xuất bản hàng tuần, nhưng do khó khăn khách quan nên không đều kỳ. Thông thường, mỗi số có 4 trang, khổ giấy 18 x 24cm. Về hình thức, phía trên trang nhất trong khung chữ nhật có tên báo bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, ở giữa có ghi số báo, phía dưới tên báo ghi ngày, tháng, năm ra báo. Báo có nhiều chuyên mục phong phú như: Xã hội, bình luận, tân văn, vấn đáp, thi ca, phê bình, trả lời bạn đọc... In xong, báo được chuyển một cách bí mật về nước.
 
Tham gia viết bài cho báo Thanh Niên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là cây bút chủ lực, là linh hồn của tờ báo. Cùng đó là có các cây bút là những chiến sĩ cách mạng như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm... Nội dung chủ yếu của báo Thanh Niên đặt vấn đề đoàn kết: Đoàn kết trong cộng đồng xã hội, đoàn kết dân tộc; nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta trong suốt quá trình lịch sử. Báo tuyên truyền lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản, đề cập những vấn đề về đường lối của cách mạng Việt Nam, trong vai trò “người tuyên truyền cổ động và tổ chức tập thể” như V.I.Lênin đã nói.
 
Ngày 2/6/1950, Chính phủ quyết định cho thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí Quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan, đã công nhận “Hội những người viết báo Việt Nam” là thành viên chính thức của tổ chức này. Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo “Thanh Niên” xuất bản số đầu tiên. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định đổi tên gọi Ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
 
2. Theo các nhà nghiên cứu, sự nghiệp làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh dấu bởi bài báo đầu tiên “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanite ngày 2/8/1919 và khép lại với bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969. Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành, gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng, tất cả đều nhằm mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người sử dụng hơn 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau (chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký và thơ...) đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một nhà báo cách mạng vĩ đại. Những tác phẩm báo chí của Người dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đều có một sắc thái rất riêng, hết sức độc đáo, sáng tạo. Các bài viết của Người bao giờ cũng có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa nhuần nhụy, đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc… Đó chính là phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
 
Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.
 
Người căn dặn, đối với những người viết báo, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới. Người nhắc nhở, không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với nhà báo. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người  nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Người nhắc nhở, viết báo thì cần gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. Người viết báo phải luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ.
 
Những tác phẩm báo chí của Người đều ngắn gọn, súc tích; tập trung vào các thông tin cần thiết nhất với lối viết hấp dẫn. Người hay phê bình cách viết “dây cà ra dây muống”, “tràng giang đại hải” mà nội dung nghèo nàn. Những bài báo Người viết bao giờ cũng ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung định thể hiện.
 
Theo GS.TS Mạch Quang Thắng, viết ngắn mà lại hấp dẫn như những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất khó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một người viết báo bậc thầy về thủ pháp. Bút pháp của Người không lẫn vào đâu được, từ cách dùng từ dân dã, cách dùng hình ảnh, dùng ca dao, tục ngữ (các nhà ngôn ngữ cả ở trong nước và trên thế giới đều cho rằng, tục ngữ chính là sự thể hiện tính chất thông thái của mỗi cộng đồng người). Ngay cả việc viết theo lối hay xuống dòng thì ở Người cũng rất lạ, rất hay sử dụng, đó là cách để người đọc dễ theo dõi, tránh bị mỏi mắt khi đọc những trang ngồn ngộn chữ.
 
Đặc biệt, theo GS Mạch Quang Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao đạo đức của người làm báo. Đạo đức cách mạng của nhà báo phải luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Bài báo viết ra có thể nội dung còn hạn chế, phương pháp thể hiện có thể chưa thật hấp dẫn nhưng không thể và không được phép vi phạm đạo đức cách mạng. Đó là quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là yêu cầu nghiêm khắc đối với những người làm báo cách mạng Việt Nam.
 
Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, càng kính trọng và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, xây dựng và rèn luyện đội ngũ những người làm báo Việt Nam.
 
 
Theo Nam Việt - Đại đoàn kết
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng