Theo tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa thuộc Liên hiệp quốc (UNESCO), phim hình ảnh động là những tư liệu lịch sử quý của mỗi dân tộc và nhân loại vì vậy phim hình ảnh động được coi là di sản văn hóa. Với khả năng phổ biến rộng rãi, gần gũi với thực tế, tư liệu, hình ảnh động có sức lan tỏa nhanh tới mọi đối tượng, vượt qua biên giới đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Bằng những tư liệu, hình ảnh sưu tầm và đang lưu trữ, triển lãm giới thiệu khoảng 120 ảnh bối cảnh quay đặc sắc tại các vùng miền của Việt Nam. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, khung cảnh mênh mông rộng lớn của biển cả, sự huyền bí, lôi cuốn của các hang động, nét tươi mới trù phú của những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang… trên khắp các vùng miền của Việt Nam dưới ống kính của các nhà làm phim đã tạo ra sức hút kỳ diệu trong các thước phim sống động.
Với khả năng truyền tải kỳ diệu qua hình ảnh, hy vọng, điện ảnh sẽ trở thành cầu nối giao lưu văn hóa giữa các nước, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với đông đảo người xem trong nước và quốc tế.
Triển lãm "Di sản tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch Việt Nam" diễn ra đến hết ngày 27/6 tại Viện Phim Việt Nam.
Xem thêm những hình ảnh bối cảnh đặc sắc trong phim Việt Nam và nước ngoài được giới thiệu trong triển lãm:
Ngôi nhà của Pao trong phim "Chuyện của Pao"
Cuộc sống vùng sơn cước của Cao nguyên đá Hà Giang phim "Chuyện của Pao"
Buổi sáng trong lành của Hà Giang trong phim "Cha cõng con"
Huế trầm mặc trong phim "Gái già lắm chiêu"
Phú Yên tươi đẹp trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Bối cảnh tại Ninh Thuận trong phim "Trên đỉnh bình yên"
Vẻ hoang dã, nguyên sơ của sông nước miền Tây trong phim "Mùa len trâu"
Bức tranh thiên nhiên trữ tình của Đồng Tháp Mười hiện ra trong "Cánh đồng bất tận"
Phim "Đông Dương" quay tại Vịnh Hạ Long.
Theo Bảo Anh - Thể thao & Văn hóa