“Về Nguyễn Huy Thiệp” là tập sách mà Liên Việt Books và Nhà xuất bản Dân trí thực hiện trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục: 100 ngày. Tập sách hội tụ những điều đặc biệt như bài viết của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”, bài cuối cùng là “Nói chuyện một mình”, của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết vào dịp trước Tết âm lịch 2020, và cả bài điếu văn vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Các bài viết về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp của nhiều tác giả tên tuổi như các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Lê Minh Hà, Võ Thị Xuân Hà, Vi Thùy Linh, Việt Linh, nhà biên kịch Phan Huyền Thư, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái, nhiếp ảnh gia Đặng Ngọc Thái…, một số tác giả nước ngoài như Marion Hennebert, Peter Zinoman, Thomas A. Bass và Thierry Leclere.
Tập sách được xây dựng không chỉ gồm các bài viết, mà còn bao gồm nhiều tư liệu như những bức ảnh chụp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với bạn bè thơ văn , trong buổi ra mắt sách “Vong bướm”, với gia đình… do Gallery 39 sưu tầm và cung cấp, cùng những bản thảo thơ, tranh vẽ, đĩa hoặc bình gốm vẽ hoặc viết thơ của nhà văn.
Tối 4/7, lần đầu tiên buổi giới thiệu trực tuyến cuốn sách đã diễn ra trên nền tảng zoom và phát trực tiếp trên trang Facebook của nhà văn Di Li. Buổi giới thiệu sách có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà nghiên cứu tên tuổi, các nhà báo, những bạn đọc trong và ngoài nước yêu mến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn Di Li đảm nhiệm công việc dẫn chương trình.
Tập sách là những trang viết đầy ắp cảm xúc thân tình với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, từ những truyện ngắn đầu tiên của ông đến với bạn đọc, tập truyện ngắn đầu tiên của ông, ấn tượng của bạn văn về lần đầu tiên gặp và quen ông… Còn với những tác giả thuộc thế hệ sau này lại là những cảm xúc đặc biệt khi tiếp cận với văn của ông.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà kể lại việc truyện ngắn “Cô gái quàng chiếc khăn xanh” của mình được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khen. Chị viết trong cuốn sách: “Giả sử có bao nhiêu viên kim cương trên đời dùng để đánh dấu những lời tụng ca Nguyễn Huy Thiệp, thì chắc cái giỏ của ông là cái giỏ to nhất, nhiều kim cương nhất…”. “Quả thật ông làm cho bao người mất ăn mất ngủ, vì khoái văn ông quá, không buông cái truyện đang đọc dở xuống được. Văn gì mà lở đồi lở núi lở sông lở suối. Viết gì mà không thèm đủ chuẩn câu ngữ pháp…”
Nói về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhiếp ảnh gia Đặng Ngọc Thái, một trong những người bạn thân thiết của nhà văn chia sẻ: “Những chuyện anh Thiệp viết, càng ngày tôi càng cảm thấy trân trọng kính phục anh, vì bản thân anh là người tinh tế, nhẹ nhàng nhưng rất uyên bác. Những lời trong bài viết của tôi ở cuốn sách là sự tiếc thương của một người bạn, sự tiếc thương của một độc giả”.
Nhà văn Lê Thị Minh Hà chia sẻ: “Ấn tượng của tôi về Nguyễn Huy Thiệp khi đọc hay tiếp xúc với anh, là một con người rất cô độc, rất kiệm lời và để cho người khác nói thay mình. Tôi thấy ít nhà văn nào thực tế như ông. Có thể chính bắt đầu từ khả năng nhìn đời thực tế khiến ông viết như một con dao sắc. Cuốn sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” không phải vì nhân sự kiện một nhà văn nổi tiếng mất đi, mà là cuốn sách của tình bạn, là tình cảm của bạn bè dành cho Nguyễn Huy Thiệp. Ông mang đến cho chúng ta những bài học. Ông là một trong những người mà tôi rất ngưỡng mộ”.
Có mặt trong buổi giới thiệu sách, Giáo sư văn học người Hà Lan Dick Gebuys chia sẻ những cảm nhận đặc biệt của mình khi lần đầu tiên tiếp xúc với văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông cho rằng, đây là một buổi giới thiệu sách đặc biệt, bởi có rất nhiều bạn bè của nhà văn tham gia.
Với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thành Phong, cách nhìn của anh về cuốn sách lại từ một góc khác. Anh cho rằng, cuốn sách này rất kịp thời, cho chúng ta biết thêm về một nhà văn, người đã cho thấy những sự thay đổi của xã hội và làm cho bạn đọc suy nghĩ về điều đó. Văn của ông khiến chúng ta ngẫm nghĩ sẽ sống như thế nào, cư xử như thế nào với nhau.
Nhà báo Nguyễn Thành Phong cho rằng, những cuốn sách như thế này như những bài học cần cho độc giả, họ học hỏi từ những nhà văn. Có những người trẻ, người cầm bút muốn hướng tới con đường văn chương, và họ hiểu được nhiều điều qua cuốn sách này.
Thời gian là nhà phê bình công bằng nhất, như lời của nhà văn Di Li trong buổi giới thiệu sách, và cho đến ngày hôm nay, khi sách của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn được nhiều bạn đọc trẻ tìm đọc, thì nhà phê bình đó đã có câu trả lời cho nhà văn.
Theo Tuyết Loan - Nhân dân Online