Tin văn nghệ
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: Giải Tác giả Trẻ là 'vườn ươm' cho văn học
15:53 | 19/07/2021

“Ở hiện tại, họ là những nhà văn trẻ nhưng 10 năm sau sẽ khác, và nhiều năm sau nữa, họ sẽ là chủ nhân chính của văn học Việt Nam. Cho dù thế hệ chúng tôi bây giờ muốn hay không thì nó vẫn phải đến. Giải Tác giả Trẻ không chỉ khám phá những “hạt giống” của hôm nay mà là “vườn ươm mầm” cho văn học ngày mai”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: Giải Tác giả Trẻ là 'vườn ươm' cho văn học
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (giữa) bày tỏ về triển vọng và ý nghĩa của giải thưởng
Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) chính thức công bố giải thưởng Tác giả Trẻ. Đây là giải thưởng chính thống đầu tiên dành riêng cho những cây bút mới, đồng thời đánh dấu những bước đi đầu tiên trong kế hoạch phát triển nhân lực trẻ của Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa X nhiệm kỳ 2020 - 2025.
 
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa (30/9) là hết hạn nhận tác phẩm. Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội NVVN, Trưởng Ban tổ chức giải.
 
Rà soát lại đội ngũ nhà văn trẻ
 
* Tác giả Trẻ là giải thưởng đầu tiên dành riêng cho những gương mặt mới củaHội NVVN, ông có thể chia sẻ mục đích, ý nghĩa của giải thưởng này?
 
- Giải Tác giả Trẻ ra đời nằm trong hệ thống giải thưởng chính thức của Hội NVVN nhằm phát hiện, tìm kiếm những tài năng trẻ văn chương, từ đó tạo điều kiện, niềm hứng khởi cũng như bằng cách nào đó, giúp những hạt nhân này có lòng tin hơn nữa trong sự nghiệp sáng tác của mình.
 
Người trẻ ngày nay yêu viết rất nhiều, họ sử dụng Facebook, các kênh cá nhân để bày tỏ, chia sẻ những tác phẩm của mình và đó là sự khởi đầu cho hành trình sáng tác.
 
Chính vì thế, chúng tôi muốn tạo ra một sân chơi - ở đó những người trẻ thấy được rằng họ thực sự được quan tâm, thực sự được chú ý, thực sự được trợ giúp và thực sự được tôn trọng dù chỉ là những trang viết đầu đời.
 
Ở hiện tại họ là những nhà văn trẻ nhưng 10 năm sau sẽ khác, và nhiều năm sau nữa, họ sẽ là chủ nhân chính của văn học Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, giải thưởng cũng là một hình thức rà soát lại đội ngũ nhà văn trẻ, bởi họ là lực lượng vô cùng quan trọng cho nền văn học trong tương lai gần. Từ lâu Hội NVVN vẫn theo dõi và hỗ trợ cho các nhà văn trẻ nhưng chỉ ở trong một diện hẹp đó chính là kết nạp họ vào Hội NVVN.
 
Vì thế, các hoạt động dành cho tác giả trẻ trong Hội NVVN vẫn còn rất vắng. Tỷ lệ nhà văn trẻ dưới 40, dưới 30 rất ít, chỉ vài phần trăm. Việc tạo ra một giải thưởng đồng nghĩa với việc tạo ra một đời sống văn chương sôi động, tích cực và hiệu quả.
 
Tôi rất mừng khi giải Tác giả Trẻ được công bố, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi từ khán giả, những người yêu văn học, các cây bút chuyên nghiệp và đặc biệt là thế hệ 8x, 9x - họ đam mê viết và chưa tìm được sân chơi thích hợp để thỏa mãn đam mê của mình. Sự hào hứng này chính là bước đệm đầu tiên trên chặng đường dài phía trước.
 
* Thưa ông, tác phẩm tham dự giải Tác giả Trẻ cần đáp ứng được những tiêu chí nào để đoạt giải?
 
- Một tác phẩm xứng đáng đoạt giải khi nó phải mang lại một giọng nói mới mẻ, một cách viết mới mẻ, và tạo ra sự riêng biệt trong thế hệ của mình.
 
Cùng với đó, họ phải đề cập được những vấn đề lớn của đời sống con người, về tình yêu thương, lòng nhân ái, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ chủ quyền đất nước. Đặc biệt cần tạo dựng tư thế, tư cách con người trong đời sống xã hội mới. Dĩ nhiên tác phẩm vẫn cần đảm bảo hai mặt hình thức và nội dung, mà thông qua nội dung đó, chúng tôi mong muốn thấy được thái độ, trách nhiệm của tác giả trước hiện thực.
 
Một tiêu chí nữa chúng tôi xem xét trao giải chính là yếu tố khám phá. Có thể những nhà văn dưới 35 tuổi họ chưa có một tác phẩm thật hoàn thiện, nhưng sáng tác của họ cho thấy dấu hiệu một cảm quan mới, một tư duy mới, một sự sáng tạo mới, hay tạo ra một khuynh hướng mới hứa hẹn cho một nền văn học tương lai.
 
Chú thích ảnh
Lễ công bố giải thưởng Tác giả Trẻ ngày 06/05/2021 của HNVVN. Nguồn: Internet
 
* Là năm đầu tiên tổ chức giải thưởng, theo ông thuận lợi và khó khăn ở đây là gì?
 
- Thuận lợi là lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi sẽ tạo được một cảm hứng cho cả người tham gia và người chấm giải. Ban chấp hành rất hào hứng, các nhà xuất bản rất hào hứng và những người quan tâm đến văn học đều rất hào hứng. Tôi cho đấy là một điều quan trọng. Và bao giờ cũng vậy, giải thưởng đầu tiên luôn được dựng lên trong sự đợi chờ của bạn đọc, của công chúng và toàn xã hội.
 
Khó khăn là gì? Đó chính là liệu chúng tôi có tìm ra được những tác giả, tác phẩm xứng đáng hay không? Có những nhà văn lâu nay họ cũng không để ý, không quan tâm đến việc xuất bản. Họ vẫn sáng tác nhưng chỉ công bố trên các hội nhóm, kênh cá nhân trong khi chúng tôi chỉ xét những tác phẩm đã xuất bản chính thống trong nước.
 
Quan trọng nhất, đối với những người trẻ đôi khi việc định hình phong cách, định hình một cá tính hoặc tạo ra một sự bề thế, độ dày trong lối viết, kinh nghiệm viết là chưa đạt tới. Cho dù đó là những khó khăn nhưng nó vẫn là một niềm hứng khởi, chúng tôi muốn biến việc trao giải thưởng Tác giả Trẻ thành một gala văn chương. Ở đó những người trẻ sẽ đến, chia sẻ, bày tỏ cũng như trao đổi, tương tác cùng phát triển.
 
Một giải thưởng bao quát và toàn diện
 
* Hiện nay, tại Việt Nam cũng có một số giải thưởng văn học cho người trẻ như giải của Hội Nhà văn TP.HCM hay giải Sách Trẻ. Vậy giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội NVVN có gì khác biệt?
 
- Tất nhiên có sự khác biệt. Khác biệt ở việc mở rộng trong phạm vi toàn quốc, cùng với đó là đứng tên của Hội NVVN. Và tôi chắc chắn, sự đòi hỏi về mặt chất lượng sẽ cao hơn rất nhiều.
 
Tôi vô cùng ủng hộ những cuộc thi về văn chương tại các thành phố, địa phương hay hội nhóm. Tác giả Trẻ sẽ là giải thưởng mang tính chính thống nhất, có sự bao quát toàn diện và không bỏ sót những “hạt giống” tốt.
 
Năm nay tại hạng mục Văn học dịch có một điểm mới. Lâu nay chúng ta chỉ trao giải cho những bản dịch từ văn học nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng với lần đầu tiên này, chúng tôi quyết định trao giải cho cả những dịch giả trẻ dám mạnh dạn chuyển dịch những tác phẩm xuất sắc của Việt Nam ra trường quốc tế.
 
* Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức quá nhiều giải thưởng văn học (dù dành riêng cho thế hệ trẻ) sẽ dần tới tình trạng bão hòa, lượng nhiều chất ít hay đơn giản chỉ là “cuộc diễu hành văn học”, ông nghĩ thế nào về điều này?
 
- Có thể có những điểm đó, nhưng so với các quốc gia khác như châu Âu, châu Mỹ thì số lượng giải thưởng của chúng ta không đáng gì. Riêng nước Mỹ có gần 500 tờ báo, tạp chí liên quan đến văn học nghệ thuật nhưng chúng ta chỉ khoảng vài chục tờ.
 
Tôi cho rằng, các cuộc thi không đơn giản tìm ra người chiến thắng hay những tác phẩm xuất sắc. Mục tiêu xa hơn chính là mang đến cảm hứng, từ cảm hứng sẽ thành phong trào có thể tác động toàn diện đến việc đọc sách, viết sách, trao đổi và hưởng thụ những tác phẩm văn học. Chỉ riêng điều đó thôi đã tạo nên một đời sống văn chương hấp dẫn vô cùng.
 
Hơn nữa, đối với một giải thưởng chính thống luôn có những tiêu chí về chất lượng riêng, sự đánh giá công bằng, minh bạch từ những người có chuyên môn cao. Vì vậy, tôi không e ngại sự bão hòa nào cả.
 
Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (áo đen bên phải) giới thiệu về giải thưởng. Nguồn: Internet
 
* Vấn đề kinh phí tổ chức và duy trì giải thưởng Tác giả Trẻ thì Hội NVVN huy động bằng cách nào thưa ông?
 
- Rất may mắn trong giải thưởng này, chúng tôi đã ký được hợp đồng với một số đơn vị chủ chốt và thỏa thuận tài trợ trong suốt 5 năm. Bỏ qua vấn đề tài chính thì dễ dàng nhận thấy xã hội đang rất quan tâm đến những người trẻ. Họ sẵn sàng đồng hành với chúng tôi trong công cuộc phát triển văn hóa, tinh thần, giáo dục thẩm mỹ cho con người.
 
Tôi tin rằng, sẽ không dừng lại ở một đơn vị hay một cá nhân tài trợ độc lập, sẽ có nhiều Mạnh Thường Quân tại Việt Nam song hành với chúng tôi cho những sự án sắp tới.
 
* Sau khi giải thưởng kết thúc và vinh danh những gương mặt mới, Hội NVVN đã có kế hoạch gì để phát triển những “hạt giống” này hay không?
 
- Chắc chắn là có. Sau khi tìm ra những tác giả được giải, chúng tôi sẽ tìm các cách để động viên họ về tinh thần, trợ giúp họ về điều kiện trong khả năng có thể. Ví dụ đầu tư, đứng ra bảo trợ, xuất bản các tác phẩm tiếp theo hay tạo điều kiện cho các tác giả tiếp xúc với những sự kiện văn hóa, văn học trên thế giới như những liên hoan thơ, hội thảo văn học trong khu vực và trên thế giới.
 
Chúng tôi cũng rất khuyến khích họ trở thành hội viên hội nhà văn và tham gia nhiều vấn đề khác để có thể tích lũy thêm kinh nghiệm, tri thức, mở rộng tầm nhìn.
 
Sự đặt cược không liều lĩnh
 
* Ông có lo lắng rằng độ tuổi dưới 35 sẽ ảnh hưởng tới việc tìm ra những tác phẩm thực sự chất lượng hay không?
 
- Tôi luôn quan niệm tuổi tác không ảnh hưởng tới tài năng. Lịch sử văn học Việt Nam và thế giới là minh chứng rõ nhất. Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ năm bao nhiêu tuổi? Chế Lan Viên viết Điêu tàn năm bao nhiêu tuổi? Xuân Diệu viết thơ năm bao nhiêu tuổi? Họ đều rất trẻ, chỉ 18 - 20 tuổi và đến ngày nay, những tác phẩm ấy vẫn lừng danh.
 
Ngay cả hạng mục khó như lý luận phê bình vẫn có những tác giả trẻ viết rất sâu sắc, mới mẻ. Ở dịch thuật cũng vậy, người trẻ được trang bị ngôn ngữ từ rất sớm, tuy tuổi đời chưa quá ba mươi nhưng họ có thể dịch các tác phẩm lớn về triết học, văn hóa trên thế giới.
 
* Như ông đã từng phát biểu “Ban chấp hành mới của Hội NVVN đặt cược vào những nhà văn trẻ”, sự đặt cược này có quá liều lĩnh hay không?
 
- Đây là đặt cược niềm tin, mà khi đặt cược niềm tin thì đấy là điều không liều lĩnh. Bởi chúng tôi cũng rà soát và nắm được phần nàotình hình sáng tác của khá nhiều những người trẻ. Vấn đề là họ đã in tác phẩm ấy chưa, công bố tác phẩm rộng rãi chưa và làm thế nào để giúp họ in tác phẩm ra nếu tác phẩm đó xuất sắc.
 
Khi giải thưởng được công bố thì một số nơi đã gửi cho tôi khá nhiều bản thảo để xem xét. Riêng với cá nhân tôi, tôi cũng thường xuyên tìm đọc một số tác giả trẻ và thấy rằng nhiều người mới chỉ 18 tuổi nhưng nếu tác phẩm của họ được xuất bản thì rất xứng đáng được trao giải. Chúng tôi luôn tìm kiếm những “mỏ quặng” ở mọi nơi và sẽ cố gắng khai thác nó.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng, trao giải trẻ không có nghĩa là trao cho những tác phẩm hoàn toàn mỹ mãn về mọi mặt. Như tôi nói, chúng ta trao cho những tác phẩm mà có dấu hiệu để trở thành một nền văn học mới, những tác giả có tư chất, phẩm cách cho những vai trò cốt cán.
 
* Thông qua việc đọc và tìm hiểu, ông nhận thấy thế hệ nhà văn trẻ Việt Nam có điểm mạnh và hạn chế gì?
 
- Điểm mạnh của họ là họ được tự do sáng tạo, họ đượcsống trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Và chính sự tự do đó cho họ việc tự do sáng tác, bộc lộ và thể hiện mình.
 
Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay có cơ hội đọc rất nhiều - đây là điều mà ngày xưa chúng tôi không có. Họ thoải mái tìm hiểu các trường phái, các tác giả lớn trên thế giới, điều này có ý nghĩa rất lớn. Thế hệ mới mang đến sự đa dạng trong sáng tạo văn học, tạo ra điểm mới mẻ, lạ lẫm và đột phá. Tôi tin bằng trải nghiệm và kinh nghiệm mỗi ngày, họ sẽ hoàn thiện bản thân và tác phẩm một cách tốt hơn.
 
Về điểm hạn chế, tôi nhận thấy có những trang viết vô cùng tinh tế, vô cùng giỏi nhưng mà ở đó lại không hướng tới một điều lớn lao. Họ bộc lộ cái tôi nhỏ bé, thậm chí ích kỷ. Sự tiến bộ trong văn phong, ngôn ngữ, kỹ thuật là tốt, nhưng cái rung cảm trong đời sốngvà muôn điều khác dường như lại bị giảm đi. Nếu một tác phẩm văn học không chứa đựng nguồn cảm hứng lớn lao, thái độ trách nhiệm của nhà văn với cộng đồng thì sẽ làm tác phẩm ấy sẽ dễ rơi vào quên lãng.
 
* Ông có lời khuyên gì tới các bạn trẻ - những người đang trên con đường thực hiện giấc mơ trở thành nhà văn không?
 
- Hãy sống hết mình và viết một cách tự do nhất. Tác phẩm văn học là sự tổng hòa của một lối sống, cảm hứng sống, tư duy, những giấc mơ và trách nhiệm. Nếu bạn sống hời hợt thì tác phẩm sẽ hời hợt. Nếu bạn không có cảm hứng tận cùng thì sẽ không bao giờ viết ra những trang văn đẹp. Nếu bạn không nhân văn thì sẽ không thể nào chạm tới trái tim của mỗi con người.
 
Hãy sống với cảm hứng lớn nhất! Ước mơ lớn nhất! Và mang trách nhiệm cao nhất để viết ra những tác phẩm đáng để bản thân tự hào nhất!
 
Giải thưởng Tác giả Trẻ
 
Giải thưởng Tác giả Trẻ bao gồm 4 hạng mục: Thơ, Văn xuôi, Lý luận - phê bình và Văn học dịch. Tác phẩm xét giải phải là của 1 tác giả, đã in thành sách được xuất bản và lưu hành tại Việt Nam từ ngày 1/10 năm trước đến ngày 30/9 năm xét giải. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh. Tác phẩm nhiều tập chỉ được xét giải khi đã xuất bản trọn bộ.
 
Tác phẩm dự xét giải gửi về Ban Sáng tác - Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam nhận tác phẩm tham dự từ ngày 6/5/2021 đến hết ngày 30/9/2021.

 

Theo Hiền Lương - Thể thao & Văn hóa

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng