Triển lãm đầu tiên của họa sĩ Phạm Lực tại Nha Trang: “Tình biển - tình người” đánh thức nghệ thuật thị giác
“Tôi vẽ bằng…chính tôi!”
Họa sĩ Phạm Lực kể lại 20 ngày ở Nha Trang, sáng tác không ngừng nghỉ: “Có lúc vẽ từng tranh, vẽ bằng cảm xúc bất chợt, vẽ lại những gì vừa nhìn thấy…, nhưng nhiều lúc tôi căng toan lên vài chục giá vẽ, cứ thế miệt mài trút hết cảm xúc xuống…cây cọ! Tôi đã thức suốt đêm, hào hứng vẽ. Nhưng cũng có lúc bí, lặng ngắm những bức tranh dang dở, cảm xúc bỗng trào dâng; đó là lúc lại xuất hiện nhưungx hình ảnh, bố cục mới; tôi tạm dừng vẽ tranh này để vẽ tiếp tranh khác….”
Phạm Lực đã làm việc kiểu như vậy, cho nên tranh của ông dâng đầy cảm xúc và căng tràn sức sống. Dù thể hiện đề tài nào, tinh thần sáng tạo của Phạm Lực cũng rất mạnh mẽ và trực diện. Từng là người lính, xông pha trên chiến trường chỉ với cái bao bố và giá vẽ, Phạm Lực tự bạch: “Nghệ sĩ-chiến sĩ là phẩm chất con người tôi.Tôi có thể sáng tác ở bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, không phác thảo, không trau chuốt, mọi thứ hiện lên trong tranh y như cuộc đời vốn thế, rất cụ thể mà đầy ẩn dụ”.
Giới nghiên cứu phê bình và báo chí nhận xét Phạm Lực là một trong những tài năng có cá tính hội họa ấn tượng bậc nhất Việt Nam. Ở tuổi 74, ông đã “đi qua” gần 30 cuộc triển lãm lớn trong nước và quốc tế. HS Phạm Lực vẽ rất nhiều tranh và thể hiện nhiều phong cách, nhưng dù là ấn tượng, hậu ấn tượng, trừu tượng, hiện thực hay siêu thực; dù vẽ tranh mầu nước, sơn dầu, khắc gỗ, tranh lụa hay sơn mài…; chủ đề trong tranh của ông gắn liền với những sinh hoạt dung dị của con người và thẫm đẫm tình người. Đặc biệt, ông vẽ rất nhiều tranh phụ nữ và phụ nữ trong tranh Phạm Lực ở bất cứ lứa tuổi nào, làm bất cứ việc gì, nhất là ảnh nude, luôn luôn hiển hiện vẻ đẹp nữ tính, cao quí và đầy mê hoặc.
Tình biển, tình người…
Chủ đề cuộc triển lãm lần này là “Tình biển”, hẳn nhiên tất thảy những đứa con tinh thần của HS Phạm Lực đều được “thai nghén và chào đời” dựa trên cảm xúc về biển mà trước hết đó là tình yêu của ông dành cho biển và người miền biển.
Một chiếc thuyền câu vững chãi, một phiên chợ cá ồn ào, những chuyến ra khơi đầy giông bão, một mái ấm gia đình lung linh hạnh phúc…hay những buổi chiều trên bãi biển ngập tràn tiếng cười, dịu dàng vòng tay, rộn ràng tiếng sóng và mênh mang hải âu tung cánh giữa lưng trời…; đó là hình tượng biển trong cuộc triển lãm đầu tiên HS Phạm Lực tại TP biển Nha Trang.
Phần lớn tranh trong số 74 tác phẩm thể hiện những chấm phá nổi bật về cuộc sống lao động, sinh hoạt đời thường của cư dân vùng biển và du khách ở thành phố biển. Dù số lượng không nhiều, nhưng công bằng mà nói, mảng tranh ông vẽ hoa và phụ nữ thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng, bởi đó là những tác phẩm khá hoàn hảo từ màu sắc đến bố cục, nội dung…, toát lên tinh thần và tấm lòng người nghệ sĩ.
Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Dường như họa sĩ Phạm Lực không bỏ qua điều gì và tất cả những gì đọng lại trong tâm trí ông đều có thể hóa thành tác phẩm nghệ thuật. Bằng trực giác, người xem có thể đọc và hiểu ngôn ngữ thị giác của Phạm Lực. Kể cả khi đứng trước những bức tranh đầy ẩn dụ như “Cá nằm trên thớt”, “Bạch tuộc đỏ”, “Mẹ biển”, “Hải âu bay lên”…mọi người đều đều cảm nhận được những triết lý sâu xa về nhân sinh. Và, đó chính là nỗi ám ảnh luôn đau đáu trong lòng Phạm Lực và cũng là bút pháp mạnh mẽ và tinh tế của họa sĩ.
Ở Việt Nam, đến thời điểm này, Phạm Lực là họa sĩ duy nhất có câu lạc bộ fan. Nhiều năm qua, khoảng hơn 100 người thường xuyên sưu tập tranh Phạm Lực đã đồng hành cùng họa sĩ trong nhiều cuộc triển lãm tranh. Lần này, doanh nhân Phạm Hà ( người sáng lập Emperor Cruises Nha Trang và Hạ Long) đã hợp tác với họa sĩ Phạm Lực để đáp lại sự mong đợi của du khách – triển lãm tranh của HS Phạm Lực tại KS Sunrise Nha Trang là bước khởi đầu, chuẩn bị mở gallery ở thành phố du lịch, giới thiệu tranh của các nghệ sĩ nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của công chúng, cùng tôn vinh cái đẹp.
Họa sĩ Phạm Lực sinh ở Huế vào năm 1943 và lớn lên ở Hà Nội. Ông là một trong những họa sĩ chính thức của quân đội Việt Nam và nhận được giải thưởng nghệ thuật do Bộ Quốc Phòng trao tặng năm 1990. Hiện ông vẫn sống ở Hà Nội và là một trong những họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Các tác phẩm của ông được trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Đức, Mỹ, Úc, Singapore, Nhật và Nga. Tranh Phạm Lực được lưu trữ trong nhiều bộ sưu tập của Viện bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng mỹ thuật của một số nước trên thế giới.
HS Phạm Lực vẽ ký họa chân dung để đáp lại sự hâm mộ của du khách ảnh: B.C
Ông Năm Yersin trong tranh Phạm Lực ảnh: B.C
Theo Bảo Chân - Báo Lao Động Online