Tâm huyết với âm nhạc dân tộc, trước khi giã biệt cuộc đời ngày 24.6.2015, GS.TS. Trần Văn Khê đã tiến hành lập vi bằng về di nguyện của ông, trong đó có việc thành lập quỹ học bổng để khuyến khích học sinh, nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.
Gần 6 năm sau, quỹ mới chính thức ra đời. Theo bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, Phó Giám đốc Quỹ học bổng Trần Văn Khê: “Yêu quý bác Khê, yêu quý âm nhạc dân tộc, chúng tôi quyết tâm thực hiện ý nguyện của bác. Qua một thời gian dài tìm kiếm nguồn lực, năm 2019, nhóm thân hữu Trần Văn Khê đã nhận được sự hợp tác tâm huyết và mạnh mẽ của Ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang chịu trách nhiệm thành lập quỹ”.
Sau 4 lần điều chỉnh hồ sơ, tháng 3.2021, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ học bổng Trần Văn Khê. Quỹ học bổng Trần Văn Khê là quỹ xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cổ vũ, giúp đỡ các sinh viên chuyên ngành âm nhạc dân tộc có thành tích cao trong học tập và các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ có công trình, tác phẩm và hoạt động nổi bật góp phần gìn giữ, phát huy giá trị âm nhạc dân tộc Việt Nam trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Xét tặng giải thưởng, học bổng hàng năm
Theo bà Nguyễn Thế Thanh, Quỹ sẽ tiến hành xét và tặng Giải thưởng Trần Văn Khê, Học bổng Trần Văn Khê hàng năm. Việc xét tặng Giải thưởng Trần Văn Khê cho các cá nhân sẽ được thực hiện luân phiên theo từng khu vực Nam, Trung, Bắc. Năm 2021 sẽ xét tặng giải cho các cá nhân hoạt động âm nhạc truyền thống Nam Bộ. Dựa trên giới thiệu của những người có uy tín trong giới âm nhạc dân tộc, Hội đồng chuyên môn của Quỹ sẽ xét trao giải thưởng cho các cá nhân dựa trên những tiêu chuẩn như: Có sách, công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc; giảng dạy về âm nhạc dân tộc, có sinh viên có thành tựu; có biểu diễn thành công; thành lập được nhiều câu lạc bộ để quảng bá, khuyếch trương nhạc dân tộc và được ghi nhận...
Theo kế hoạch, lễ trao Giải thưởng Trần Văn Khê lần thứ nhất sẽ diễn ra đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS. TS. Trần Văn Khê (24.7), cùng với hoạt động ra mắt Ban sáng lập và Hội đồng Quản lý Quỹ, biểu diễn nghệ thuật của các thế hệ nghệ sĩ thuộc lớp học trò của GS. TS. Trần Văn Khê... Tuy nhiên, do thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống Covid-19, chương trình đã tạm hoãn. Dự kiến, các hoạt động này sẽ được tổ chức vào tháng 11, dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11), cùng với hội thảo “Trần Văn Khê với các giá trị truyền thống và đương đại”.
Việc vận động duy trì một quỹ liên quan đến âm nhạc dân tộc khó khăn hơn rất nhiều so với các loại hình khác. “Bên cạnh sự trợ giúp của Trường Đại học Văn Lang, chúng tôi phải tính toán số suất giải thưởng, học bổng hàng năm, mức giải thưởng, học bổng. Ngoài nguồn quỹ ban đầu, chúng tôi sẽ có các hoạt động gây quỹ” - bà Nguyễn Thế Thanh cho biết.
Chẳng hạn, Quỹ đang kêu gọi quyên góp từ việc bán sách "Trần Văn Khê - Tâm và Nghiệp”, gồm 37 bài viết của 35 tác giả là người thân, đồng nghiệp, bạn bè thân thiết, học trò của cố giáo sư như: GS. TS. Trần Quang Hải, NSND Bạch Tuyết, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, giáo sư triết học Thái Kim Lan... Quỹ cũng dự kiến sẽ tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc chất lượng cao; tổ chức hội thảo... Trong tương lai, Quỹ dự kiến thành lập câu lạc bộ Bạn của Trần Văn Khê để gây quỹ thường xuyên; mở không gian Trần Văn Khê, trưng bày về âm nhạc dân tộc, về đóng góp của ông, có các buổi biểu diễn thường xuyên, định kỳ âm nhạc dân tộc, có thể tổ chức giao lưu âm nhạc dân tộc Việt Nam và các nước...
“Với những nỗ lực ấy, chúng tôi hy vọng Quỹ học bổng Trần Văn Khê sẽ góp sức, cùng với các trung tâm giáo dục - đào tạo âm nhạc truyền thống, phát hiện, tôn vinh những người có đóng góp cho nhạc dân tộc; góp phần cổ vũ duy trì, giữ gìn và phát huy, quảng bá giá trị riêng có, độc đáo của âm nhạc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” - bà Nguyễn Thế Thanh chia sẻ.
Theo Ngọc Phương - Đại biểu Nhân dân