Sau hai năm ra trường mà chưa định hình cách vẽ, cha mẹ thì gặp khó khăn nhất thời, nên Đỗ Quang Em sống vất vả. Ông tồn tại bằng vẽ tranh bờ hồ, giúp học sinh luyện thi, giúp sinh viên mỹ thuật - kiến trúc làm bài tập về nhà…
Đỗ Quang Em dành dụm được ít tiền, mua chiếc ghe chèo cũ, bỏ lên đó 20 bức tranh và muốn bí mật chèo đến Paris. Ông nói rằng mình muốn tìm cơ hội sáng tạo, 20 bức tranh bán sẽ đủ ổn định trong vài năm đầu để xâm nhập vào môi trường nghệ thuật ở Pháp. Nhưng mới ra khỏi cửa biển vài chục hải lý, sau bảy ngày lênh đênh, gặp gió to và sóng lớn, ông bị rơi xuống biển, ghe và tranh trôi mất. Rất may ông được Hạm đội 7 của hải quân Mỹ - trên đường từ lãnh thổ Hong Kong đến Singapore - vớt lên và thả về đảo Côn Sơn. Sau đó, bị giải về Sài Gòn và nhốt hơn một tháng, ra tòa, ông tự biện hộ mình vô tội, rằng chỉ muốn đi tìm cảm hứng sáng tác, nhưng gặp bão cuốn, chứ ghe chèo thì sao qua nước ngoài cho được. Ông trắng án và được tự do, với điều kiện phải nhập ngũ; trong thời gian nhà binh, ông đào ngũ ba lần, cả ba lần đều bị bắt vào tù.
Tác phẩm “Tự họa” (sơn dầu trên toan, 65,5cm x 76,5cm, 2006). Từ sau năm 2005, khi tay bắt đầu run nhiều, ông thường vẽ chân dung tự họa
Năm 1968, vẫn trong thời gian nhà binh, cha mẹ ở nhà sắp đặt hôn nhân cho ông với một cô dâu chưa từng gặp mặt. Nhưng rồi họ sớm nên vợ chồng thật sự, đến năm 1975 thì đã có ba gái một trai, cả gia đình sống phiêu dạt theo kiểu nhà binh kết hợp với họa sĩ.
Đó cũng là cuộc hôn nhân đầu tiên và duy nhất của Đỗ Quang Em, họ đã sống với nhau đến ngày qua đời. Phần lớn các chân dung là Đỗ Quang Em vẽ vợ, các con và chỉ một ít người quen thân nhờ vẽ.
Tác phẩm “Tĩnh vật với đèn dầu” (sơn dầu trên toan, 65,5cm x 76,5cm, 2006). Tĩnh vật là một trong vài chủ thể mà Đỗ Quang Em theo đuổi từ năm 1971 đến mấy năm cuối đời
Từ năm 1980, ông sống tại TP.HCM tới cuối đời. Năm 1981, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã mời ông tham gia triển lãm, rồi kết nạp thành hội viên.
Một điển hình của phương pháp sáng tối
Nhà phê bình mỹ thuật Terence Rodrigues (từng dạy Đại học Oxford, từng là giám đốc của Christie's) viết: “Đỗ Quang Em là một trong số ít họa sĩ Việt Nam vẽ được những bức chân dung ba chiều thuyết phục theo phong cách châu Âu, ông luôn cho ánh sáng và bóng râm truyền tải chiều sâu. Hầu hết các họa sĩ tạo hình Việt Nam có xu hướng vẽ các nhân vật theo lối cách điệu hoàn toàn, hoặc theo lối phẳng, hoặc theo truyền thống hội họa Trung Quốc. Đỗ Quang Em thì không”.
Tác phẩm “Tĩnh vật” (sơn dầu trên toan, 65cm x 80cm, 1972) là cột mốc sớm về phương pháp chiaroscuro (sáng tối) của Đỗ Quang Em. Từ khi ra trường cho đầu năm 1970, Đỗ Quang Em vẫn còn ảnh hưởng Nguyễn Trung một chút xíu, nhưng từ 1971 thì đã tìm ra phương pháp mà ông vẽ đến cuối đời
Phong cách mà Terence Rodrigues đề cập chính là chiaroscuro (sáng tối) từ cách vẽ sơn dầu nhiều lớp, vốn thường thấy trong hội họa cổ điển châu Âu. Trong một bài viết về chiaroscuro, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng phân tích: “Kỹ thuật chiaroscuro (trong đó chiaro là sáng, oscuro, hoặc scuro là tối - tiếng Ý) là kỹ thuật nền tảng giúp tạo ra trên một bề mặt hai chiều ảo giác nổi về hình khối do ánh sáng phản xạ trên người, vật, nhằm mô phỏng các hiệu ứng mắt người nhìn thấy trong không gian thực ba chiều”.
“Sự thành thạo đến từ việc đào tạo nghiêm ngặt mà ông ấy nhận được tại trường mỹ thuật, cũng như nhiều năm nỗ lực tỉ mỉ, mỗi ngày ông vẽ ba tiếng vào buổi sáng và ba tiếng rưỡi vào buổi chiều. Nghệ thuật của ông là sự chăm chỉ, không khác gì tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy cũ của châu Âu. Ông luôn vẽ về đời thường, thường dành nhiều thời gian để định vị các đồ vật và bố cục, đánh dấu vị trí chính xác trên sàn nhà bằng băng keo và sử dụng đèn chiếu mạnh để tạo ra các chiaroscuro sắc nét” - Terence Rodrigues phân tích.
Tác phẩm “Vợ họa sĩ” (sơn dầu trên toan, 80cm x 64cm, 1975) phô bày kỹ thuật sáng tối một cách tinh tế
Chính phương pháp vẽ sáng tối - vốn được truyền cảm hứng từ họa sĩ Caravaggio (1571-1610) mà Đỗ Quang Em thần tượng - đã làm cho tranh ông sớm được các nhà sưu tập châu Âu ưa thích. Thời kỳ Đổi mới (từ 1986), khi các sứ quán, giới ngoại giao và thương mại đến Việt Nam nhiều hơn, tranh của Đỗ Quang Em đã thu hút được họ.
Ngày 29/11/1994, báo The New York Times đưa tin về bức Tôi và vợ tôi (vẽ năm 1989) đã bán tại Mỹ với giá là 70.000 USD. Hiện nay, trên thị trường, nhiều tác phẩm của Đỗ Quang Em đã có giá từ 100.000 đến 200.000 USD, nên tương lai tiền triệu là điều có thể hình dung ra được. |
Theo Văn Bảy - Thể thao & Văn hóa