Nghệ sĩ trình diễn trong nhà hát không khán giả, tại chương trình San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch
Thắp lên ngọn lửa nhân ái
Cháy lên là một trong những chương trình khởi đầu cho chùm chương trình nghệ thuật online mang chủ đề San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch - được thực hiện nhằm mục đích tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch Covid-19, cũng như góp thêm món ăn tinh thần đến tất cả khán giả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Biểu diễn trên sân khấu rộng không có dàn nhạc, không múa phụ họa, một mình trên sân khấu rộng lớn đối diện với những hàng ghế trống, song điều đó cũng không ngăn cản được nghệ sĩ thăng hoa, “cháy” hết mình cùng nghệ thuật.
Cháy lên đã được thực hiện dưới hình thức livestream tại 5 điểm cầu: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Tham gia chương trình với vai trò của người dẫn dắt, NSƯT Xuân Bắc cho biết, dù đã nhiều lần nghệ sĩ tham gia các chương trình truyền hình trực tiếp biểu diễn phục vụ hàng vạn khán giả, song tham gia chương trình nghệ thuật online ở thời điểm này, tất cả mọi người đều hồi hộp và xúc động. Đã có gần 20.000 người theo dõi buổi diễn và hàng trăm bình luận xúc động ở dưới livestream: “Cháy lên hết mình các nghệ sĩ nhé để đưa nghệ thuật gần hơn với khán giả”, “Lâu không được xem chèo, hay quá!”; “Cảm ơn các nghệ sĩ!”…
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông, chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến này sẽ được thực hiện theo nhiều format khác nhau để hướng tới nhiều đối tượng người xem. Qua các chương trình nghệ thuật, Bộ VH-TT-DL mong muốn quy tụ nhiều gương mặt văn nghệ sĩ không chỉ ở trong nước mà còn đang hoạt động ở nước ngoài trong các lĩnh vực nghệ thuật với nhiều dòng bác học, cổ điển, truyền thống và đương đại… Họ đang là những hạt nhân tích cực tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Vượt qua rào cản kỹ thuật
Nghệ sĩ nào cũng mong muốn được biểu diễn trực tiếp trước khán giả, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ là đòi hỏi bắt buộc. Từ chỗ là “giải pháp tình thế” cho những ngày đầu thực hiện giãn cách chống dịch Covid-19, các buổi biểu diễn trực tuyến giờ đây đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống tinh thần của người dân. Đặc biệt, nhờ sự sáng tạo không ngừng trong cách thực hiện, nhiều chương trình còn giúp tạo ra sức kết nối mạnh mẽ.
Khán giả quen thuộc với những buổi diễn trực tuyến của Tùng Dương, Tuấn Hưng… gây quỹ chung tay cùng người dân Bắc Giang, Bắc Ninh, TPHCM chống dịch. Quy mô hơn là chương trình Chia sẻ để gần nhau hơn của VTV thực hiện đã mang đến ấn tượng cho công chúng về một chương trình hòa nhạc theo phương thức trực tuyến quốc tế với nhiều điểm cầu Australia, Mỹ, Anh, Singapore… Tại thời điểm này, với sự chung tay của các đơn vị, nhà hát lớn, chuỗi chương trình San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức cũng được kỳ vọng sẽ trở thành món ăn tinh thần quen thuộc với người dân trong những ngày đặc biệt này.
Biểu diễn trực tuyến là giải pháp tối ưu, song không phải bất cứ chương trình nào chỉ cần đưa lên mạng, livestream là thu hút được người xem. Ví dụ rõ ràng nhất là chương trình San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch số đầu tiên ngày 28-7 với 5 điểm cầu Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Bình Thuận, Paris (Pháp) dù có lợi thế được sự ủng hộ của truyền thông, nhưng đã thất bại khi chỉ ghi nhận vài chục người xem. Nguyên nhân được chỉ ra là do sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, chưa làm chủ được công nghệ và thiếu hấp dẫn trong cách thể hiện, dẫn dắt khán giả…
Cùng với việc tìm giải pháp để vượt qua những rào cản về kỹ thuật, nhằm đưa nghệ thuật lại gần khán giả hơn, lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa của chương trình, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, cục sẽ phối hợp với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật xây dựng nhiều khung chương trình đa dạng để tạo thành chuỗi chương trình đa dạng. Xen kẽ với những buổi biểu diễn tổng hợp, lồng ghép ca múa nhạc đương đại với nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương là các chương trình chuyên đề dành cho nghệ thuật cổ điển như nhạc thính phòng, vũ kịch, giao hưởng…
“Trong những ngày này, mở mạng ra, được xem những chương trình trực tuyến với nhiều tên tuổi lớn của nền nghệ thuật nước nhà, là niềm vui với khán giả yêu nghệ thuật. Trong khó khăn, đó còn là sự động viên rất lớn cho những nghệ sĩ, mà chúng tôi biết rằng họ khát khao biết bao khi được trở lại sân khấu, dù chỉ là một khán phòng vắng lặng”, chị Trần Nguyễn Anh (ngụ phố Cầu Gỗ, Hà Nội), chia sẻ.
Theo Mai An - SGGP Online