Tin văn nghệ
Vĩnh biệt “sếp Bằng”!
08:21 | 02/11/2016

Thông tin về việc NSƯT Phạm Bằng mắc trọng bệnh được gia đình giữ kín và mới chỉ được bạn bè, đồng nghiệp, công chúng biết vài ngày gần đây, khi ông đã có dấu hiệu bình phục. Vì thế, tin nghệ sĩ Phạm Bằng đột ngột qua đời vào tối qua 31-10 đã khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Người nghệ sĩ gạo cội "đóng đinh" với những vai "sếp" ấn tượng đã vĩnh viễn ra đi.

Vĩnh biệt “sếp Bằng”!
Nét giản dị, chân chất nhưng rất hài hước qua các vai diễn của NSƯT Phạm Bằng đã in dấu trong lòng khán giả
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông từng theo học Cao đẳng Giao thông Công chính trước khi gia nhập Đoàn Văn công Hà Nội, sau đó trở thành diễn viên của Đoàn Kịch Hà Nội.
 
Năm 1993, nghệ sĩ Phạm Bằng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
 
Ông được biết đến nhiều nhất qua chương trình Gặp nhau cuối tuần của Đài Truyền hình Việt Nam cùng nhiều tiểu phẩm hài khác. Từ năm 2006 đến 2010, nghệ sĩ Phạm Bằng xuất hiện thường xuyên trên các chương trình truyền hình, và "đóng đinh" với các vai sếp. Bởi vậy, khi hay tin ông mất nghệ sĩ Công Lý bùi ngùi nói lời tiễn biệt ông: "Tạm biệt anh. "Sếp" Bằng".
 
Nghệ sĩ Phạm Bằng từng đoạt 2 huy chương vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc với vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và vai Thương trong Mớ đời Thương. Với điện ảnh, ông ghi dấu trong phim Ngày lễ thánh, Đất mẹ.
 
Nhắc đến Phạm Bằng là nhắc đến hình ảnh về một người nghệ sĩ giản dị, chân chất nhưng rất hài hước, điều ấy đã in dấu trong lòng khán giả.
 
Đạo diễn Khải Hưng, người gắn bó với nghệ sĩ Phạm Bằng suốt 8 năm trong thời gian làm chương trình Gặp nhau cuối tuần, biết bạn yếu, nằm viện mấy hôm nay nhưng khi nghe tin bạn mất, ông không tránh khỏi cảm giác sốc và xót xa.
 
Trong ký ức của Khải Hưng, nghệ sĩ Phạm Bằng lớn tuổi nhưng chưa từng nề hà việc gì, ông luôn là người đàn anh mẫu mực, người góp phần làm nên thành công của series hài nổi tiếng một thời.
 
"Anh ấy vào vai giám đốc, bắt đầu từ số đầu tiên tới số cuối cùng. Các diễn viên trẻ đều gọi anh ấy là "bố Bằng", nhiều người bấu víu vào tên tuổi của anh ấy mà lên. Về sau này, anh ấy già, đi lại mất thời gian, đọc lời thoại rất chậm nhưng ai cũng muốn kéo anh ấy vào, phần vì tên tuổi, phần vì sự yêu mến với anh ấy", đạo diễn Khải Hưng nhớ lại.
 
Là một trong những người đầu tiên nhận được tin về sự ra đi của nghệ sĩ Phạm Bằng, NSƯT Chí Trung chia sẻ: "Chúng cháu vĩnh biệt bác, người nghệ sĩ của nhân dân". Cùng với lời vĩnh biệt, NSƯT Chí Trung đã đăng ảnh và lời trích dẫn của NSƯT Phạm Bằng, như một lời khẳng định đạo làm nghề của người làm nghệ thuật chân chính: "Có thể mọi thứ rồi sẽ qua đi. Chỉ có vượt qua năm tháng bằng tiếng cười, là vẫn còn bền chặt và bất tận"…
 


NSƯT Phạm Bằng qua đời ngày 31-10-2016, hưởng thọ 85 tuổi

Diễn viên hài Vượng râu, một người đã có nhiều vai diễn chung với nghệ sĩ Phạm Bằng, đau đớn viết: "Vài năm trở lại đây, với chuyện cơm áo gạo tiền, công việc, con cũng ít gặp bố hơn. Từ đầu năm con đã có ý định trân trọng mời bố một vai diễn trong phim hài Tết. Bố hào hứng nhận lời, nhưng gần đến ngày quay bố vẫn nghe điện thoại và bảo mình bận quá. Đang quay quảng cáo ở trong miền Nam. Thế rồi đùng một cái biết tin bố bị bệnh nhưng bố không nói, chưa kịp sắp xếp thời gian thăm bố. Tối hôm qua con còn còn bàn với mọi người việc mời bố diễn và trao quà cho bố vào đêm gala Tết Vạn Lộc 2. Vậy mà 8 giờ tối nay khi hay tin, con đã sốc thực sự, buồn lắm bố Bằng ạ! Nhiều anh chị em nghệ sĩ chúng con nhớ bố lắm. Bởi bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu điều học hỏi từ những thế hệ như bố mà chúng con vẫn ngưỡng vọng noi theo. Vậy là bố xa cõi tạm, bố về miền cực lạc rồi! Bố chẳng có gì để lại ngoài nụ cười an nhiên và cái tên gắn liền với "Sếp Bằng”. Chia tay bố! Chúng con rất buồn!"
 
Trên trang cá nhân của mình, MC Thảo Vân cũng đã có những dòng chia sẻ nghẹn ngào: "Chú à, cháu còn chưa kịp đến thăm chú, chú vẫn bảo sẽ khỏe để đi đóng hài tiếp cơ mà... Sao chú đi vội thế... Cháu biết chú muộn, mãi sau này, khi bước vào ngôi nhà chung Gặp nhau cuối tuần, nhưng từng ấy thời gian cũng đủ để chú cháu mình hiểu nhau nhiều chú nhỉ, bởi đâu phải chỉ qua những chương trình ghi hình, nó còn là bao nhiêu đêm rong ruổi khắp các tỉnh xa gần phục vụ bà con, kỷ niệm làm sao kể hết... Cháu thật sự không muốn những trang kỷ niệm đong đầy vui buồn của chính cháu, của khoảng thời gian ấy, cứ mỏng đi, cùng với sự ra đi của những người từng gắn bó, bởi với cháu, đâu chỉ là Găp nhau cuối tuần... Những năm tháng ấy thật sự xa rồi... Nghẹn... Chú an nghỉ nhé chú!".
 
Theo Mai An - SGGP Online

 

Các bài mới
Các bài đã đăng