Tin văn nghệ
Khai mạc triển lãm "Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới"
08:32 | 07/11/2016

Triển lãm "Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới" vừa chính thức khai mạc vào chiều ngày 03/11 tại Trung tâm Giao Lưu văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã tới dự.

Khai mạc triển lãm "Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới"
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm

Triển lãm do Hội quán Di sản và Cirle Group tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp Club UNESCO Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL, ghi nhận và biểu dương Hội quán Di sản Việt Nam trong sáng kiến tổ chức, trưng bày, giới thiệu quảng bá những di sản văn hóa Việt Nam. Là một trong những sự kiện chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 2016, Thứ trưởng mong muốn và hy vọng đây là điểm chấm phá cũng là điểm mở đầu của những cuộc trưng bày tiếp theo nhằm giới thiệu quảng bá về di sản văn hóa của Việt Nam đối với người dân trong nước và bạn bè quốc tế, giúp họ ngày càng hiểu hơn về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu được phục dựng, mô phỏng, thiết kế từ những bảo vật quốc gia, những hiện vật tiêu biểu của từng triều đại phong kiến Việt Nam (xa nhất là thời Lý và gần nhât là thời Nguyễn).

Đến với triển lãm, công chúng trong và ngoài nước lần đầu tiên được thưởng ngoạn “Pho tượng Phật hoàng gia” - bảo vật Quốc gia tượng A-Di-Đa được phục dựng hoàn chỉnh với tỉ lệ nhỏ nhất.

Cùng với đó, những đồ án đồ gỗ nội thất mang dấu ấn thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Mạc cũng lần đầu tiên ra mắt trong bộ sưu tập được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm.

Bên cạnh đó là hàng loạt những sản phẩm có tính ứng dụng cao dựa trên nền tảng chất liệu sơn mài, gỗ, đồng..  là những hoa văn,  họa tiết đặc trưng Việt Nam.

Triển lãm “Di sản Việt Nam - Góc nhìn mới” không chỉ dừng lại ở trưng bày một cách chân thực nhất các hiện vật đã được phục dựng hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cha ông ta xa xưa mà còn phát triển thành sản phẩm nghệ thuật tinh tế mang tính thực dụng và tính thẩm mỹ cao.

Triển lãm tạo ra cầu nối giữa quá khứ và hiện đại với các di vật đã được phục dựng và để biến đổi cho phù hợp với xu thế thời đại, mong muốn cho các hiện vật ấy dần đi vào đời sống, được trân trọng. Đây cũng là một cách để Văn Hóa Việt tiếp tục tồn tại và phát triển theo dòng chảy của thời đại.

Một số hình ảnh trong lễ khai mạc triển lãm:

Theo Anh Vũ - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các bài mới
Các bài đã đăng