Tin văn nghệ
100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy: 'Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời'
15:33 | 06/10/2021
Là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy có số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có nhiều ca khúc đã trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam qua nhiều thế hệ.   
 
100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy: 'Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời'
Nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy sinh vào ngày này cách đây 100 năm, ngày 5/10/1921.
 
Một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam
         
Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921, tại phố Hàng Cót, Hà Nội, trong một gia đình nhà văn. Từ nhỏ, ông đã biết chơi guitar, mandolin. Tình yêu âm nhạc đã thôi thúc chàng thanh niên Phạm Duy tự mày mò học nhạc cổ điển, rồi tập sáng tác dù chưa từng học qua một trường lớp âm nhạc nào.   
 
Nhạc sĩ Phạm Duy là người khởi xướng, định hướng nhiều trào lưu, phong cách mới cho âm nhạc hiện đại Việt Nam, đặc biệt là trong thể loại tình ca, viết về tình yêu con người, tình yêu quê hương và đất nước. Nhạc của ông thanh thoát, nhẹ nhàng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc cổ truyền Việt Nam với âm nhạc hàn lâm phương Tây, tạo nên một phong cách riêng, với nhiều tác phẩm lớn có tính đột phá, ảnh hưởng tới phong cách nhiều nhạc sĩ thuộc các thế hệ sau này.
 
Giáo sư Trần Văn Khê từng khen ngợi rằng: “Trong hầu hết những bài hát của Phạm Duy, lời và nhạc chẳng những hay, mà lại có tính cách giản dị, mộc mạc và nên thơ của những bài ca dao, những câu lục bát biến thể, hay những câu lục bát có thêm tiếng đệm được phổ nhạc một cách tài tình".   
 
Nhạc sĩ nổi danh ngay từ sáng tác đầu tay Cô hái mơ, viết năm 1942, khi mới 21 tuổi, phổ theo thơ của Nguyễn Bính. Với giai điệu nhẹ nhàng và da diết, ca khúc này nhanh chóng được đông đảo người yêu nhạc đón nhận. Sau Cô hái mơ, ông cho ra đời một loạt nhạc phẩm trữ tình như: Cây đàn bỏ quên, Khối tình Trương Chi… 
       
Kiếp cầm ca rong ruổi nay đây mai đó ở gánh hát Đức Huy, như một thứ định mệnh, giúp ông có cơ hội đi dọc theo chiều dài đất nước, tiếp xúc với nhiều người, nhiều phong cách văn hóa. Đây là dịp hiếm có để ông học hỏi, thu thập được nhiều kiến thức, làm vốn liếng để sau này trở thành người nhạc sĩ lừng danh. Chính nguồn cảm xúc dạt dào, đầy hứng khởi, cùng những điều mới mẻ thu thập sau nhiều chuyến đi đã trở thành chất liệu tuyệt vời để tạo nên nhiều tác phẩm đầy khí phách hào hùng như: Gươm tráng sĩ, Chiến sĩ vô danh, Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Tiếng hát trên sông Lô, Bà mẹ Gio Linh...         
Cuối thập niên 1940, nhạc sĩ Phạm Duy tham gia kháng chiến và viết nhiều ca khúc cổ vũ tinh thần yêu nước cũng như tinh thần hăng say lao động của người dân. Một số tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ này là: Nương chiều, Nhớ người ra đi, Nhớ người thương binh, Gánh lúa, Quê nghèo, Bà mẹ quê…   
 
Chú thích ảnh
 
Sau khi sang Pháp du học và nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc trong hơn 3 năm (1952-1955), bên cạnh việc tiếp tục sáng tác những bài hát mượn chất liệu dân gian, ông có thêm dòng nhạc về tình yêu đôi lứa và thân phận con người, với nhạc điệu hiện đại, mang nhiều cung bậc cảm xúc hơn, như: Nước mắt rơi, Đường chiều lá rụng, Đừng xa nhau, Thương tình ca, Tìm nhau, Con đường tình ta đi, Nghìn trùng xa cách, Chỉ chừng đó thôi, Trả lại em yêu…   
 
Thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970 là thời kỳ sáng tác sung mãn và đỉnh cao nhất của nhạc sĩ Phạm Duy. Không có chủ đề nào mà không có dấu chân mang tính khai phá của ông. Ngoài các nhạc phẩm về tình yêu, về quê hương, đất nước, ông còn sáng tác cả nhạc thiếu nhi, nhạc trẻ, nhạc trường ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca…   
 
Nhưng nổi bật trong các tác phẩm âm nhạc của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm hưởng cổ truyền của nhạc Việt Nam với những yếu tố hàn lâm của nhạc phương Tây. Trong đó, tình yêu quê hương và tình cảm dân tộc được thể hiện tập trung nhất ở những thể loại âm nhạc mà ông tự đặt ra. Với thể loại “Tình tự dân tộc”, đó là bộ ba ca khúc mang những cái tên rất mộc mạc: Bà mẹ quê, Em bé quê, Vợ chồng quê. Với “Tình ca quê hương”, đó là các ca khúc Tình hoài hương và Tình ca.
 
Có thể nói, Tình ca kết tụ tình yêu quê hương, đất nước của một người Việt Nam thông qua tình yêu tiếng Việt, tình yêu non sông và tình yêu con người Việt Nam. Tất cả được thể hiện bằng những ca từ rất gợi hình, gợi cảm, chạm đến trái tim của mỗi người bất kể là ai, miễn là mang dòng máu Việt: Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời; Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh; Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu...   
 
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Phạm Duy cũng là một trong những người đầu tiên viết lời Việt cho nhạc nước ngoài. Từ thời thập niên 1940, ông đã viết lời cho nhạc cổ điển, đến thập niên 1960-1970 thì viết lời cho nhiều bài nhạc Mỹ đương đại. Trong đó có đến hàng chục ca khúc của các nhà soạn nhạc thế giới được ông đặt lời Việt rất thành công, như bản Dạ khúc của Schubert, Mơ mộng của Schumann...   
 
Ngoài sáng tác và biểu diễn, nhạc sĩ Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông từng giữ chức Giáo sư âm nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Ông còn được coi như một nhà văn, với 4 tập hồi ký về cuộc đời, viết vào đầu thập niên 1990 được giới phê bình đánh giá cao về cả giá trị văn học lẫn giá trị tư liệu.
 
Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Phạm Duy được khán giả tặng tranh chân dung
 
Người hát “Tình ca”   
 
Nặng lòng với quê hương, xứ sở, sau 20 năm tha hương, năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy trở về Việt Nam và lặng lẽ chinh phục lại những khán giả trẻ tuổi hơn, với các nhạc phẩm nổi tiếng như: Ngày trở về, Người về, Tình nghèo, Thuyền viễn xứ, Viễn du... và hai trường ca gây tiếng vang là: Con đường cái quan và Mẹ Việt Nam.   
 
Đặc biệt, ca khúc Minh họa Kiều, ông sáng tác vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, như một cái kết có hậu cho hành trình sáng tạo không mệt mỏi của mình. Minh họa Kiều được biểu diễn tại Hà Nội vào năm 2009.   
 
Có thể nói, với hơn 1.000 ca khúc chia làm nhiều thể loại như: tình ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca… hoàn toàn chứng minh được một tầm vóc “đại thụ” của nhạc sĩ Phạm Duy.   
 
Ngày 27/1/2013, sau 8 năm được đón nhận trở về Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã mãi mãi ở lại với lòng đất mẹ yêu thương, để lại bao nuối tiếc trong lòng người yêu nhạc. Nhưng dù đã rong ruổi nổi trôi để trở về với miền xa vắng, nhưng những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy vẫn còn sống mãi trong lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ.   
 
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng chia sẻ rằng: “Nói về một người đã mất, người ta hay nói đến những ký ức, nhưng với nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ người ta sẽ còn bàn nhiều về tương lai. Cuộc đời của ông là một ví dụ đầy xao xuyến về trái tim nghệ sĩ luôn lưu luyến cuộc đời, luôn tìm đến những điều mới mẻ và tạo dựng một lối đi khám phá đầy ngẫu hứng”.
 
 
Theo Hoàng Yến/TTXVN (tổng hợp)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng