Các nghệ sĩ luyện tập tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”.
Nghệ sĩ múa Bắc - Nam hội tụ
Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã gửi thư tới các biên đạo múa, các nghệ sĩ biểu diễn trong cộng đồng nhảy múa tại Hà Nội và TP HCM cùng tham gia xây dựng Tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”.
Ý tưởng của biên đạo múa Tuyết Minh nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các nghệ sĩ múa hai miền Nam - Bắc, nên chỉ trong vòng 3 ngày, đã có hàng trăm nghệ sĩ ở các thể loại như ballet, đương đại, jazz, hiphop, dân gian đương đại… đăng ký tham gia.
Ngay sau đó, các công việc trong tổ khúc múa được bắt tay vào thực hiện. Họ chia nhau xây dựng kịch bản, phân vai, phân việc cho từng nghệ sĩ ở các miền khác nhau. Vì tập luyện trong giai đoạn giãn cách xã hội, nên các nghệ sĩ cũng tập luyện theo cách đặc biệt.
Biên đạo múa sẽ vẽ mô hình, vẽ tuyến múa di chuyển của các khối đội hình, ghi tên từng vị trí nghệ sĩ trong khối đội hình đó gửi cho các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ tự hình dung vị trí của mình trong đội hình, tự hình dung mình sẽ di chuyển theo nhóm nào và tự luyện riêng tại nhà.
Đối với tổ hợp động tác, các biên đạo dàn dựng cho các vũ công qua Google Meet để luyện kỹ thuật. Đối với các đoạn múa ngẫu hứng, “solo” thì sẽ trực tiếp tập trên Google Meet với đạo diễn để tìm ra được nhân vật của mình… Sau đó, tiến hành ghi hình riêng theo kịch bản và bối cảnh cụ thể, rồi ghép thành những trường đoạn lớn.
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ, đây là cách dàn dựng vở hoàn toàn khác với cách dựng truyền thống tại sân khấu. Mỗi cảnh diễn phải phân tích kỹ từng câu nhạc, đặt mã thời gian âm nhạc chi tiết với diễn biến của các nhân vật và quy định hướng kết cấu tổ hợp để thể hiện ý gì, phân không gian của các nhím cao thấp, tĩnh động rất kỹ và phải hình dung trước toàn bộ cảnh diễn và không gian. Vì chỉ khi ghi hình mới là lúc tất cả các nghệ sĩ được kết hợp với nhau.
Tri ân lực lượng tuyến đầu
Có thể nói, dù trong hoàn cảnh rất khó khăn và cách tập luyện cũng rất đặc biệt, nhưng các nghệ sĩ đã nỗ lực hết mình thu ngắn khoảng cách địa hình để tham gia dự án. Ai cũng muốn đóng góp một phần công sức của mình để bày tỏ lòng biết ơn với lực lượng tuyến đầu cũng như lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người.
Phó Tổng đạo diễn tổ khúc múa, nghệ sĩ Alexander Tú chia sẻ, anh vinh dự được đảm nhận vai trò Phó Tổng đạo diễn phụ trách các nhóm nghệ sĩ ở miền Nam tham gia dự án đặc biệt này. Để thực hiện dự án, Tổng đạo diễn Tuyết Minh và các nghệ sĩ đã học vũ đạo của nhau thông qua video.
“Chúng tôi đã sử dụng Zoom nhiều lần để gặp gỡ, thảo luận và lên kế hoạch, ý tưởng cũng như cách thức thực hiện. Với cá nhân từng biên đạo hay nghệ sĩ phải tự luyện tập, kèm theo phản hồi từ Tổng đạo diễn để điều chỉnh. Sau đó, chúng tôi tổ chức các buổi góp ý cùng nhau trên Zoom để luôn năng động và sẵn sàng trong nhảy múa. Chúng tôi phải điều chỉnh để tập luyện và nhảy múa ở nhà mà đôi khi không gian sẽ cực kỳ hạn chế để tránh làm gián đoạn sinh hoạt của gia đình hoặc hàng xóm” - nghệ sĩ Alexander Tú cho biết.
Từ tâm dịch THCM, biên đạo múa, diễn viên ballet Nguyễn Đình Bảo Bảo chia sẻ, anh đang là F0 và cũng đang tham gia tình nguyện tại nơi mà mình điều trị. Khi tham gia tình nguyện với đội ngũ y bác sĩ, anh có cơ hội trải nghiệm thực tế công việc của họ, từ đó có những cảm nhận chân thật hơn về tình hình nơi đây.
Vai diễn của anh trong tổ khúc là một câu bé có cha mẹ đang làm công tác tại bệnh viện dã chiến. Cậu chăm chỉ học hành nghiêm túc dù là học trực tuyến, ngoan ngoãn và tự chăm sóc tốt cho bản thân, để cha mẹ không phải lo lắng về mình, yên tâm thực hiện công tác nơi tiền tuyến. Hàng ngày cậu đều viết những lời nguyện cầu của mình và nhờ gió gửi những tâm tư ấy bay đi khắp muôn nơi, cậu mong những điều tốt lành sẽ đến với cha mẹ và với mọi người…
Chia sẻ lý do tham gia dự án, hầu hết các biên đạo, nghệ sĩ múa đều bày tỏ sự vui mừng cũng như sẵn sàng vượt qua khó khăn để tham gia dự án đặc biệt này, với mong muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với sự phục vụ vô điều kiện của lực lượng tuyến đầu cho đất nước trong cuộc chiến với dịch bệnh, bảo vệ đồng bào Việt Nam.
Biên đạo Nguyễn Vũ Khánh, Trưởng nhóm XStep cho biết, cá nhân anh không có chuyên môn để tham gia mặt trận chống dịch thực tế, nhưng anh cũng rất muốn đóng góp để Việt Nam mau chóng vượt qua đại dịch. Tham gia vở diễn là dịp để anh làm điều đó.
Cặp đôi biên đạo Đình Lộc - Xuân Thảo cũng bày tỏ, mặc dù TP HCM vẫn đang trong giai đoạn căng của dịch bệnh, nhưng thành viên của Family team vẫn sẵn sàng với tinh thần cao nhất đồng hành cùng hai đạo diễn tham gia hưởng ứng dự án lần này, với mong muốn có thể góp một phần nhỏ mang đến những năng lượng tích cực lan tỏa đến mọi người.
Biên đạo, nghệ sĩ múa Sùng A Lùng bày tỏ, là một người Việt Nam, một diễn viên múa, anh mong muốn góp một chút công sức động viên tinh thần cho tuyến đầu, những người đang gồng mình để chống dịch…
Tới đây, công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng tác phẩm múa có một không hai, với hơn 150 nghệ sĩ múa mang tên tổ khúc “Ánh sáng tâm hồn”. Tin rằng, tác phẩm nghệ thuật đong đầy cảm xúc với thông điệp về những giá trị tinh thần ý nghĩa, về niềm tin, lòng biết ơn ấy sẽ “chạm” được đến trái tim, lòng trắc ẩn, sự rung động của cộng đồng.
Theo Minh Quân - Đại đoàn kết