Tin văn nghệ
Triển lãm 'Biến chuyển': Thật lạ, đá mà cũng mềm mại!
09:49 | 12/10/2021
Cứ ngỡ câu thành ngữ Chân cứng đá mềm chỉ có tính ẩn dụ về ý chí. Nhưng khi xem triển lãm điêu khắc đá Biến chuyển, thấy các tác phẩm uyển chuyển, mềm mại, ta mới biết rằng đôi tay các điêu khắc gia không những cứng hơn đá mà còn khiến đá diễn đạt tinh tế các ý tưởng, tâm tình.
 
Triển lãm 'Biến chuyển': Thật lạ, đá mà cũng mềm mại!
9 điêu khắc gia trong ngày khai mạc triển lãm “Biến chuyển”
Triển lãm Biến chuyển diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA, 72A Nguyễn Trãi, Hà Nội), kéo dài từ 10/10/2021 đến hết 2/1/2022, gần 3 tháng. Triển lãm trưng bày 35 tác phẩm điêu khắc từ đá của 8 tên tuổi đã thành danh là Đào Châu Hải, Lê Thị Hiền, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Lương Văn Việt, Trần An, Thái Nhật Minh, Lương Trịnh. Không những thế, lần này còn có sự xuất hiện của Đào Tân, một tác giả sinh năm 1991, nhưng đã có những tác phẩm rất chững chạc, chuyên nghiệp.
 
Một tiếp nối khác biệt
 
Triển lãm này vốn là kết quả từ chuỗi hoạt động lưu trú, sáng tác được khởi xướng bởi Lương Art Space (Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình) và điêu khắc gia Lương Trịnh. Nay triển lãm lại được điêu khắc gia Khổng Đỗ Tuyền làm giám tuyển, nên quy tụ được các tác giả tiêu biểu và tác phẩm chất lượng cao.
 
“Các nghệ sĩ luôn hướng về quê hương, cội nguồn, nơi biết bao thế hệ nghệ nhân tinh hoa đã tạo ra nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật được lưu giữ trên khắp mọi miền đất nước” - Khổng Đỗ Tuyền chia sẻ.
 
Chú thích ảnh
Tác phẩm “Chuyển động tròn” #21.2 (đá tuff núi lửa xanh và đồng, 68cm x 680cm x 30cm, 2021) của Khổng Đỗ Tuyền
 
Nhưng xem Biến chuyển, ta thấy rõ ràng sự tiếp nối cội nguồn có nhiều khác biệt, khác cả về tư duy vật liệu, cả về cách kể câu chuyện với đá. Nếu trước đây các tác phẩm từ đá thường mang lại cảm giác xù xì, vững chãi, nặng nề, thì Biến chuyển là sự mềm mại, thanh thoát, nhẹ nhàng.
 
Một điểm độc đáo nữa: Nhiều tác phẩm đã xóa nhòa được cảm quan thị giác về vật liệu, nếu chỉ đứng xa nhìn, hoặc xem qua hình chụp, sẽ nghĩ tác phẩm được tạo tác bằng kim loại. Điều này không chỉ đến từ tay nghề bậc cao, mà quan trọng hơn, đến từ quan niệm khác về vật liệu, về hiệu ứng thị giác. Nói nôm na, xóa bỏ các giới hạn, các đặc thù của vật liệu đá, để mở ra các khả tính khác, tự do và đa dạng hơn.
 
Chú thích ảnh
Tác phẩm "Dồn nén #2" (đá harzburgite đen, 65cm x 58cm x 25cm, 2021) của Thái Nhật Minh
 
Rồi, cũng phải kể tới cách đặt tên cho tác phẩm, ví dụ như Không gian bên trong, Trượt, Sóng, Mảnh ghép, Biến thể, Đơn hàng, Chuyển động tròn, Dồn nén, Cổng trời, Đôi cánh… Đây rõ ràng là các cái tên chỉ như các ký tự, con số, chứ không muốn người xem bị gợi ý hoặc quy định vào các ý niệm trừu tượng, đa nghĩa.
 
Chính những điều trên đây mang lại cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát khi bước vào Biến chuyển. Hẳn sẽ có người phải thốt lên: Thật lạ lùng, sao đá mà mềm mại, nhẹ nhàng đến thế.
 
Chú thích ảnh
Tác phẩm "Đơn hàng #2" (đá cẩm thạch trắng, 47cm x 70cm x 85cm, 2021) của Đào Tân
 
Một dấu ấn đáng ghi nhận
 
Nếu xét về thái độ làm nghề chuyên nghiệp và các tác phẩm chuyên chở được tinh thần đương đại, cả nước hiện nay có không tới 50 điêu khắc gia. Nếu so với họa sĩ giá vẽ hoặc họa sĩ đồ họa, thiết kế, thì con số này quả thật quá khiêm tốn. Điều này xuất phát từ thực tế là điêu khắc vốn nặng nhọc và khó khăn, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, nên từ trong nhà trường đã có ít sinh viên muốn chọn học. Học xong, ra trường, cũng rơi rớt khá nhiều, số còn bám được với nghề và tạo được dấu ấn, càng ít hơn. Nhìn như vậy để thấy việc quy tụ được 9 gương mặt và 1 vật liệu đá như Biến chuyển là thuộc hàng hiếm hiện nay.
 
Đến với triển lãm này, người xem không bị sự đa dạng về vật liệu và chất liệu câu chuyện làm cho phân tâm. Để làm được như Biến chuyển là không dễ, ngoài sự ăn ý, hiểu nhau như đã nói, thì sự hướng thượng, hy sinh về nghề nghiệp là điều tiên quyết. Bởi không phải ai cũng có thế mạnh hoặc cảm hứng về vật liệu đá, nếu không cùng chia sẻ một ý niệm lớn, một câu chuyện chung, thì khó mà dung hòa và đồng hành được như vậy.
 
Chú thích ảnh
Tác phẩm "#5221" (đá cẩm thạch đen, 85cm x 85cm x 80cm, 2021) của Đào Châu Hải

Khổng Đỗ Tuyền cho biết những hoạt động của nhóm điêu khắc gia này không chỉ giới hạn trong các không gian triển lãm, mà còn mở rộng sang những không gian nghệ thuật khác như xưởng sáng tác, cà phê sách, các không gian văn hóa, khuôn viên trường đại học...

“Trong những chương trình hoạt động nhóm, các nghệ sĩ vừa thể hiện phong cách riêng trong sáng tác, vừa cùng nhau chia sẻ những câu chuyện chung về nghệ thuật, về sự tiếp biến từ truyền thống đến đương đại” - Khổng Đỗ Tuyền nói.
Có lẽ chính vì vậy, họ đã tạo được triển lãm đáng xem và có dấu ấn.
 
 
Theo Văn Bảy - Dân trí
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng