Tin văn nghệ
Quảng bá nghệ thuật Tuồng tới bạn bè quốc tế
14:50 | 28/10/2021
Nhằm tăng cường trao đổi, giao lưu hợp tác về văn hóa, với các nước ASEAN  cũng như các quốc gia trên toàn thế giới, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã chọn dàn dựng vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn” để tham gia Festival Kịch Trung Quốc - ASEAN diễn ra tại Nam Ninh (Trung Quốc), từ ngày 27/11 đến 2/12.
 
Quảng bá nghệ thuật Tuồng tới bạn bè quốc tế
Cảnh trong vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn” của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Đây là dịp để nghệ thuật truyền thống nước nhà học hỏi và đổi mới nhằm duy trì và phát huy giá trị của sân khấu truyền thống trong bối cảnh hiện nay.
 
Trình diễn Tuồng trên sân khấu quốc tế
 
Vở tuồng “Thoại Khanh - Châu Tuấn” của tác giả Tống Phước Phổ được sáng tác dựa trên câu chuyện dân gian đậm chất nhân văn, thấm đượm tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt giữa Thoại Khanh - Châu Tuấn và tấm lòng hiếu thảo của nàng dâu đối với mẹ chồng... Vở diễn do đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ dàn dựng cùng với sự tham gia của những nghệ sĩ tên tuổi.
 
Nội dung vở tuồng kể về Thoại Khanh, một người phụ nữ xinh đẹp, có tài văn chương, là một người vợ hiền, dâu thảo. Năm nọ, chồng nàng - Châu Tuấn do khước từ hôn ý công chúa mà bị đày đi sứ 17 năm, phải chịu cảnh “hôn nhân ép buộc” với công chúa lữ quốc. Ngày đêm, nơi cung điện nhưng lại chịu cảnh “cầm giam”, hằng mong thương nhớ nơi quê nhà.
 
Thương nhớ Châu Tuấn, Thoại Khanh và mẹ chồng lên đường đi tìm Châu Tuấn, băng qua những rừng sâu, nước độc. Trên đường lưu lạc, đói rách, nhưng con dâu vẫn chăm chút, “nhường cơm sẻ áo” cho mẹ chồng. Khi mẹ tuổi già, sức lực kiệt quệ vì đói, Thoại Khanh đã quyết định “lóc thịt” cho mẹ ăn nơi rừng thẳm. Phân cảnh này cảm động nhất câu chuyện, cũng là hành động thể hiện tấm lòng hiếu thảo, quên đi sinh mạng của Thoại Khanh.
 
Dù phải cắt đi một phần máu thịt nhưng Thoại Khanh vẫn làm. Khoảnh khắc quan trọng quyết định đến sinh mạng mẹ chồng, nàng dâu không chần chừ quyết định. Thoại Khanh thất thanh trong đau đớn, đổi lại mẹ chồng nàng đã tỉnh lại. Có lẽ, trong giây phút ngắn ngủi đấu tranh tâm lý, lòng hiếu thảo đã chiến thắng tất cả những nỗi đau, sự sợ hãi tột cùng.
 
Thế rồi, khi hai mẹ con đi qua ngôi miếu Ác Thần, nàng bị đòi đôi mắt “ngọc” để đổi lấy mạng sống của mẹ chồng, thì nàng đã không do dự mà đồng ý hiến dâng. Nàng nói: “Tôi sẽ hiến dâng đôi mắt tôi cho ngài thỏa lòng mong dạ. Xin đừng giết mẹ chồng tôi, người đã chịu khổ đau qua tháng năm dài… Ác Thần ơi đôi mắt tôi xin dâng hiến cho ngài, đừng sát chi bà lão đã xa trời gần đất”.
 
Quảng bá đặc trưng của nghệ thuật Tuồng
 
Nhà hát Tuồng Việt Nam tham gia Festival kịch Trung Quốc - ASEAN với tư cách là thành viên của Hiệp hội Sân khấu các nước ASEAN và Trung Quốc. Khi tham gia Festival lần này, Nhà hát Tuồng Việt Nam cùng một số đơn vị nghệ thuật trong nước đã có cam kết với các nước ASEAN - Trung Quốc sẽ thành lập Ban tổ chức. Đây là một hoạt động nghệ thuật lớn, các loại hình nghệ thuật sân khấu của các nước ASEAN và của Trung Quốc sẽ tham dự.
 
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: Đây là một sân chơi hội tụ các đơn vị nghệ thuật giúp học hỏi lẫn nhau trong công tác quản lý và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Qua Festival, thể hiện mối quan hệ đoàn kết giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
 
Nội dung của chương trình vẫn là các trích đoạn truyền thống mà ông cha ta để lại, nhưng có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với trước. Trước đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã có một số chương trình biểu diễn, giới thiệu sơ qua về nội dung, một vài nét đặc trưng của nghệ thuật Tuồng. Lần này, Nhà hát đầu tư bài bản hơn, cụ thể hơn, có biểu diễn các trích đoạn để minh họa, nhưng trọng tâm là giới thiệu và tương tác, giao lưu với khán giả, để khán giả hiểu được sự độc đáo, cái hay, cái đẹp và đặc trưng cơ bản của nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam.
 
Nói về lý do lựa chọn vở Tuồng “Thoại Khanh - Châu Tuấn” để công chiếu trên sân khấu Festival lần này, ông Tuấn chia sẻ: “Đây là vở tuồng mang tính nhân văn hết sức sâu sắc, giáo dục đạo lý, mối quan hệ tình người, trách nhiệm và sự trung thủy. Đó là bài học cho cuộc sống ngày hôm nay. Mục đích là giới thiệu đến bạn bè quốc tế về nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình Việt. Đồng thời giới thiệu nét văn hóa độc đáo đặc trưng của nghệ thuật Tuồng truyền thống của Việt Nam, mang giá trị nhân văn hết sức sâu sắc”.        
 
 
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, Nhà hát Tuồng Việt Nam nỗ lực đem nghệ thuật Tuồng đến với khán giả trẻ. Với mong muốn giúp các khán giả trẻ tiếp cận, cảm nhận cái hay, cái đẹp của nghệ thuật Tuồng truyền thống Việt Nam, nhằm kéo gần hơn khoảng cách giữa khán giả trẻ với nghệ thuật Tuồng, một loại hình nghệ thuật bác học mà không phải ai cũng hiểu được những giá trị độc đáo của nghệ thuật này. Để thực hiện điều đó, bên cạnh việc việc quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế đến nghệ thuật tuồng truyền thống, phía Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng chương trình giới thiệu nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ năm 2021 bằng những cách tiếp cận mới hấp dẫn và mong muốn kéo khán giả đến với Tuồng truyền thống nhiều hơn.
 

 

Theo Phạm Sỹ - Đại đoàn kết

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng