Tin văn nghệ
Người 'nói chuyện' bằng tác phẩm
14:54 | 28/10/2021
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm vừa vinh dự nhận giải thưởng Văn học ASEAN năm 2020, với tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”. Là người năng nổ, chịu làm việc, chịu sáng tạo, thành tựu của ông thật đáng nể. Ông cũng đã vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật, một minh chứng cho con đường văn chương hiển đạt.
 
Người 'nói chuyện' bằng tác phẩm
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm
Cuốn tiểu thuyết đầy tâm huyết
 
Đọc văn của Võ Khắc Nghiêm từ lâu, tôi nể trọng sự cần mẫn, tỉ mỉ và dấn thân cho văn chương của ông. Người viết như tôi cũng hiểu, đó là cách làm của những người có trách nhiệm với danh xưng nhà văn. Ông yêu lịch sử nước nhà và những trang văn ánh lên vẻ đẹp của các nhân vật nổi tiếng. Ông trưởng thành từ vùng than Quảng Ninh và Hà Nội. Suốt 30 năm gắn bó mỗi nơi, ông đã có nhiều thành tựu, đặc biệt hai tiểu thuyết lớn của cuộc đời mình là “Mảnh đời của Huệ” và “Thị Lộ chính danh”. Tìm hiểu ra, Võ Khắc Nghiêm là con gia đình có vị thế. Ông quê gốc ở Lệ Thủy (Quảng Bình), ông nội Võ Khắc Triển là tiến sĩ cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn.
 
Võ Khắc Nghiêm dành nhiều công sức cho tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”. Ông bảo mình đã gửi gắm vào cuốn tiểu thuyết này nhiều điều mới mẻ.
 
Đọc tiểu thuyết của ông, tôi hiểu, ông luôn quan tâm đến những bi kịch trong lịch sử dân tộc - nhất là với những vị anh hùng thiên tài như Nguyễn Trãi và người bạn đời tài sắc vẹn toàn Nguyễn Thị Lộ. Thảm án Lệ Chi Viên cùng vị thế của Nguyễn Trãi đã được nhiều người viết thành các tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh… Nhưng Nguyễn Thị Lộ thì dường như bị quên lãng.
 
Nhà sử học cùng thời là Vũ Quỳnh đã ghi vài dòng cô đọng về Nguyễn Thị Lộ: “…đã có công dạy vua học hành và giúp vua sửa trị nước...”. Nhà văn đã hình dung lại mọi sinh hoạt của Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ từ lúc mới gặp nhau khi bà đi bán chiếu cho đến những ngày vào Lam Sơn sống kham khổ cùng nghĩa quân Lê Lợi… Nếu không có Nguyễn Thị Lộ và Trần Nguyên Hãn…thì chưa hẳn Nguyễn Trãi đã chịu đi theo Lê Lợi. Nguyễn Thị Lộ có vị thế lớn trong sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Trãi.
 
Ông đã đọc, tìm hiểu và có cái nhìn mới mẻ, làm các nhân vật lịch sử trở nên thật hơn, nét hơn. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm chia sẻ: “Tôi đã dựng cho được tính cách của từng nhân vật mang sức mạnh điển hình. Với mọi tiểu thuyết đều cần sức hấp dẫn của cốt truyện và tính cách độc đáo của mỗi nhân vật. Dù viết về lịch sử thì tác phẩm vẫn phải viết để dành cho người thời nay đọc, nên cần đem lại cho họ điều gì mới mẻ, không chỉ trong tình yêu, tình bạn mà cả trong ứng xử với mọi người, mọi đối tượng”.
 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao những sáng tạo của Võ Khắc Nghiêm, bởi ông đã làm chủ được tất cả các chi tiết, diễn biến tâm lý nhân vật, đem đến cho bạn đọc những cảm hứng mới mẻ trong cuốn tiểu thuyết dày gần 500 trang. “Với nhiều cảnh ân ái của Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi, nhà văn Võ Khắc Nghiêm chỉ muốn nói đến một thái độ sống mãnh liệt, hết mình và đến tận cùng của nhân vật. Chính chi tiết ấy là một trong những chi tiết khởi đầu đã cho tôi tập trung theo dõi toàn bộ cuộc đời của Thị Lộ sau này. Nó cho thấy con người Thị Lộ là một người phụ nữ nhan sắc, hiểu biết, sắc sảo, yêu thương và đầy chí khí. Chỉ là một con người với những phẩm chất như vậy, bà mới có thể đồng hành cùng nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ xuất chúng Nguyễn Trãi với muôn vàn biến cố, thăng trầm và không một thách thức hay đe dọa nào có thể làm bà gục ngã”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
 
Bìa tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”. 
Bìa tiểu thuyết “Thị Lộ chính danh”
 
Làm việc không mệt mỏi
 
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã xuất bản hơn 20 tiểu thuyết, tập truyện ngắn, cùng hàng chục kịch bản sân khấu điện ảnh - truyền hình, hàng trăm phim tài liệu phóng sự... Ông từng được đào tạo viết kịch bản sân khấu, điện ảnh, từng nổi tiếng nhờ vở kịch nói “Nhân danh công lý” và cũng thành công trong kịch bản phim truyện như “Kỷ niệm đồi trăng”, “Mảnh đời của Huệ”, “Sự huyền diệu tình yêu”, “Ngã ba giao thừa”… Sân khấu, điện ảnh có thế mạnh rộng lớn, thỏa sức tưởng tượng của người viết với sự xuất hiện nhân vật diễn xuất ấn tượng nên đòi hỏi những chuẩn mực nhất định, còn tiểu thuyết tùy vào sức tưởng tượng của người đọc, dù chữ nghĩa có mạnh mẽ hay vấn đề gai góc nhưng không vi phạm pháp luật và giá trị đạo đức thì vẫn được duyệt, nhất là từ sau thời kỳ đổi mới việc xuất bản dễ dàng hơn trước nhiều. Vì thế ông đã tập trung vào viết tiểu thuyết cho tốt, rồi khi có điều kiện sẽ làm phim, làm kịch.
 
Đặc biệt, với vấn đề nan giải thiếu kịch bản hay, nhà văn Võ Khắc Nghiêm bày tỏ: “Với những đạo diễn tài hoa, mọi cuốn tiểu thuyết hay đều trở thành phim, thành kịch. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe nhiều người kêu bây giờ thiếu kịch bản hay. Sao không chịu mở kho tàng tiểu thuyết thời đổi mới, có rất nhiều tác phẩm hay như “Nỗi buồn chiến tranh”, “Đội gạo lên chùa”, “Hồ Quý Ly”, “Chuyện tình Triều Nguyễn”… cùng rất nhiều truyện ngắn được giải đủ điều kiện để trở thành những phim hay”.
 
Võ Khắc Nghiêm không ngại dấn thân. Có lần ông bảo, ông cứ làm, cứ viết cho tốt, không quan tâm người khác nghĩ gì, bàn tán ra sao. Bởi nhà văn phải nói chuyện bằng tác phẩm chứ không phải những lời “chém gió”.
 
Trước đây, trong địa hạt sân khấu, Võ Khắc Nghiêm cùng đạo diễn Doãn Hoàng Giang dựng vở “Nhân danh công lý”. Đầu thập niên 80 ông là tác giả trẻ ở vùng than Quảng Ninh, làng sân khấu chưa ai biết. Võ Khắc Nghiêm tâm sự: “Tôi luôn kính trọng và biết ơn những người thầy đã dìu dắt tôi trong viết kịch, viết văn. Tôi còn giữ những bức thư anh Giang gửi cho tôi, dạy từng mảng miếng thủ thuật sân khấu và nhắc nhở tôi chắt lọc đối thoại cho thật hay… Đây là vở kịch gây được tiếng vang thời đầu đổi mới với 12 đoàn kịch khắp đất nước dựng. Nhà hát phải phân phối vé. Tôi viết vở này theo đặt hàng của anh Doãn Hoàng Giang, định dành cho Đoàn kịch Công an. Tôi viết khá nhanh vì nhiều điều đã tích tụ lâu rồi, nhưng phải mất gần ba năm, qua rất nhiều “cửa ải” mới được cấp phép”.
 
Làm nghệ thuật khó, nhưng ông không nản. Vở thứ hai ông rất tâm đắc là “Bi kịch ngược chiều”. Vở này chỉ được dựng phát truyền hình, tước bỏ những xung đột mâu thuẫn mới cũ, thời đó chưa được chấp nhận. Tuy nhiên Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn cho dựng phát thanh gần như nguyên vẹn và trao giải nhất trong một cuộc thi kịch bản.
 
Mỗi nhà văn đều có thể có những người thầy. Võ Khắc Nghiêm yêu quý Vũ Trọng Phụng, Tản Đà và các nhà văn thế giới, ông yêu văn Victor Hugo và William Shakespeare. Các nhà văn lớn giúp ông nhận ra sức hấp dẫn của cốt truyện và sự lấp lánh trong tính cách từng nhân vật. Võ Khắc Nghiêm tâm niệm: “Phương pháp thể hiện không quan trọng, càng bình dị, tự nhiên như cổ điển càng dễ đọc, dễ tiếp thu”.
 
Tôi biết, cái tạng văn của nhà văn Võ Khắc Nghiêm là không cầu kỳ về cấu trúc tác phẩm. Ông thích lối kể truyền thống nhưng trau chuốt, giản dị nhưng không giản đơn. Ông muốn giới nhà văn trẻ hãy viết hay hơn, nhiều hơn về làng quê mình, gia đình mình. Tức là viết về những gì mình hiểu nhất, có vốn sống nhất. Dù viết về hôm nay hay về lịch sử, nhà văn cần khái quát được thời đại trong tác phẩm của mình, kể cả đó chỉ là một truyện ngắn mini. Ông tâm sự: “Đọc xong một cuốn sách, một câu chuyên ta thường phải ngẫm suy, nghiệm ra điều gì bổ ích cho chính mình”.
 
Đặc biệt, với vấn đề nan giải thiếu kịch bản hay, nhà văn Võ Khắc Nghiêm bày tỏ: “Với những đạo diễn tài hoa, mọi cuốn tiểu thuyết hay đều trở thành phim, thành kịch. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe nhiều người kêu bây giờ thiếu kịch bản hay. Sao không chịu mở kho tàng tiểu thuyết thời đổi mới, có rất nhiều truyện hay như “Nỗi buồn chiến tranh”, “Đội gạo lên chùa”, “Hồ Quý Ly”, “Chuyện tình Triều Nguyễn”… cùng rất nhiều truyện ngắn được giải trong thời gian qua đủ điều kiện để trở thành những phim hay”.

 

Theo Nguyễn Văn Học - Đại đoàn kết

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng