Chuỗi đối thoại “Sống với văn hóa dân gian” đã diễn ra ngày 10/11 theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu trong nước, quốc tế, trong đó có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cùng trao đổi, thảo luận.
Sự kiện do Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam chủ trì, nhằm tập hợp thông tin và giúp công chúng tăng cường hiểu biết về về những sắc thái, sự biến chuyển của văn hóa dân gian trong thời đương đại theo hai hướng tiếp cận chính: Văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa và trên nền tảng số.
Ở phần văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa, các đại biểu đã tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích về mối liên hệ giữa văn hóa dân gian với nền công nghiệp văn hóa, vai trò, giá trị của văn hóa dân gian trong đời sống, sinh kế của người dân.
Các đại biểu đề cập đến những khả năng, thách thức trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ của đời sống đương đại dựa trên chất liệu văn hóa dân gian; quảng bá văn hóa dân gian thông qua các sản phẩm, dịch vụ trong ngành công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, các đại biểu được nghe chia sẻ từ đại diện của Hàn Quốc trong việc quảng bá văn hóa dân gian trong đời sống của người dân Hàn Quốc cũng như “xuất khẩu” ra nước ngoài với các sản phẩm đậm chất văn hóa.
Qua nội dung này, Ban Tổ chức mong muốn đem lại góc nhìn đa chiều về văn hóa dân gian trong nền công nghiệp văn hóa với góc nhìn từ Việt Nam cũng như trong sự đối sánh với khu vực và thế giới.
Tiến sỹ Trần Thanh Việt (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, ở Việt Nam, văn hóa dân gian đang có mặt ở hầu hết các lĩnh vực trong nền công nghiệp văn hóa, từ điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, xuất bản, thời trang, văn học âm nhạc thậm chí cả trò chơi điện tử.
Điều này cho thấy văn hóa dân gian chính là nguồn tài nguyên dồi dào cho những người làm văn hóa nghệ thuật khai thác, phát huy tính sáng tạo, góp phần đưa văn hóa dân gian đến gần hơn với cuộc sống hiện đại.
Đây là tín hiệu tốt cần được phát huy để đóng góp vào việc gìn giữ, phát huy giá trị của văn hóa dân gian trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Anh Đặng Văn Hậu, một nghệ nhân nặn con giống bột (thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã có gần 20 năm gắn bó với nghề. Anh chia sẻ, lúc đầu, anh chỉ cố gắng phát triển mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Sau nhiều năm nỗ lực, anh đã phát triển được chất bột mới với nhiều cải tiến để có thể lưu giữ được lâu hơn hoặc nặn trước con giống cả tuần mà không hề bị biến đổi màu sắc, chất lượng.
Quan trọng là anh đã đẩy mạnh truyền thông cho sản phẩm; nhận đưa khách du lịch trong và ngoài nước về làng để thăm quan cùng trải nghiệm nặn con giống; mang những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với người dân và du khách…
Nội dung văn hóa dân gian trên nền tảng số hướng tới tìm hiểu sự thể hiện, biểu đạt, bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa dân gian trên nền tảng số.
Trong tọa đàm này, các diễn giả chia sẻ các dự án ở Việt Nam và quốc tế về văn hóa dân gian trên nền tảng số. Trong đó, các chuyên gia và cộng đồng làm việc với các dạng tư liệu số đa phương tiện, về các chủ đề như nghệ thuật biểu diễn truyền thống, làng nghề, thủ công mỹ nghệ, đồ vật gắn với phong tục truyền thống, di sản kiến trúc, mỹ thuật...
Với nội dung này, Ban Tổ chức mong muốn đem lại những chia sẻ về việc thực hành, gợi mở hợp tác, sáng kiến mới để thúc đẩy công việc bảo tồn, số hóa văn hóa dân gian và tăng cường trải nghiệm của người dân về văn hóa dân gian trên nền tảng số…/.
Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)