Tham gia Liên hoan Kịch toàn quốc năm 2021 (từ 5 - 17/11, tại Hải Phòng), CLB Sân khấu Thử nghiệm thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam mang đến vở Lau trắng của tác giả Chu Thơm, đạo diễn NSƯT Lê Thúy Nga.
1. Lau trắng đề cập tới câu chuyện lịch sử thời nhà Đinh, xoay quanh các nhân vật và sự kiện lịch sử vốn từ lâu đã được nhiều tác giả văn học, nghệ thuật khai thác.
Riêng trong lĩnh vực sân khấu, đề tài này có một sức hút đặc biệt đối với nhiều kịch tác gia và đạo diễn, vì thế hầu như ở thể loại sân khấu nào cũng đã có vở diễn về thời kỳ đầy ắp các sự kiện nhiều kịch tính trong lịch sử dân tộc. Chỉ riêng trong Liên hoan này cũng có 2 vở đều khai thác đề tài này.
Viết về triều đại nhà Đinh (968 - 980), hầu như tác giả sân khấu nào cũng khai thác câu chuyện xoay quanh 3 nhân vật nổi bật nhất là Vua Đinh Tiên Hoàng, Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, trọng tâm là “mối tình tay 3” giữa 3 con người này, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối khác vô cùng hệ trọng, liên quan tới triều chính và vận mệnh quốc gia như: Ai đã giết cha con Đinh Tiên Hoàng đế? Có phải Đỗ Thích đã làm việc đó? Có phải vì tình riêng mà Hoàng hậu Dương Vân Nga trao long bào cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn? Sự thật đằng sau nhân vật Định Quốc công Nguyễn Bặc là gì? Mối quan hệ giữa Nguyễn Bặc và Phó vương Lê Hoàn thực chất thế nào?...
Trở lại với Lau trắng, trong kịch bản gốc của tác giả Chu Thơm đều (dù ít dù nhiều, dù đậm dù nhạt) có bàn đến các vấn đề đó, và để chuyển tải câu chuyện lịch sử phức tạp này tác giả đã xây dựng một hệ thống nhân vật khá đông đảo với nhiều tuyến khác nhau. Tuy nhiên, vận dụng quyền của đạo diễn, người mà trong nghề đã được tôn vinh và mặc định là “tác giả thứ 2”, là “cha đẻ” của vở diễn sân khấu, đạo diễn - NSƯT Lê Thúy Nga đã chắt lọc, chọn lựa các nhân vật và sự kiện của kịch bản, bỏ chỗ này, bồi đắp thêm chỗ kia, để có được một vở diễn sân khấu Lau trắng (có thể nói) mới và lạ, hấp dẫn người xem bởi sự trẻ trung, thanh thoát.
Thiết nghĩ, cần nói sâu hơn về nội dung vở diễn. Bởi “có bột mới gột nên hồ”, và bởi từ nội dung mới toát lên tư tưởng của tác phẩm, từ nội dung ấy nảy sinh ý đồ của đạo diễn, và ngược lại, người đạo diễn thông qua nội dung, thông qua đối thoại của nhân vật để gửi gắm ý đồ và tư tưởng nghệ thuật của mình.
Dàn dựng vở Lau trắng, đạo diễn Lê Thúy Nga đã dùng hai nhân vật để thay mình thể hiện quan điểm về lịch sử, nói chính xác hơn, về câu hỏi đâu là tính chân thực lịch sử? Câu hỏi này từ xưa cho tới nay luôn là vấn đề hóc búa nhất đối với sáng tạo văn học nghệ thuật, vốn đã tốn nhiều giấy, mực và thời gian của các nhà nghiên cứu cũng như đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo. Dẫu biết rằng nghệ thuật có một cái quyền không ai có thể phủ nhận là có quyền hư cấu, có quyền “bịa”, nhưng đổi lại, người thưởng thức lại có cái quyền đòi hỏi rất chính đáng là hư cấu, bịa thế nào thì tùy, nhưng phải “hợp tình, hợp lý”, phải “chấp nhận được”, “phải có tính chân thực lịch sử”,... Thế mới nói, đề tài lịch sử luôn là đề tài hấp dẫn nhất, nhưng cũng là hóc búa nhất đối với các nhà văn và nghệ sĩ sáng tạo.
Dàn dựng vở diễn Lau trắng, đạo diễn Lê Thúy Nga thể hiện quan điểm riêng của mình. Xây dựng 2 nhân vật là Người giữ sử (Việt Tùng) và Cô gái (Thu Hà), đạo diễn Lê Thúy Nga thể hiện một cách nhìn rất thận trọng về lịch sử, về tính chân thực lịch sử của sự kiện và nhân vật trong quá khứ. Người giữ sử trong Lau trắng là một nhân vật hẳn hoi, có hành động, có đối thoại, đồng thời, đây là một nhân vật trừu tượng, nhân vật “ảo”, thậm chí có lúc là một bức tượng đá, thỉnh thoảng lại bật dậy, đi lại (đúng như lời Cô gái: “Cụ vừa ngồi đây, cụ đứng lên, cụ đi lại...”).
Nguyễn Bặc trước khi bị sát hại
Nhân vật Cô gái, có thể hiểu là một nhà báo, một cô sinh viên trẻ, hay chỉ đơn giản là một người trẻ yêu lịch sử, ngưỡng mộ mối tình vốn gây nhiều tranh cãi giữa Dương Vân Nga và Lê Hoàn nên muốn tìm hiểu... Đối thoại giữa Người giữ sử và Cô gái là đối thoại giữa lịch sử với thực tại. Cô gái là người đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay đang khao khát tìm hiểu lịch sử, nhưng những lần tiếp xúc với Người giữ sử cô cũng chẳng thu thập được bao nhiêu, vì vậy cô quyết định viết lại câu chuyện tình của Dương Vân Nga và Lê Hoàn bằng sự hiểu biết của mình, bằng cách nhìn nhận của mình về các sự kiện và nhân vật lịch sử.
Câu chuyện lịch sử diễn ra trên sân khấu là câu chuyện do Cô gái tưởng tượng và viết nên. Người giữ sử chính là người vừa giúp cô khẳng định những sự kiện, chi tiết chân thực đã được lịch sử ghi nhận, đồng thời là người đã nhắc nhở cô phải chừng mực, đừng vì quá yêu nhân vật mà phóng tác quá đà. Có thể lấy làm ví dụ một đoạn đối thoại giữa Người giữ sử và Cô gái để hiểu hơn về hai nhân vật này (Cảnh: Cô gái vừa đi vừa đọc đoạn mình mình viết về Dương Vân Nga):
- CÔ GÁI: Tiểu nữ cũng đâu phải là gỗ đá, nên dù sống trong lầu son gác tía vẫn nhớ người chịu đau vì tiểu nữ trên đồi lau trắng ngày xưa nhưng phải nén lòng mình lại. Kiếp này, tiểu nữ và người ấy có duyên mà không có phận. Đành hẹn kiếp sau!
- ÔNG GIÀ: Này cô! Cô nói về họ hay nói về mình mà mắt ngân ngấn lệ thế kia?
- CÔ GÁI: Cháu nói về họ mà cũng là nói về mình, cùng là phụ nữ, cũng từng yêu. (thở dài) Sống bên cạnh người chồng ham việc nước, việc quân mà lơ là các hồng nhan tri kỷ. Trong khi mối tình đầu trẻ trung đầy sinh lực ở ngay bên cạnh... tưởng là hạnh phúc nhưng thật ra là bất hạnh cụ nhỉ...
- ÔNG GIÀ: ... xì... Đàn bà thuần tuý như cô chỉ quanh quẩn với thứ tình cảm yêu đương thông thường. Còn ở địa vị của những người đứng đầu thiên hạ, họ còn có nhiều việc quan trọng để làm hơn những tình cảm riêng tư ấy.
- CÔ GÁI: Còn có gì quan trọng hơn tình yêu nếu còn sống trên cõi đời này? Nếu là cháu... (nói thầm)... cháu sẽ ngoại tình (ông già lườm)... Thì dù có là quái kiệt thì họ cũng là con người, chứ chả nhẽ khi làm tướng và là hoàng hậu thì tình yêu của họ to hơn, vĩ đại hơn thường dân?
ÔNG GIÀ: Nên nhớ, cái kiểu “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” như nhà cô vừa nói thì sớm muộn cũng lộ. Mà phạm vào tội gian phu dâm phụ thời đó thì sẽ phải nhận “Tam ban triều điển” để tự xử mình...
Bấy nhiêu thôi đủ thấy hai nhân vật này có vai trò gì trong Lau trắng, nói cách khác, đạo diễn Lê Thúy Nga muốn gửi gắm điều gì ở các nhân vật này.
2. Là một người thận trọng, đạo diễn không có tham vọng bao quát nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề và sự kiện chưa thực sự rõ ràng trong quá khứ. Chị chỉ chọn những sự kiện và nhân vật mà lịch sử đã công nhận là có thật. Bởi thế, một điểm nhấn quan trọng trong câu chuyện về Vua Đinh - Dương Vân Nga - Lê Hoàn đã được đạo diễn Lê Thúy Nga dành tâm huyết để “tái hiện” là mối tình Dương Vân Nga - Lê Hoàn đẹp nhất có thể.
Bắt đầu từ mối tình đẹp đẽ đó, câu chuyện kịch diễn biến cho đến lúc Hoàng hậu Dương Vân Nga đồng ý trao long bào cho Phó vương Lê Hoàn. Trong khoảng thời gian đó kịch có các sự kiện quan trọng mà sử sách đã ghi nhận như: Sau sự kiện gặp nhau trên đồi lau, 7 năm sau đôi trai gái mới gặp lại, lúc đó nàng đã là Hoàng hậu Dương Vân Nga và chàng đã là Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn, điều này đã gây nên nhiều phiền toái và khó xử cho họ; sự kiện Vua Đinh và con trai Đinh Liễn bị giết (không diễn ra trên sân khấu); sự kiện Định Quốc công Nguyễn Bặc (NSƯT Hồ Phong) bị Phó tướng (Minh Nam) sát hại; và cái kết là Thái hậu Dương Vân Nga đồng ý trao long bào cho Phó vương Lê Hoàn... Đồng ý trao, nhưng không có cảnh trao long bào (như ở nhiều vở diễn sân khấu khác vẫn có), đó là ý đồ của đạo diễn Lê Thúy Nga, bởi với Lau trắng, cảnh đó không cần thiết.
Để thể hiện mối tình đẹp đẽ của cô thôn nữ Dương Vân Nga và người lính trẻ Lê Hoàn, đạo diễn đã chọn 2 diễn viên còn rất trẻ về tuổi đời cũng như tuổi nghề để đảm nhiệm 2 nhân vật này. Cả Công Đại (vai Lê Hoàn) và Quỳnh Châu (vai Dương Vân Nga thời trẻ) đều vừa mới tốt nghiệp ngành diễn viên sân khấu. Nhưng chính tuổi trẻ của diễn viên đã làm nên sự trẻ trung hấp dẫn cho nhân vật, và tài năng của 2 diễn viên trẻ này đã góp phần rất quan trọng làm nên sức hấp dẫn của vở diễn.
Chỉ 1 cảnh thôi - cảnh 2 người gặp nhau trên đồi lau ở đầu vở đã tạo nên một ấn tượng ngọt ngào, theo khán giả đi suốt quá trình theo dõi vở diễn dài hơn 120 phút. Và người viết bài này đang tự hỏi: Phải chăng chính cái sự trẻ trung hơi non nớt một tý (với nghĩa là chưa thực sự già dặn, chưa từng trải trong diễn xuất) của 2 diễn viên này lại làm nên nét đáng yêu của nhân vật Dương Vân Nga và Lê Hoàn - những người cũng còn rất trẻ và chưa từng yêu?
Còn một vai diễn chính nữa trong vở Lau trắng cũng cần bàn tới, đó là vai Hoàng hậu Dương Vân Nga, do diễn viên Trịnh Huyền thể hiện. Đây là một vai diễn khá “nặng”, là một thử thách đối với Trịnh Huyền, khi mà sân khấu đã có khá nhiều nữ diễn viên “gạo cội” thể hiện nhân vật Dương Vân Nga thành công, đặc biệt là ở sân khấu Cải lương.
Thực tế cho thấy Trịnh Huyền đã cố gắng đầu tư công sức cho vai diễn nên đã diễn tròn vai, Dương Vân Nga của Trịnh Huyền cũng gây được cảm xúc cho người xem, nhất là màn độc thoại của nhân vật trong cuộc đấu tranh nội tâm, thể hiện những suy tư giằng xé của Vân Nga về việc có nên trao áo Long bào cho Lê Hoàn hay không? Đây là một cảnh khá hay của vở diễn và của Trịnh Huyền.
3. Điều đặc biệt gây ấn tượng của mỹ thuật sân khấu (họa sĩ Hoàng Duy Đông) trong vở Lau trắng là trên phông hậu - màn hình LED - hiện diện hầu như suốt vở diễn là cảnh những cành lau trắng bay phất phơ trong gió dưới ánh trăng, mặt trăng lúc thì lưỡi liềm, lúc thì tròn vành vạnh, biểu đạt sự vận động của thời gian, cũng là sự biến thiên của lịch sử, tạo nên phong cảnh hết sức huyền ảo, trữ tình của đồi lau - nơi lần đầu tiên đôi trai tài gái sắc là cô thôn nữ Dương Vân Nga và người lính trẻ Lê Hoàn tình cờ gặp mặt và đem lòng yêu nhau say đắm...
Trên cái nền phong cảnh rất nên thơ, 2 con người trẻ trung trót phải lòng nhau đang “chơi trò trốn tìm” giữa một rừng lau trắng (do các cặp nam nữ diễn viên cầm trên tay, tạo thành rừng lau di động)... Với màn mở đầu hấp dẫn này, vở diễn đã tạo ngay cảm giác thật nhẹ nhàng, thanh thoát, cuốn hút người xem.
Ngoài các cây lau trên sân khấu còn có 3 lưỡi mác được đạo diễn xử lý rất linh hoạt: Xoay mặt này thì chúng là 3 lưỡi mác, xoay mặt kia thì chúng lại là 3 bông lau, cũng có lúc chúng là tượng trưng cho 3 nhân vật Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga và Lê Hoàn. Xuyên suốt vở diễn các cây lau và lưỡi mác đã được đạo diễn tận dụng triệt để, không để chúng bị chết, càng không phải là để làm cảnh, chúng đã tham gia vào diễn xuất của diễn viên, đầy ẩn ý chúng đã giúp cho diễn viên khắc họa hình tượng nhân vật sinh động và sâu sắc.
Toàn bộ vở diễn, từ tên gọi Lau trắng, cho đến bối cảnh, cảnh trí, đạo cụ, trang phục của nhân vật (chỉ một màu trắng ngà được tô điểm những cành lau trắng vẽ trên nền vải) đều thể hiện hình ảnh lau trắng. Cây lau trắng đã trở thành biểu tượng chủ đạo của vở diễn, lau trắng tượng trưng cho mối tình trong trắng, đẹp đẽ của Dương Vân Nga và Lê Hoàn mà nhân vật Cô gái - đại diện cho lớp trẻ của xã hội hiện đại hôm nay đã viết lên.
***
Thành công của Lau trắng là sự kết hợp giữa cái tinh tế, chững chạc của đạo diễn Lê Thúy Nga với sự từng trải, hiểu biết của tác giả Chu Thơm, đặc biệt là với ngôn ngữ và văn chương điêu luyện của tác giả khi viết về các vở kịch đề tài lịch sử. Nhờ đó, Lau trắng có một vẻ đẹp nhẹ nhàng, giống như một áng thơ vọng về lịch sử.
Với đạo diễn Lê Thúy Nga, Lau trắng là một vở thử nghiệm mới của chị trong quá trình làm đạo diễn và giảng dạy các lớp diễn viên tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Chị luôn mong muốn mỗi vở kịch mà chị có dịp dàn dựng là một thử nghiệm mới mẻ, mới về cách nhìn nhận và lý giải các vấn đề, mới trong cách thể hiện, mới trong cách sử dụng diễn viên...
Tuy còn một số vấn đề của Lau trắng khiến đạo diễn Lê Thúy Nga chưa thực sự hài lòng, hay còn nhiều điều chị muốn nói mà chưa nói hết được, dẫu sao Lau trắng đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng người xem.
Cùng với thiết kế sân khấu rất ấn tượng thì âm nhạc cũng là một thành tố góp phần tạo nên không khí trẻ trung, hiện đại của vở diễn. Hình ảnh cô gái đeo tai nghe và bài hát Trốn tìm của Đen Vâu vang lên nhắc người xem rằng cô đang sống ở thì hiện tại và đang muốn tìm hiểu lịch sử. |
Theo GS-TS Lê Thị Hoài Phương - Thể thao & Văn hóa