Tin văn nghệ
Phát hiện ngôi miếu cổ Nho học thời Nguyễn tại Hà Tĩnh
08:25 | 09/11/2016

Trong quá trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), các nhà nghiên cứu khảo cổ đã phát hiện Văn Miếu cổ được xây dựng từ thời Nguyễn nằm trên địa bàn thôn Đông Văn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh.

Phát hiện ngôi miếu cổ Nho học thời Nguyễn tại Hà Tĩnh
Miếu cổ được phát hiện. Ảnh: Nguyễn Nga

Theo các bậc cao niên trong thôn cho biết, trước đây Kiến trúc Văn Miếu rất đồ sộ, bao gồm cổng Tam quan, nhà Bái đường rộng 5 gian, phía trong là nhà tả vu và hữu vu, phía trong cùng là nhà thượng điện 3 gian hai hồi, gian chính đặt tượng nho thánh Khổng Tử, hai gian tả hữu đặt tượng “tứ phối” (Thầy Nhan, thầy Tăng, thầy Tử, thầy Mạnh), còn hai gian hồi thờ bài vị “thất thập nhị hiền” (72 học trò giỏi của Khổng Tử) và các bài vị các bậc tiên triết, tiên nho đỗ đạt cao trong huyện thời bấy giờ.

Hiện nay, ngôi miếu cổ chỉ còn sót lại cổng tam quan phía trước, nằm sát con đường liên thôn. Cổng có kiến trúc chồng diêm, ba tầng tám mái, phía trước trổ cửa vòm, xung quanh xây tường bằng vật liệu truyền thống vôi, vỏ hàu kết dính, trần mái đổ khung tre trát vôi vữa kết dính. Cổng có kích thước cao 4,9m, cửa rộng 1m, dày 0,5cm. Phía trong cổng được đặt tấm bia đá hình chữ nhật làm bằng chất liệu đá thanh cổ màu xanh đen nguyên khối, có kích thước cao 1,50m, rộng 1m, diềm bia trang trí hoạ tiết hoa văn dây leo cách điệu, thân bia được khắc chữ Hán cổ nhưng đã bị bào mòn không còn rõ chữ.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu khảo cổ còn phát hiện các bệ đá thanh cổ màu xanh đen nguyên khối được khắc tiện công phu, phía dưới hình vuông, mặt trên hình trụ tròn để kê chân cột.

Việc phát hiện Văn Miếu cổ ở Kỳ Anh, sẽ góp phần làm sáng tỏ sự ra đời và phát triển của nền giáo dục khoa cử nho học xưa trên vùng đất phía nam Hà Tĩnh, có truyền thống hiếu học và đạo nghĩa từ xa xưa trong lịch sử dân tộc.

Theo Lan Phạm (tổng hợp) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các bài mới
Các bài đã đăng