Tin văn nghệ
Chúng tôi đã sống như thế
08:34 | 09/11/2016

Đối với hầu hết người Việt Nam đã sống qua giai đoạn những năm tháng từ kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đến đế quốc Mỹ và cả thời hòa bình thống nhất hiện nay, cái tên Phạm Tuyên không mấy xa lạ.

Chúng tôi đã sống như thế
Bìa cuốn hồi ký Chúng tôi đã sống như thế
Ông là nhạc sĩ, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng đi cùng nhiều thế hệ như: Cây gậy Trường Sơn, Con kênh ta đào, Đảng đã cho ta mùa xuân và nổi tiếng nhất có thể kể đến là Như có Bác trong ngày đại thắng. Thế nhưng, lại có ít người biết về cuộc đời của người nhạc sĩ, một cuộc đời gắn liền với nhiều biến cố của lịch sử.
 
Vừa qua, NXB Tổng hợp TPHCM đã xuất bản cuốn hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của tác giả Nguyễn Ánh Tuyết, người vợ của nhạc sĩ.
 
Có một điều khá đặc biệt ở cuốn hồi ký này nguyên gốc được hoàn tất vào năm 2007, tuy nhiên khi đó theo yêu cầu của tác giả, sách không xuất bản mà chỉ in vài bản tặng người trong gia đình, bạn bè thân thiết.
 
Năm 2009, bà Nguyễn Ánh Tuyết mất và đến năm 2016, người thân trong gia đình dựa trên bản thảo này chỉnh sửa, bổ sung một số tư liệu mới và xuất bản chính thức.
 
Chúng tôi đã sống như thế trên danh nghĩa tác giả là bà Nguyễn Ánh Tuyết, vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tuy nhiên, phần nội dung trong tác phẩm lại là hồi ký chung của hai vợ chồng, thậm chí trên trang bìa cũng có ghi rõ “Hồi ký của vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên”.
 
Trong xã hội, nhạc sĩ Phạm Tuyên rất nổi tiếng. Vợ của ông, PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết, cũng không kém cạnh, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Bà là một nhà khoa học, nhà giáo, tác giả của trên 30 đầu sách về giáo dục, trong đó tác phẩm Giáo dục mầm non Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam.
 
Tác phẩm chia làm 6 phần. Phần đầu tiên có nhan đề Nơi hai điểm xuất phát viết về xuất thân gia đình của hai người, tuy nhiên do gia đình bà Tuyết khá bình dị nên chủ yếu của phần này dành để nhắc đến gia thế nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ở phần này tuy nhắc khá nhiều đến ông Phạm Quỳnh, thân sinh nhạc sĩ Phạm Tuyên, một nhân vật lịch sử nhưng đa số đều là các tư liệu đã công bố, hầu như không có chi tiết nào mới lạ ngoại trừ các chi tiết trong nội bộ gia đình như cách thức chăm sóc con cái, đánh giá của Phạm Quỳnh về những đứa con…
 
Phần hai khá ngắn, tập trung vào giai đoạn hai người quen biết, yêu nhau và đến với nhau. Hai phần ba và bốn lần lượt là những tâm sự, chủ yếu của bà Ánh Tuyết về cuộc sống gia đình, con cái trong giai đoạn chiến tranh và những vất vả trên con đường nghiên cứu một trong những ngành khoa học còn rất mới khi đó: tâm lý học.
 
Phần năm và cũng là phần quan trọng nhất, được dành nhiều trang nhất trong cuốn hồi ký có tên gọi “Con đường âm nhạc” tập trung vào cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Từ những sáng tác đầu tay đến những ca khúc bất hủ sau này. Điểm đặc biệt ở phần này là các hồi ức về những ca khúc, hoàn cảnh, thời điểm, những dấu ấn kỷ niệm trong sáng tác…
 
Phần cuối cùng của hồi ký tác giả viết chỉ một thời gian ngắn trước lúc qua đời, có lẽ bà đã dự đoán được tình hình sức khỏe của mình nên trong hồi ký có những dặn dò về hậu sự. Thế nhưng cũng chính ở phần này, cuốn hồi ký khắc họa sự lạc quan, yêu đời và cả tinh thần lao động của cả hai người.
 
Dù rằng với cả hai, cuộc đời, gia đình, người thân họ gắn với nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng cho tới tận cuối cùng, qua cuốn hồi ký bạn đọc có thể thấy đọng lại vẫn là sự lạc quan, mãn nguyện về những gì cuộc sống mang lại, là hy vọng vào sự phát triển tương lai và trên hết là tình yêu với đất nước, Tổ quốc mình.
 
Theo Xuân Thân - SGGP Online

 

Các bài mới
Các bài đã đăng