Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Viện Phim Việt Nam, từ cuối 2005, viện đã tiến hành quá trình số hóa, đặc biệt từ năm 2015 đã trang bị hệ thống máy quét phim sang file độ phân giải 2K và hiện đã số hóa được khoảng 4.000 cuốn phim. Tuy nhiên, việc thay đổi liên tục về công nghệ là một trong những trở ngại rất lớn. Mỗi lần thay đổi công nghệ như vậy, công việc số hóa sẽ phải bắt đầu lại từ điểm xuất phát. Kinh phí và thời gian cần thiết cho mỗi lần sao chép toàn bộ khối lượng dữ liệu như vậy là không nhỏ. Thách thức đặt ra là vừa phải tiếp thu công nghệ mới, đồng thời vẫn phải tiếp tục duy trì, bảo quản phim nhựa truyền thống. Và thực tế, rất nhiều thước phim tư liệu quý đã bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng.
Kết quả của số hóa không chỉ tạo thuận lợi trong phương thức bảo quản, lưu trữ giúp kéo dài tuổi thọ các tác phẩm điện ảnh. Quan trọng hơn, những thước phim giá trị và mang ý nghĩa lịch sử, xã hội ấy sẽ có đời sống, sức sống mới bền vững hơn. Nó cũng là tiền đề cho công tác quảng bá, đưa các tác phẩm kinh điển đến gần với khán giả, đặc biệt trong giai đoạn nở rộ các nền tảng trực tuyến như hiện nay.
Nhiều kết quả tích cực thấy rõ, đó là sau khi số hóa, nhiều phim kinh điển của điện ảnh Việt đã được quảng bá trong sự kiện “Tuần phim Việt trên VTV Go” vào cuối năm 2020. Cuối tháng 5-2021, Tuần phim hoạt hình Việt trên VTV Go cũng giới thiệu 50 bộ phim đặc sắc. Trước đó, kho phim hoạt hình với hàng trăm tác phẩm của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng được đăng tải trên kênh YouTube “Phim hoạt hình Việt Nam”, hiện đã thu hút hơn 560.000 lượt người đăng ký, hơn 160 triệu lượt xem. Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng có kênh YouTube với hàng chục phim tài liệu đặc sắc được đăng tải. Hai đơn vị này cũng có fanpage phục vụ cho công tác quảng bá. Gần đây nhất vào trung tuần tháng 7, Viện Phim Việt Nam cũng cho ra mắt kênh YouTube và đăng tải 9 bộ phim đầu tiên, thu hút hàng triệu lượt xem.
Trên thực tế, rất nhiều phim điện ảnh, hoạt hình, tài liệu, khoa học... sau khi số hóa đã được phát tán trên nhiều nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là YouTube mà không phải kênh nào cũng là chính chủ. Công tác số hóa vốn gặp nhiều khó khăn nhưng hậu số hóa, bảo vệ bản quyền càng đặt ra nhiều thách thức.
Theo Văn Tuấn - Kim Loan
SGGP Online