Tin văn nghệ
Những tác phẩm bước ra từ cuộc đời
08:26 | 10/11/2016

Đầu tháng 11-2016, NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản tản văn Vũ điệu buồn của chữ của nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân. Tác phẩm bao hàm nhiều khía cạnh của sáng tác nhưng chiếm vị trí chủ đạo vẫn là những vấn đề về cuộc đời của người viết văn và câu chuyện về những tác phẩm bước ra từ cuộc đời.

Những tác phẩm bước ra từ cuộc đời
Những tác phẩm viết về chính cuộc đời của người viết
Nỗi niềm người sáng tác
 
Có thể nói Vũ điệu buồn của chữ là cuốn sách khó đọc, bởi một phần các bài viết trong sách được tập hợp từ nhiều nguồn, có một số đã đăng báo, một số khác từng được viết trên trang mạng xã hội của tác giả, thậm chí một số bài rất ngắn, đến mức có thể xem như một dạng “status” (đoạn văn ngắn ghi trạng thái).
 
Thế nhưng, cũng chính cách thể hiện này đã giúp người đọc phần nào hiểu được công việc của một người sáng tác mà ở đây là dịch thuật. Ví dụ như trong bài viết Tự thú của một gã không mê cờ bạc, tác giả nhắc đến nhân vật Septimus trong tác phẩm Bà Dolloway (của nhà văn Anh Virginia Woolf) mà ông đang dịch nửa chừng.
 
Thế rồi, trong một bài viết khác viết sau đó 2 năm, tác giả nhắc lại câu chuyện đó nhưng lần này tác phẩm đã dịch xong và những dấu vết mà tác phẩm để lại cho dịch giả cũng đã khác đi. Qua hai bài viết, bạn đọc có thể thấy việc dịch thuật không đơn thuần là chuyển ngữ mà đó còn là một quá trình thấu hiểu và tái sáng tác tác phẩm gốc và quá trình đó ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân dịch giả.
 
Nguyễn Thành Nhân là một dịch giả chuyên nghiệp với hàng chục tác phẩm dịch, còn với cương vị nhà văn, không kể cuốn tạp văn trên thì đến nay, ông chỉ mới có 2 tác phẩm. Tuy nhiên, một trong hai tác phẩm đó lại rất nổi tiếng với cái tên Mùa xa nhà. Dù có số phận khá lận đận nhưng tác phẩm này vẫn được đánh giá là một trong những sáng tác hay nhất về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam cho đến nay. Tác phẩm được viết ra từ những trải nhiệm thực tế của chính tác giả, người lính trung đoàn 4BB, Sư đoàn 5, Mặt trận 479 giai đoạn từ 1984 đến 1987. Chính những câu chuyện lính, những tâm tư, tình cảm của họ đã đem lại sức sống cho tác phẩm.
 
Trong Vũ điệu buồn của chữ, tác giả nhắc nhiều đến đứa con tinh thần nổi tiếng nhất của mình, đặc biệt là những hành trình về lại chiến trường xưa, thăm lại đồng đội, người dân đã từng sát cánh, che chở cho chiến sĩ quân tình nguyện năm ấy. Có thể nói, nếu Mùa xa nhà khắc họa hình ảnh chiến tranh khốc liệt thì Vũ điệu buồn của chữ lại tái hiện những con người, vùng đất từng một thời chiến tranh đó trong thời bình với những kỷ niệm của những người đã đi qua chiến tranh.
 
Cuộc đời là tác phẩm
 
Nhắc đến Mùa xa nhà không thể không nhắc đến Miền hoang của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh. Nếu Nguyễn Thành Nhân viết nên Mùa xa nhà từ những ngày sốt rét nằm giữ chốt ở thị trấn Pailin thì Sương Nguyệt Minh viết nên Miền hoang từ kỷ niệm của những ngày “lạc rừng lang thang đói khát, mặt quắt như ngón tay chéo ở những cánh rừng Campuchia” như chính tác giả chia sẻ.
 
Hai tác phẩm cũng có nhiều điểm giống nhau như đều là tác phẩm đầu tay của hai cựu binh, đều nhìn về chiến tranh với cách nhìn riêng đầy độc đáo. Cả Miền hoang và Mùa xa nhà vì thế đã đóng góp một phần không nhỏ vào dòng sách văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng, nhất là cuộc chiến biên giới Tây Nam.
 
Thế nhưng, không dừng ở đó, cả hai tác phẩm còn góp một phần vào việc khuyến khích các sáng tác sau này, từ đề tài chiến tranh đến những đề tài khác trong cuộc sống. Bởi cả hai đều là những sáng tác đầu tay và dù rằng tính văn học nếu có trúc trắc nào đó thì đã có tính chân thật bù đắp vào. Hàng loạt những sáng tác sau này như Được sống và kể lại, Hồi ức lính, Bút ký lính tăng… đều có điểm chung là sáng tác đầu tay và thu hút bạn đọc bằng sự chân thật của tác phẩm được lấy ra từ chính cuộc đời của người sáng tác.
 
Và sau này, không chỉ có chiến tranh, hàng loạt tác phẩm bước ra từ cuộc sống đã ra mắt bạn đọc, đó có thể là những cuộc đời nghiệt ngã, dữ dội như của Bãi vàng, đá quý, trầm hương (tác giả Nguyễn Trí), hồi ức một thời tuổi thơ của Quân khu Nam Đồng (Bình Ca)… Những sáng tác đó đã góp phần mang lại sự đa dạng và hấp dẫn cho văn học Việt và hơn thế nữa, tính chân thật từ cuộc đời đưa vào tác phẩm đó đã giúp cho các thế hệ bạn đọc sau này không chỉ hiểu hơn về quá khứ mà còn có thêm chất liệu để sáng tác về lịch sử.
 
Theo Tường Vy - SGGP Online
Các bài mới
Các bài đã đăng