Văn học “phản ứng nhanh”
Tại tọa đàm “Văn học Việt Nam - Một năm nhìn lại” chiều 27.12, các giảng viên, nhà văn, nhà phê bình và người làm công tác xuất bản cùng nhìn lại, kể lại câu chuyện đa chiều về văn chương trong một năm mà đại dịch Covid-19 đè nặng lên cuộc sống con người. Trong thời điểm văn chương cũng như nghệ thuật đứng trước những thử thách to lớn, liệu văn chương có còn cần thiết cho cuộc sống hay không khi mà chính những nhu cầu cơ bản như sức khỏe, sự an toàn, nhu cầu vật chất… được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, 2021 là năm đặc biệt không chỉ của Việt Nam mà của toàn thế giới bởi đại dịch Covid-19 đã thay đổi thế giới, thay đổi con người. “Tôi nghĩ sau đại dịch, cho dù Covid-19 có thể qua đi, nhưng tư duy, cảm xúc con người về đời sống này đã có sự thay đổi lớn. Chúng ta phải nghĩ lại đời sống, nghĩ lại điều gì đã biết, đã viết, về các vấn đề và tương lai của con người...”.
Covid-19 gây bất ngờ, thậm chí hoảng loạn cho mọi người, cả người cầm bút trong thời gian đầu. Tuy nhiên, mọi người dần dần đã có sự tĩnh tại, nghĩ về nó, về giải pháp trong thời kỳ bình thường mới. Phòng, chống Covid-19 là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, văn chương cũng không đứng ngoài cuộc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đã có những tác phẩm từ truyện ngắn, tiểu thuyết, trường ca... không chỉ đề cập đến Covid-19, mà còn có sự chia sẻ, đặt lại những câu hỏi mà lâu nay chúng ta tưởng đã trả lời xong...
Về “văn học chống dịch”, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận: Tới thời điểm hiện nay, những trang viết chúng ta đọc được về chủ đề này cơ bản dừng lại ở sự quan sát, ghi chép, ghi nhận. Ông kỳ vọng, sau những tác phẩm “phản ứng nhanh” trước đại dịch Covid-19, sẽ có thêm nhiều tác phẩm có độ lùi về thời gian về đề tài này.
Câu chuyện của văn chương không phải là câu chuyện về virus, mà đằng sau đó là tâm trạng con người, những suy ngẫm và khắc khoải về thân phận; những vết thương, biến đổi cho đời sống cá nhân, cho thế giới mà virus gây ra... “Văn học không minh họa cho vấn đề nào đó, mà hướng tới giá trị bền vững, muôn đời được quan tâm. Quan sát tình hình văn học vừa qua từ ảnh hưởng của Covid-19 như đề tài, chất xúc tác, có thể cho rằng, đại dịch đã mang lại cảm xúc, đề tài, nguyên liệu để nhà văn suy nghĩ, khai thác, còn tác phẩm lớn thì chúng ta phải chờ đợi” - nhà thơ Đỗ Anh Vũ, Biên tập viên Ban Văn học nghệ thuật (VOV6) nhận định.
Chờ đợi thêm dấu ấn
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học cho biết: “Trong giãn cách người viết có thời gian chú tâm hơn vào đứa con tinh thần của mình, hoàn thiện tác phẩm dang dở. Rõ ràng, dịch bệnh ảnh hưởng tới người làm sách nhiều hơn là người viết sách. Đáng mừng là thời gian dịch bệnh, đội ngũ viết có các tác phẩm ra mắt đều đặn”.
Bên cạnh những tác phẩm văn học mang tính thời sự, theo PGS. TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, người yêu văn chương đã được đón nhận thành tựu mới của những tên tuổi mới xuất hiện trong văn học cũng như những tác giả đã có vị thế và bề dày sáng tác. Tiểu thuyết thứ 9 của nhà văn Nguyễn Bình Phương mang tên “Một ví dụ xoàng” ra mắt giữa lúc nhiều thành phố trong cả nước phải giãn cách; hay tập truyện ngắn “Phật trong hẻm nhỏ” gợi nhiều suy tư về thân phận con người của cây bút trẻ Huỳnh Trọng Khang; tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang” của nhà văn trẻ Đinh Phương lấy cảm hứng từ các vấn đề lịch sử gắn liền với nhà cách mạng Nguyễn Thái Học...
Không chỉ có tiểu thuyết, truyện ngắn, nhiều tác phẩm thơ, văn chương phi hư cấu (du khảo, tùy bút, tản văn, tiểu luận…), lý luận phê bình và dịch thuật (dịch văn học và dịch lý thuyết) cũng đã ra đời, được ghi nhận. Trong đó, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của nhà thơ Trần Vàng Sao được trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 4 đã gây sự chú ý đặc biệt...
Những người trong giới văn chương và xuất bản đều mong chờ sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn chương hay, được giới nghiên cứu, phê bình đánh giá cao, thu hút độc giả; có thêm nhiều tác phẩm được giới thiệu và dịch ra tiếng nước ngoài để giới thiệu gương mặt mới của văn chương Việt Nam đương đại.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, năm 2021 trôi đi, nếu không nhìn thật sâu, có thể chúng ta thấy Covid-19 chà lên tất cả, bao phủ, khống chế, áp đặt đời sống theo cách thức vô hình của nó. Tuy nhiên, văn học vẫn tiếp tục đợi chờ sự xuất hiện của các tác phẩm, đặc biệt các tác phẩm văn học thiếu nhi, và tác phẩm của những cây viết trẻ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho biết, Hội đang triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể, sắp tới sẽ tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi, trong bối cảnh tỷ lệ sách thiếu nhi của nước ngoài đang ngập tràn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 2021, Giải thưởng Tác giả trẻ đã được phát động nhằm phát hiện những tài năng văn học trẻ, khuyến khích, cổ vũ, đào tạo, bồi dưỡng các tác giả gắn bó lâu dài với công việc cầm bút...
Theo Ngọc Phương - Đại biểu nhân dân